Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Thomas McClelland - Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng, tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam rất rõ ràng, thể hiện ở trong 2 lĩnh vực: Thuế và thu hút đầu tư nước ngoài.
PV: Thưa ông, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam?
Ông Thomas McClelland: Tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam sẽ thể hiện rõ nhất trong 2 lĩnh vực: thuế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Về thuế, trong trường hợp Việt Nam chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế, vì khi đó các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu thuế bổ sung theo các nguyên tắc Trụ cột II, nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung của các tập đoàn, doanh nghiệp có đầu tư ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài của các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam đối với các Tập đoàn đa quốc gia. Nếu Việt Nam không có những cải cách kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Khi đó, không chỉ các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia lớn mà cả các DN vệ tinh, DN phụ trợ thuộc chuỗi giá trị có thể chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang các quốc gia khác hoặc quyết định không mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Ông có gợi ý gì cho Việt Nam trong việc xây dựng cơ chế thu thuế tối thiểu toàn cầu ?
- Tôi nghĩ rằng, để bảo vệ nguồn thu thuế, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác. QDMTT có thể hiểu đơn giản là một cơ chế nội địa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định tại Trụ cột II theo hướng dẫn của OECD. Đây là biện pháp mà một số quốc gia như Singapore, Malaysia đã có ý định áp dụng.
Việt Nam có thể áp dụng các cơ chế thuế tối thiểu nội địa khác mà không phải thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (ví dụ áp dụng trực tiếp thuế suất thuế thu nhập DN ở mức 15% mà không áp dụng cơ chế tính toán như của QDMTT).
Để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam nên ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ cho các DN đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ Trụ cột II.
Dưới tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều quốc gia đã nghiên cứu ưu đãi bằng tiền nhằm hỗ trợ các DN chịu ảnh hưởng. Việt Nam có nên tham khảo không, thưa ông?
- Tôi nghĩ rằng việc cân nhắc ưu đãi bằng tiền hoặc tương đương nên được xem xét trên cả khía cạnh ưu điểm và nhược điểm trong bối cảnh của Việt Nam.
Về mặt ưu điểm, trước hết loại hình ưu đãi này có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho các DN chịu ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu. Tại Việt Nam, nhiều DN thuộc các tập đoàn đa quốc gia lớn, chịu ảnh hưởng của Trụ cột II, đang được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập DN do đáp ứng điều kiện ưu đãi về đầu tư trong địa bàn ưu tiên, lĩnh vực ưu tiên, hoặc quy mô đầu tư lớn, với mức thuế suất áp dụng thấp hơn nhiều so với mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Các ưu đãi này sẽ không còn nhiều tác dụng khi Trụ cột II áp dụng do phát sinh thêm thuế phải nộp bổ sung, cộng thêm với việc DN thường phát sinh chi phí đầu tư lớn ban đầu cho cơ sở vật chất, nhân lực,… sẽ gây bất lợi lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Do đó, việc áp dụng cơ chế ưu đãi bằng tiền nhằm hỗ trợ một phần chi phí đầu tư sẽ giúp DN giảm bớt gánh nặng, khuyến khích các hoạt động đầu tư thực chất và mang tính dài hạn.
Mặc dù vậy, ưu đãi bằng tiền sẽ ảnh hưởng tới ngân sách quốc gia. Đây là quan ngại chính của các quốc gia đang phát triển do vấn đề ngân sách hạn chế. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu cải cách hệ thống thuế hợp lý để tăng nguồn thu từ thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể tận dụng chính nguồn thu này để thêm ngân sách hỗ trợ cho cơ chế ưu đãi bằng tiền.
Một vấn đề khác được đặt ra là việc ban hành cơ chế ưu đãi mới có thể tăng thêm các thủ tục hành chính về mặt quản lý, ví dụ như các thủ tục xin áp dụng ưu đãi, thủ tục xét duyệt, quản lý hành chính, cũng như hậu kiểm để đảm bảo cơ chế ưu đãi được thực hiện hợp lý, đúng mục tiêu, không phát sinh thất thoát.
Trân trọng cảm ơn ông!