Đã 20 năm trôi qua kể từ khi chuyến bay 93 của Hãng hàng không United Airlines bị 4 tên không tặc kiểm soát buồng lái nhằm tấn công tự sát vào nước Mỹ.
Nỗi đau chưa từng nguôi ngoai của người ở lại
Ngày 11/9/2001, những phần tử khủng bố Al-Qaeda đã đã chiếm quyền điều khiển 3 chiếc máy bay và phối hợp tấn công liều chết nhằm vào tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở New York và Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington.
Đã 20 năm trôi qua kể từ khi chuyến bay 93 của Hãng hàng không United Airlines bị 4 tên không tặc kiểm soát buồng lái nhằm tấn công tự sát vào nước Mỹ. Tuy nhiên, chuyến bay không thể đến được mục tiêu dự định mà đã đâm xuống một cánh đồng tại xã Stonycreek gần thị trấn Shanksville, tiểu bang Pennsylvania, lúc 10h03 sáng, cách thủ đô Washington, DC khoảng 240 km theo hướng Tây Bắc.
Trên cánh đồng rộng lớn nơi chiếc máy bay đã rơi khỏi bầu trời cách đây nhiều năm, tất cả mọi thứ đều tĩnh lặng.
Những ngọn đồi xung quanh thị trấn Shanksville dường như nuốt chửng hết mọi âm thanh, nơi đó chính là cao nguyên hàng triệu người dân Mỹ luôn hướng về ngày 11/9 hàng năm.
Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay số hiệu 93 được đặt tại đây để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số đã nằm lại trên vùng đất Pennsylvania.
Ờ rìa của đài tưởng niệm, một người đàn ông vạm vỡ trong chiếc áo vest Harley Davidson tâm sự với hai người bạn đồng hành.
Anh chỉ về phía mảnh đất nơi chiếc máy bay đã hạ cánh lần cuối cùng, nói với giọng tỉ tê như đang kể lại một câu chuyện ký ức.
Thật khó để nghe thấy những gì họ nói với nhau, nhưng hai từ đầu tiên của anh lại rất rõ ràng: “Tôi nhớ…”.
Ở một câu chuyện khác, ngày 11/9 vào 20 năm trước chính là khoảnh khắc khiến cuộc sống của Jack Grandcolas thay đổi hoàn toàn.
Anh vẫn nhớ khoảng thời gian 7h sáng ngày hôm đó, khi thức dậy và nhìn ra phía cửa sổ, bản thân đã mơ hồ nhìn thấy một thiên thần đang bay lên.
Không lâu sau đó, vào lúc 10h30, chuyến bay United 93 đã lao xuống cánh đồng ở Pennsylvania. Vợ anh, Lauren là một hành khách trên chuyến bay xấu số đó.
Grandcolas nhớ lại lời nhắn cuối cùng của vợ để lại: “Em yêu anh hơn tất cả, anh chỉ cần nhớ vậy thôi. Hãy nói với gia đình là em cũng rất yêu họ. Tạm biệt anh”.
Tất cả 44 hành khách trên máy bay đều thiệt mạng. Lauren lúc đó 38 tuổi và đang mang thai đứa con đầu lòng được 3 tháng.
Máy bay số hiệu 93 là chiếc thứ 4, đồng thời cũng là chuyến bay cuối cùng bị tấn công vào ngày 11/9 bởi lực lượng khủng bố liều chết Al-Qaeda nhắm vào Điện Capitol ở thủ đô Washington, DC.
Thực tại sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta nhớ về quá khứ
Jennifer Talarico, Giáo sư tâm lý tại Đại học Lafayette ở Pennsylvania, người chuyên nghiên cứu cách con người hình thành ký ức cá nhân về các sự kiện công cộng cho biết: “Thực tại sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta nhớ về quá khứ - đôi khi theo cách cũ và đôi khi theo những cách mà chúng ta không nhận ra”.
Bằng chứng rõ ràng nhất chính là các sự kiện trong năm tuần qua ở Afghanistan, nơi cuộc chiến kéo dài 20 năm nhằm đáp lại sự kiện 11/9 đã kết thúc.
Ngay cả những người không có ký ức trực tiếp về sự kiện 11/9, họ cũng có thể cảm nhận được nỗi đau qua những câu chuyện kể lại, hoặc thậm chí chỉ qua màn hình truyền thông.
Mọi người ở các vùng khác nhau của đất nước và trên khắp thế giới, đã xem cùng một góc máy quay trực tiếp về sự khủng khiếp của vụ tấn công. Họ có thể không cùng trải qua, nhưng vẫn cùng đau buồn và thấu hiểu.
Ngày 11/9/2015, tưởng niệm 15 năm của vụ khủng bố, Tổng thống Barack Obama đã nói: “15 năm có vẻ là một khoảng thời gian dài. Nhưng đối với những gia đình đã mất đi một phần trái tim của họ ngày hôm đó, tôi tưởng tượng mọi chuyện như chỉ vừa mới ngày hôm qua”.
“Quá khứ không bao giờ chết. Thậm chí đó không phải là quá khứ”
Ký ức ngày 11/9 đã trở thành lịch sử. Và lịch sử sẽ được gìn giữ, trân trọng và chia sẻ.
"Điều gì là quan trọng, những gì bạn nhớ hay cách bạn nhớ?" Nhà văn J. William Thompson đã tự hỏi trong cuốn sách năm 2017 của mình, "Từ ký ức đến kỷ niệm: Shanksville, Mỹ và chuyến bay 93".
Trên trang bìa cuốn sách của Thompson, một người đàn ông đang đứng nhìn về địa điểm vụ tai nạn tại thị trấn Shanksville với cánh tay phải của anh giơ cao. Ở bên trái, một tấm biển vẽ tay khắc 3 chữ - một câu tuyên bố: "Tôi không quên".