3 mối lo của EU

Thanh Đức 26/10/2021 07:06

Giá năng lượng tăng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng như diễn biến mới đáng ngại của đại dịch Covid-19 tại các quốc gia vùng Baltic đang là những vấn đề khiến nguyên thủ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đau đầu. EU đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế “hậu Covid”, tuy nhiên lại đối diện với những thách thức không nhỏ.

Trong bức thư gửi đến nguyên thủ các nước thành viên EU mời dự cuộc họp Thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, giá năng lượng sẽ là chủ đề lớn đầu tiên mà các lãnh đạo châu Âu phải đối mặt. Còn theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, các nhà lãnh đạo EU sẽ phải nhanh chóng đề ra các giải pháp cả ở cấp độ châu lục lẫn từng quốc gia, cả về ngắn hạn lẫn dài hạn.

EU thiếu 25 tỷ m3 khí đốt

“Ưu tiên của chúng tôi là mang lại các giải pháp giảm nhẹ gánh nặng của việc tăng giá năng lượng đối với các doanh nghiệp và các hộ gia đình. Các biện pháp giảm nhẹ gánh nặng có thể bao gồm trợ cấp nhà nước, trợ cấp có mục tiêu cho người tiêu dùng hoặc việc gỡ bỏ hoặc cắt giảm thuế” - bà Ursula von der Leyen nói.

Năng lượng vốn là “tồn tại” của các nước EU, kéo dài đã nhiều năm. Một trong những đối tác quan trọng của EU về vấn đề này chính là nước Nga - quốc gia dồi dào nguồn năng lượng. Mới đây, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết mức tiêu thụ khí đốt ở nước này đang ở mức cao kỷ lục, song Moskva vẫn sẵn sàng tăng lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu. Nguyên nhân khiến việc tiêu thụ năng lượng tăng mạnh là do nhu cầu tăng cao phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Ông Novak không đề cập lượng dự trữ khí đốt của Nga, song ước tính các kho dự trữ ngầm của EU đang thiếu khoảng 25 tỷ m3 khí đốt.

Do thiếu nguồn cung năng lượng nên giá điện tại các nước EU đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng gần 8 lần càng làm dấy lên lo ngại giá cả leo thang có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tại các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 3% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, kèm theo lạm phát tăng. Tình trạng thiếu khí đốt đã khiến 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng 8.

Sông băng Aletsch trên dãy Alps tan chảy ngày một nhiều hơn.

Mối lo tưởng xa mà gần

Biến đối khí hậu – mối lo “tưởng xa mà gần” là điều quan ngại thứ hai của các nước EU. Trong năm 2020 và mùa hè năm 2021 này, nhiều quốc gia EU đã phải hứng chịu bão lũ, nền nhiệt tăng cao khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Đáng chú ý, trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học Thụy Sĩ đã xác định hơn 1.200 hồ băng hình thành trên dãy Alps của Thụy Sĩ từ những năm 1850 hiện đang tan chảy.

Theo ông Daniel Odermatt - nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ thủy sản Liên bang Thụy Sĩ, nhấn mạnh, không nghi ngờ gì nữa, tình trạng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân cho việc băng tan chảy này. Những hồ băng tan chảy chính là bằng chứng về tình trạng biến đổi khí hậu.

Stephan Lempen - Ủy viên Hội đồng thị trấn Simmental, vẫn còn nhớ như in về ngày hồ Faverges đột nhiên “bùng nổ”. “Một lượng lớn nước từ hồ đã tràn vào làng của chúng tôi. Nó xảy ra quá nhanh. Mọi người phải sơ tán” - ông Lempen nhớ lại. Từ đó, chính quyền địa phương buộc phải xây dựng một kênh thoát nước nhân tạo để ngăn chặn vụ bùng phát của mực nước hồ khác có thể xảy ra: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để quản lý nó, nhưng thiên nhiên vẫn không thể đoán trước được” - ông Lempen nhớ lại.

Dãy núi nằm ở Thụy Sĩ. Khi Trái đất ấm lên, dự báo cho đến cuối thế kỳ này khoảng 2/3 khối lượng băng của ngọn núi sẽ “biến mất”. Lượng nước khổng lồ do sự tan chảy của các hồ băng trên dãy không chỉ dồn nước vào Thụy Sĩ mà cả châu Âu cũng bị đe dọa. Matthias Huss - nhà băng học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich, cho rằng, cách duy nhất để ngăn sự tan rã của các hồ băng là giảm lượng khí thải CO2, không để Trái đất tiếp tục “ấm” lên. Với những diễn biến xấu từ dãy Alps, đó không phải là việc riêng của Thụy Sĩ mà phải là sự chung tay của cả châu Âu. Nhưng tới nay EU vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề này.

Covid-19 đe dọa các quốc gia Baltic

Dù đã đạt được nhiều thành tựu trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng EU cũng vẫn phải đối diện với sự đe dọa của dịch bệnh. Việc gia tăng số ca nhiễm mới tại các quốc gia vùng Baltic đã cho thấy điều đó. Và đó cũng chính là mối lo thứ ba của các nước EU.

Tại Romania, quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất EU, với khoảng 30% dân số trưởng thành được tiêm đầy đủ, những ngày qua số ca tử vong do Covid-19 “leo thang”. Các bệnh viện đã bắt đầu quá tải do số ca bệnh tiếp tục tăng. Trong khi đó, Bulgaria cũng chỉ có khoảng 25% dân số trưởng thành đã được tiêm hai mũi vaccine ngừa Covid-19, tỉ lệ thấp nhất trong các nước EU. Theo số liệu mới nhất, hơn 80% trường hợp nhiễm mới và khoảng 94% ca tử vong đã được báo cáo ở những người không được tiêm chủng.

Tương tự, Litva, Estonia, Slovakia cũng đang chịu sức ép từ biến thể Delta. Chính phủ Latvia đã buộc phải quyết định áp dụng lại lệnh phong tỏa cho đến ngày 15/11, bao gồm lệnh giới nghiêm từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau và đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu. Theo Thủ tướng Krisjanis Karins, hệ thống y tế của đang nguy cấp và cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là tiêm vaccine.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    3 mối lo của EU

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO