Tôi có quê nội ở Huế, quê ngoại ở Đà Lạt. Nhưng sinh ra lớn lên ở Hà Nội. Thủa nhỏ có thời kì ở đúng phố Hàng Hành. Sau đó theo mẹ lênh đênh đi khắp các tỉnh thành ở miền Bắc. Những ai là con em miền Nam có cha mẹ tập kết ra Bắc, thời kỳ đầu sống tại Hà Nội, thuộc Cục I thời kì chiến tranh chống Mĩ, sẽ hiểu hầu hết đều hộ khẩu Hà Nội, cho dù di chuyển đi bất cứ tỉnh thành nào.
Hình ảnh 3D vẽ tàu điện đi qua chợ Đồng Xuân (Hà Nội).
Vì vậy mà cuộc đời của tôi luôn gắn với Hà Nội.
Tôi vẫn nghĩ rằng, thật hạnh phúc cho những nhà văn nào được gắn bó cả tuổi thơ với làng quê - quê hương của mình. Còn chúng tôi, những đứa trẻ có thể nói là sản phẩm được sinh ra từ chiến tranh, có quê hương mà không được gắn bó, chúng tôi lấy nơi mình sinh ra lớn lên gắn bó để làm quê hương thứ hai.
Và với tôi, Hà Nội là quê hương thứ ba, sau Huế và Đà Lạt.
Tác phẩm của tôi có liên quan đến Hà Nội rất nhiều. Cho dù có cả những truyện viết về nông thôn, miền núi, viết về Huế, Đà Lạt… thì tôi vẫn cứ lấy Hà Nội làm xuất phát điểm để hướng bước đi của mình về các vùng miền khác.
Tiểu thuyết “Tường thành” của tôi, lấy bối cảnh chủ yếu là các tòa soạn báo, các vùng cư dân ngụ cư ở Hà Nội. Khi Tường thành được xuất bản, các báo ở Hà Nội đưa tin rầm rộ, nhấn mạnh về những bức tường thành tại Hà Nội mà chủ đề cốt truyện lấy làm hình ảnh tượng trưng. Nhà báo Ngọc Lan, báo Nông thôn ngày nay viết: “Tường thành là bức tranh hiện đại thị thành, với những gương mặt người - ngợm, những thiên thần - quỷ dữ trong hành trình đi kiếm tìm chân - thiện - mỹ”. Nhà báo Khánh Phương, báo Gia đình & Xã hội viết: “Như một hơi thở lạ, “Tường thành” đã mạnh dạn bày tỏ một cái nhìn riêng về những tệ nạn đang tiến sát, ăn sâu, trở nên bình thường trong cuộc sống hiện tại. Không ít người cho rằng tác giả khía ngòi bút vào lĩnh vực đó là chạm đến phần nhạy cảm của xã hội, gây sốc cho người đọc”.
Truyện dài “Chiếc hộp gia bảo”, dù lấy Cát Bà làm điểm đích. Nhưng nhóm nhân vật vẫn xuất phát từ Hà Nội, và trở về Hà Nội.
Truyện ngắn viết về Hà Nội, liên quan Hà Nội thì gần như chiếm đến 70% trong số các truyện ngắn của tôi. Như “Cô gái đúc thánh”, tôi viết khi nhìn thấy và được tham quan các xưởng đúc tượng. “Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào”, “Ngôi sao chiếu mệnh”… tôi miêu tả câu chuyện tình của những đứa trẻ Hà Nội cùng đi sơ tán, sau này lớn lên với những mối quan hệ và tình người xấu xa hay cao thượng. “Bầy hươu nhảy múa”, “Cô gái mặc váy ngắn bước lên tàu điện ngầm”, “Hương gai cầu trên đại lộ X.”, “Sương đào phai”, “Ăn trái đào hái hoa hồng đào”… tất cả đều nhờ linh thiêng Hà Nội. Ngay cả khi tôi viết về “Lúa hát”, về nông thôn, những cánh đồng lúa… thì tôi cũng hình dung “một vùng nông thôn ven Hà Nội”. Năm 2010, cuộc thi viết về hình ảnh các chiến sĩ công an nhân dân thành phố Hà Nội, tôi giành được Giải Nhất với truyện ngắn “Mặt trời ở lại”. Truyện ngắn viết về người công an cứu hỏa hi sinh khi cứu được mẹ con người thiếu phụ trong một đám cháy lớn. Khi viết truyện này, là trước đó đoàn nhà văn chúng tôi được đưa đi thực tế các quận huyện ở Hà Nội. Tôi đã đến làm việc ở Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, được biết bao nhiêu câu chuyện cứu hỏa, những gian nan vất vả của người chiến sĩ công an cứu hỏa nói riêng và công an thành phố nói chung.
Tôi có khá nhiều truyện ngắn viết về sinh hoạt, kinh doanh, lao động… đều là những truyện liên quan nhiều đến Hà Nội, thậm chí là nhờ Hà Nội mà có những truyện ngắn ấy, như “Cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí, Thế giới tối đen, Giữa bầy chó, Băng hắc Long Điểu, Cuộc chuyện với Cụ Rùa, Bán hàng trên mạng, Bên hàng trúc trên tầng thượng, Bầy đom đóm”…
Gần đây tôi viết nhiều truyện ngắn về miền núi. Như truyện ngắn “Hoàng mộc hương nở hoa, Muôn ngàn hạt châu”… Nhưng Hà Nội vẫn là nơi mà bước chân tôi chọn làm điểm xuất phát, cũng là điểm trở về.
Hà Nội là nơi tôi gắn bó không chỉ tuổi thơ, mà còn cả những mối nhân duyên, những gắn kết công việc bạn bè, những quyết định và đường đi đến với văn chương.
Tôi luôn nhớ Hà Nội ngay cả khi đang sống giữa lòng thành phố, nỗi nhớ của một kẻ nhận ra trong máu huyết mình luôn thấm đẫm mùi vị hình hài không gian phố thị đặc trưng Bắc kỳ. Tôi nhớ Hà Nội, bởi tôi có nguồn gốc dòng máu Huế pha trộn Đà Lạt. Quê hương nằm trong tim tôi, làm nên cốt cách tôi. Và Hà Nội đã nuôi dưỡng bồi đắp cốt cách tâm hồn tôi.
Vì vậy, khi viết, tôi luôn ở trong không gian đa chiều; mà nơi tôi được tựa, được lấy làm cột trụ cho tác phẩm và hình hài mình là linh thiêng đất kinh kỳ Hà Nội.
(Kỳ sau: KTS Trần Huy Ánh: Những không gian bị băm nát)