Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, 3 địa phương có đường biên giới trên bộ giáp Trung Quốc là TP Móng Cái, huyện Hải Hà và Bình Liêu cần nghiêm túc triển khai thực hiện phòng, chống dịch theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và các ngành có liên quan.
Máy đo thân nhiệt tự động tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh).
Sáng nay, 24/2, UBND tỉnh Quảng Ninh có cuộc họp khẩn cấp triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 với các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho rằng, do thời điểm giao mùa và nguy cơ xâm nhập dịch từ biên giới vào Quảng Ninh cao nên biện pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 là phòng ngừa từ xa. Ông Giang đề nghị hạn chế, thậm chí là cấm chuyển vùng đối với đàn gia súc, gia cầm trong thời gian giao mùa này.
Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện tại Trung Quốc đã có 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9 ở 17 tỉnh, chủ yếu ở phía Đông Nam, trong đó, 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây giáp biên giới Việt Nam. Đây là đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay và có tỷ lệ tử vong cao, chiếm tới 50%. Đa phần những người mắc cúm đều liên quan đến việc tiêu thụ, di chuyển gia cầm.
Là 1 địa phương có đường biên giới giáp Trung Quốc, khả năng xâm nhận virus cúm A/H7N9 sang Quảng Ninh là rất cao. Hiện tại Quảng Ninh chưa có trường hợp nào mắc cúm A/H7N9 trên người nhưng trong 2 tháng đầu năm 2017 vẫn ghi nhận 4 ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm tại các huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 ở ngay sát biên giới, ngành Y tế Quảng Ninh đã nhanh chóng cung cấp thông tin về tình hình cúm A/H7N9 và khuyến cáo người dân về biện pháp phòng, chống; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất; rà soát lại hệ thống máy móc xét nghiệm; xây dựng phương án, chuẩn bị địa điểm cách ly để thu dung, điều trị và phòng lây nhiễm.
Các ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Bộ đội biên phòng và các địa phương tăng cường kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống các dịch bệnh trên người của tỉnh yêu cầu các các ngành và địa phương, đặc biệt 3 địa phương có đường biên giới trên bộ giáp Trung Quốc là TP Móng Cái, các huyện Hải Hà và Bình Liêu cần nghiêm túc triển khai thực hiện phòng, chống dịch theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và các ngành có liên quan.
Bà Vũ Thị Thu Thủy nhấn mạnh, Chủ tịch UBND các địa phương và lãnh đạo các ngành chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch cúm A/H7N9 theo hướng dẫn của tỉnh và đặc thù của từng địa phương, ngành đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tuân thủ phương châm “4 tại chỗ”.
Cần tăng cường kiểm soát các điểm giết mổ, chăn nuôi, buôn bán vận chuyển gia súc gia cầm; giám sát nhằm phát hiện sớm, báo cáo không bỏ sót ca bệnh; thông tin báo cáo thông suốt kịp thời, đặc biệt ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật thông tin hàng ngày về tình hình dịch. Đồng thời lưu ý khi phát hiện dịch phải có biện pháp khoanh vùng và khẩn trương dập dịch một cách kịp thời, hiệu quả, tránh việc để lan rộng, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.