Quốc tế

Châu Á 20 năm sau thảm họa sóng thần

THẾ TUẤN 29/12/2024 08:21

20 năm sau trận sóng thần khủng khiếp ngày 26/12/2004 làm 226.000 người chết tại châu Á. Thảm họa đã trở thành ký ức đau buồn với những giọt nước mắt vẫn rơi...

anh bai Song than
Cảnh tan hoang sau sóng thần năm 2004 ở Aceh (Indonesia).

Vào lúc 7 giờ 58 phút sáng 26/12/2004 một trận động đất 9,3 độ Richter, cường độ lớn nhất trên thế giới được ghi nhận kể từ năm 1960 đã xảy ra tại Ấn Độ Dương ngoài khơi Indonesia, gây ra một cơn sóng thần khổng lồ tại vùng duyên hải châu Á, từ Sri Lanka, Thái Lan sang tận châu Phi. Tổng cộng có 14 quốc gia Ấn Độ Dương bị ảnh hưởng.

Người ta ước tính năng lượng của nó tương đương 30.000 quả bom người Mỹ đã thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong Chiến tranh thế giới 2. Chấn động dữ dội của trận động đất khiến mặt đất trong vùng bị ảnh hưởng đã bị dịch chuyển từ 1 mét đến 15 mét, kèm theo rung chấn cảm nhận được trên toàn hành tinh. Tại tâm chấn ở Ấn Độ Dương, một cột nước có sức tàn phá khủng khiếp di chuyển về phía bờ biển với tốc độ kinh hoàng 500 km/giờ. Khi vào bờ, những đợt sóng thần cao đến 35 mét hình thành, cuốn theo 226.000 nạn nhân.

Indonesia gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất với 170.000 người chết và mất tích. Tại một công viên lớn ở Aceh, sau khi nước rút, hàng ngàn xác chết nằm rải rác. Những giọt lệ rơi xuống trong sự hoảng loạn của người còn sống.

Tại Sri Lanka, nơi 31.000 người đã thiệt mạng trong trận sóng thần, trong đó có khoảng 1.000 hành khách trên chuyến xe lửa bị chết vì đoàn tàu bị bốc lên khỏi đường ray ở Colombo.

Ở Ấn Độ, quốc gia có 16.000 người chết, 20 năm sau hàng ngàn thân nhân các nạn nhân ở bang Tamil Nadu, nơi bị thiệt hại nhiều nhất, người ta vẫn tổ chức các đêm cầu nguyện và những cuộc tuần hành kỷ niệm. Những vòng hoa được đặt tại đài tưởng niệm ở Kanyakumari. Trong suốt những ngày đó ngư dân không ra biển.

Tại Thái Lan, trận sóng thần khủng khiếp đó từng quăng cả một con tàu vào đất liền xa tới 2km và người ta đã dùng xác con tàu đó làm nơi kỷ niệm 5.400 nạn nhân, trong đó gần một nửa là du khách nước ngoài thuộc 37 quốc tịch khác nhau, chủ yếu đến từ châu Âu: 543 người Thụy Điển, 537 người Đức, các nước Phần Lan, Anh, Thụy Sĩ, Pháp, Na Uy mỗi nước có trên dưới 100 người...

Trận sóng thần kinh hoàng diễn ra ngay sau Noel năm 2004 đã gây xúc động trên toàn thế giới. 20 năm sau nó đã trở thành ký ức đau buồn của nhân loại và nhắc nhở loài người càng cần phải cảnh giác trước sự cực đoan của thời tiết.

Cơn ác mộng sóng thần cách đây 20 năm buộc các cộng đồng ven biển quanh Ấn Độ Dương phải tính toán lại về khả năng đương đầu. Tới nay, đã có 1.400 trạm cảnh báo sóng thần trên phạm vi toàn cầu, cắt giảm thời gian cảnh báo xuống chỉ còn vài phút ngay sau khi sóng thần hình thành ngoài khơi. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cảnh báo rằng không bao giờ có thể ngăn chặn hoàn toàn tác động của một trận sóng thần kinh hoàng...

Trong gần 20 năm qua kể từ sau thảm họa, ông Banlue Choosin không ngừng theo dõi vùng biển quanh tỉnh Phang Nga (miền Nam Thái Lan) để tìm dấu hiệu bất thường. Người đàn ông 59 tuổi vốn là ngư dân. Chính kinh nghiệm thực tế khiến cộng đồng làng Ban Nam Khem tin tưởng để ông theo dõi vùng biển này. Thảm họa sóng thần năm 2004 khiến làng Ban Nam Khem bị xóa sổ. Sau thảm họa, chính quyền đã đã thiết kế và triển khai hệ thống giảm thiểu rủi ro tại địa phương. Hệ thống này bao gồm một nơi trú ẩn bằng bê tông, hai hệ thống báo động, các tuyến đường sơ tán. Các bộ phận của hệ thống này được kiểm tra thường xuyên. Ví dụ, vào mỗi sáng thứ Tư, hai hệ thống báo động sóng thần sẽ phát quốc ca để đảm bảo vẫn vận hành trơn tru. Ông Banlue cho biết 2.000 cư dân của làng Ban Nam Khem cũng được khuyến khích chuẩn bị một túi đồ dùng chứa các giấy tờ cần thiết để sơ tán nhanh chóng.

Còn tại Indonesia, nhiều quy định được ban hành để thiết lập và hợp lý hóa quy trình cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và thực phẩm trong trường hợp xảy ra thảm họa sóng thần. Giáo dục và diễn tập phòng ngừa sóng thần đã trở thành quy định bắt buộc tại tất cả các trường học trong tỉnh Aceh từ năm 2010. Việc triển khai chương trình trường học an toàn trước thảm họa đã được thực hiện trên toàn quốc vào năm 2012. Hệ thống còi báo động đã được lắp đặt tại nhiều tỉnh và người dân được hướng dẫn về những việc cần làm trong trường hợp báo động vang lên.

When Ahmadi, một người dân đảo Simeulue cho biết, để có thể sống sót nếu không may sóng thần ập đến thì phải đảm bảo mọi đứa trẻ đều sẵn sàng. Bản thân Ahmadi sống tại thủ phủ Banda Aceh của tỉnh Aceh khi sóng thần ập đến năm 2004 và anh đã nhanh chóng sơ tán đến nơi cao hơn. Khi đó, Ahmadi cố gắng thuyết phục hàng xóm làm điều tương tự, nhưng họ không nghe theo. Khi anh trở lại, có rất nhiều người đã thiệt mạng...

Không thể ngăn được sóng thần nhưng có thể kéo giảm thiệt hại nếu như các quốc gia đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa thảm họa. Bên cạnh đó, yếu tố tinh thần và sự đoàn kết cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng, khi có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên cộng đồng. Trong Báo cáo rủi ro thế giới năm 2024, tiến sĩ Katrin Radtke nói rằng, không chỉ với sóng thần mà trong bất cứ thảm họa thiên nhiên nào, tinh thần đoàn kết cộng đồng luôn là yếu tố quan trọng kể cả việc tái thiết sau thảm họa.

Trong thảm họa sóng thần 20 năm trước, cả một vùng rộng lớn ven biển của Aceh (Indonesia) gần như bị san phẳng, cuốn trôi, với hơn 120.000 ngôi nhà, các công trình xây dựng, hàng nghìn km đường giao thông… ở Aceh lúc bấy giờ chỉ còn là những đống đổ nát... Nhưng rồi, sau 20, Aceh đã hồi sinh.
Làng Lampulo của Banda Aceh, chỉ cách bờ biển có cảng cá 1,8 km, là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa. Trong cái nắng chói chang của những ngày cuối năm 2024, những ngôi nhà nép mình bình an dưới bóng cây xanh mát dù vẫn ẩn chứa những câu chuyện và những con người đầy mất mát đau thương. Tại Bảo tàng Sóng thần Aceh ở trung tâm thành phố Banda Aceh, những ngày này luôn đông khách tham quan. Họ tới triển lãm ảnh “Hai thập kỷ ký ức và hy vọng” để hồi tưởng về quá khứ đau thương nhưng cũng là để có thêm niềm tin vào tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Á 20 năm sau thảm họa sóng thần