Đó là thông tin được ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GDĐT huyện Ba Vì, TP Hà Nội nêu trong cuộc trao đổi với báo Đại Đoàn Kết.
Theo thống kê của phòng GDĐT huyện Ba Vì, TP Hà Nội, tính đến thời điểm này cả huyện chỉ còn thiếu 16 học sinh tiểu học và 14 học sinh THCS chưa có các thiết bị học trực tuyến, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính. Trước mắt, các em đã và đang khắc phục bằng cách mượn máy hoặc học nhờ các bạn cùng lớp ở gần đó.
Về lâu dài, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GDĐT Ba Vì cho biết phòng đang phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn huy động các nguồn xã hội hóa để trang bị đầy đủ thiết bị học tập online cho các học sinh này.
Dự kiến, tới đây, phòng GDĐT quận Ba Đình, TP Hà Nội sẽ ủng hộ cho học sinh Ba Vì hơn chục bộ máy tính. Vì vậy, ông Oanh tự tin từ nay đến năm học mới sẽ có đủ các trang thiết bị để phục vụ cho việc học tập của học sinh.
Thầy Nguyễn Đức Hòa, Trưởng phòng GDĐT huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội cho biết hiện thống kê về thiết bị học tập của học sinh trong năm học mới trên địa bàn vẫn chưa có. Còn tính đến cuối năm học trước, theo khảo sát của các trường về trang thiết bị học tập, phòng thống kê chỉ một số ít học sinh gia đình không có điều kiện sắm máy tính bảng, điện thoại thông minh, hoặc máy vi tính…
Bên cạnh đó, có thiết bị rồi còn đòi hỏi phải có kết nối internet, đường truyền ổn định để phục vụ việc vào mạng học tập. Không phải gia đình nào cũng làm được, nhất là những gia đình đông con, các em học cùng một lúc thì khó đảm bảo về mặt thiết bị. Giải pháp trước mắt là các em học chung với các bạn cùng lớp ở gần nhà.
Năm học trước, các trường trên địa bàn đã có thời gian học trực tuyến và khả năng cao năm nay sẽ tiếp tục học trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh. Thống kê của năm học trước cho thấy khi triển khai học online, các em học sinh đều tham gia học khá đầy đủ, chỉ một số trường hợp đặc biệt vắng mặt có lý do bị ốm, bị mệt còn không học được do không có thiết bị là rất ít.
Hiện các trường đang dùng khá nhiều phần mềm để dạy học. Chẳng hạn với Zoom các nhà trường đa số đều mua bản quyền để lượng truy cập và thời gian truy cập được dài hơn.
“Bây giờ có rất nhiều phần mềm hỗ trợ cho nhà trường tổ chức học trực tuyến, vấn đề là nhà trường chọn dùng phần mềm nào cho phù hợp. Tới đây, chúng tôi sẽ họp để thống nhất sử dụng phần mềm nào hợp lý, hiệu quả để triển khai chung trên toàn huyện” – thầy Nguyễn Đức Hòa cho biết.
Liên quan đến phần mềm học online, thầy Phùng Ngọc Oanh cho rằng dù có nhiều nền tảng học online để các nhà trường lựa chọn sử dụng nhưng cần ưu tiên các phần mềm có thao tác đơn giản để học sinh có thể tự xử lý được trong trường hợp không phải lúc nào cũng có phụ huynh ngồi kèm.
Trong trường hợp phụ huynh không thể khắc phục được các vấn đề kỹ thuật khi triển khai học online, cũng không tìm được người giúp đỡ thì nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên, nhân viên của trường am hiểu lĩnh vực này hướng dẫn, hỗ trợ gián tiếp/trực tiếp cho phụ huynh làm sao để đảm bảo việc học của học sinh diễn ra thuận lợi nhất
“Vừa rồi họp phụ huynh trực tuyến với lớp cũ và ra mắt lớp 3 tôi sẽ chủ nhiệm năm nay, nhiều phụ huynh đề xuất muốn biết mặt cô giáo sẽ đồng hành cùng các con suốt 9 tháng nữa nhưng tôi cũng đành gửi ảnh chụp trong khi chờ sửa máy tính. Còn nếu vào zoom bằng điện thoại sẽ rất hạn chế các thao tác về bài học, hình ảnh, tương tác giữa cô và trò… nên đành “giao lưu” như vậy” – giáo viên này chia sẻ và bày tỏ mong muốn dịch bệnh sớm được khống chế để cô trò được gặp nhau trực tiếp tại nhà trường là lý tưởng nhất. Hoặc tình hình đỡ hơn, Hà Nội hết giãn cách để cô có thể sửa được máy tính, chuẩn bị cho việc học online khi cần thiết.