30 năm qua, tính từ “viên gạch” đầu tiên đánh dấu sự hiện diện của dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, chúng ta đã luôn linh hoạt, đổi mới trong cả cách nghĩ, cách làm về thu hút nguồn vốn này.
Hiện đang có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có nguồn vốn FDI tại Việt Nam, với tổng cộng 403,04 tỷ USD của 29.748 dự án, bình quân mỗi dự án 13,7 triệu USD. Nguồn lợi mà các dự án FDI mang lại đã làm cho diện mạo nền kinh tế có sự chuyển biến đáng kể. 30 năm nhìn lại chặng đường thu hút nguồn vốn FDI, báo Đại Đoàn Kết giới thiệu loạt bài về vấn đề này.
Sau 30 năm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có thể khẳng định, khu vực doanh nghiệp FDI đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều về cả những mặt lợi và bất lợi của các dự án FDI, song không thể phủ nhận rằng khu vực FDI đã đem lại những giá trị thực sự lớn cho nền kinh tế.
Những thành quả rõ nét
Kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam từ năm 1987 đến nay, trải qua 30 năm, Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong thu hút FDI. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2017, đã có 24.803 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 319,6 tỷ USD. Cho đến hết năm 2017, FDI đã trải rộng khắp cả nước, không còn địa phương “trắng” FDI với 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. FDI đóng góp khoảng 72,6% giá trị xuất khẩu, 20% GDP của cả nước, 14,46% nguồn thu ngân sách nhà nước và tạo ra trên 3,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 4-5 triệu lao động gián tiếp.
Nếu nhìn lại lịch sử thu hút FDI, có thể thấy những năm đầu các DN FDI đổ vốn vào trong nước còn khá dè dặt. Trong 3 năm đầu tiên (1988-1990) mới thu hút được 213 dự án FDI với tổng vốn đăng kí gần 1,8 tỷ USD và 5 năm tiếp sau đó (1991-1995) chỉ thu hút được 3.935 dự án với tổng vốn đăng kí 20,8 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ tính riêng năm 2017, vốn đăng ký FDI đã đạt 30,78 tỷ USD, tăng 13,7% so với 2016.
Thu hút FDI đã mang lại những thành quả không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Một trong những thứ mà chúng ta đạt được rõ nét nhất, theo GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội các DN có vốn đầu tư nước ngoài, đó là FDI đã tạo ra khoảng 22 – 25% tổng vốn đầu tư xã hội tính từ năm 1991 đến 2017 (27 năm), tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 161 tỷ USD. Thứ hai, theo thống kê, FDI chiếm khoảng hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Những công trình lớn nhất từ dầu khí, công nghệ chế tạo, sắt thép đều là của FDI.
Bên cạnh đó, khu vực DN FDI đã tạo ra việc làm cho 3,7 triệu lao động trực tiếp và rất nhiều lao động gián tiếp, qua đó góp phần hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng bao gồm công nhân lành nghề, kỹ sư công nghiệp, chuyên gia dịch vụ, cán bộ quản trị doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam.
Nguồn lực quan trọng của nền kinh tế
Nhắc đến khu vực FDI là nhắc tới một nguồn lực quan trọng mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần đến. Không có nguồn lực này, các nền kinh tế khó có thể phát triển ổn định và mạnh mẽ. Một nền kinh tế mạnh như Mỹ hiện nay vẫn đang sử dụng nguồn vốn FDI. Tại Việt Nam, sức hấp dẫn của nền kinh tế mở với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn đã thực sự thu hút các DN, tập đoàn lớn đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Khu vực DN FDI đã tạo việc làm cho 3,7 triệu lao động, góp phần hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng.
Theo TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã có nhiều công ty công nghệ cao chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình. Đơn cử như Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, nhiều năm qua đã mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam. Và chính Samsung cũng đã tạo công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động các địa phương nơi tập đoàn này “đóng đô”.
Theo GS Nguyễn Mại, những dự án đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia là tín hiệu rõ nét cho thấy, Việt Nam đang chuyển dịch từ ngành công nghiệp sản xuất giá trị thấp sang sản xuất có giá trị cao hơn. “Đây chính là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dòng vốn FDI đang có những khó khăn cũng như cạnh tranh lớn hiện nay. Điều này cũng cho thấy Việt Nam là một điểm đầu tư tốt với các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là với các dự án công nghệ cao” – vị chuyên gia khẳng định.
Có thể nói 30 năm đổi mới và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài được thực hiện nhất quán, Việt Nam từ một nước nghèo đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Đồng thời, DN FDI tạo ra những áp lực để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy nhanh và mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện dòng vốn FDI đã có mặt tại 63/63 tỉnh, thành trên cả nước; trong đó, TP HCM dẫn đầu với 44,7 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư; Bình Dương đứng thứ 2 với 30,7 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư và Đồng Nai với 27,34 tỷ USD, chiếm 8,6%; Hà Nội đứng thứ 3 với 27,7 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. |