Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến từ nay đến hết Tết Nguyên đán có tới 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. Trong khi đó, vẫn còn một lượng lớn thanh long ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc.
Người trồng điêu đứng
Thời gian qua, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc từ các cửa khẩu phía Bắc rất khó khăn. Hàng nghìn xe nông sản, đặc biệt là rau quả ùn tắc ở cửa khẩu, cùng hàng nghìn lượt xe khác đang phải quay đầu về tìm cách tiêu thụ nội địa.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, 17 loại quả có diện tích lớn nhất (trên 20 nghìn ha/loại) hiện chiếm hơn 90% tổng diện tích và 94% tổng sản lượng cây ăn quả cả nước. Với riêng thanh long, sản lượng của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng này lại không phân bố đều. Thanh long được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước. Dự kiến từ nay đến hết Tết Nguyên đán, có 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.
Tại Bình Thuận, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giai đoạn 3 tháng đầu năm luôn là lúc tỉnh tập trung nhân lực, nguồn lực để sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển, chế biến thanh long. Dự kiến, trong quý I/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ. “Trên địa bàn tỉnh, các thương lái đang thu mua chậm thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đồng/kg” - ông Tấn cho hay.
Cũng theo ông Tấn, hiện thanh long đang vào vụ thu hoạch, trong khi niên vụ vừa qua người trồng thanh long đã phải chịu nhiều chi phí cao, nhưng đến lúc thu hoạch lại lâm vào cảnh bán không ai mua. Thiệt hại cũng gần như gấp đôi.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, cho biết tỉnh đang chuẩn bị thu hoạch thanh long từ bây giờ đến Tết Nguyên đán, ước lượng 26.000 tấn. Chủ yếu thanh long được bán cho thị trường Trung Quốc, tuy nhiên do dịch bệnh nên các đường biên gần như đóng cửa hoàn toàn.
Cần sớm đa dạng thị trường tiêu thụ
Tại Diễn dàn Kết nối tiêu thụ cho thanh long mới đây, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi tư duy, đa dạng hóa thị trường để tìm hướng phát triển bền vững cho sản phẩm nông sản, trong đó có trái thanh long.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng, thị trường Ấn Độ được đánh giá rất tiềm năng đối với nông sản Việt Nam. Đối với thanh long, hàng năm Ấn Độ nhập khẩu 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam…. “Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, chúng ta cần tích cực đàm phán mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây. Bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải đa dạng hóa sản phẩm, tích cực tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại, chủ động giao lưu, kết nối và trao đổi với đối tác, thận trọng trong quá trình đàm phán, ký kết thị trường, lưu ý về bao bì nhãn mác sản phẩm” - theo ông Thướng.
Còn ông Như Nguyễn - Giám đốc Công ty VIEC, đại diện thương mại xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, nông sản từ châu Á được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu. Thanh long đang dần trở thành một mặt hàng như vậy, đặc biệt tại Hà Lan. Giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn, và tai không dài quá 1,5cm.
“Việt Nam cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua tại đâu. Các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường cần tham gia nhiều hội chợ quốc tế, hoặc kết nối trực tiếp với các điểm thu mua. Cùng với đó chuỗi cung ứng từ vườn trồng đến siêu thị qua càng ít mắt xích sẽ càng dễ thành công và được đón nhận” - ông Nguyễn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng cho rằng, để duy trì việc tiêu thụ thanh long được ổn định, lâu dài, không “đầu voi đuôi chuột” cần mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Chúng ta phải chuyển đổi tư duy để không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường mà phải đa dạng hóa thị trường. Khi tư duy người sản xuất chưa gặp tư duy người chế biển thì cần thay đổi, đồng thời cần tập trung vào tiêu thụ nội địa cũng như mở rộng các thị trường khác. Các địa phương nên có những giải pháp đồng hành tháo gỡ sản phẩm ngay tại địa phương để hỗ trợ bà con nông dân, không đổ thừa trách nhiệm cho ai” - ông Nam nói.
Theo Bộ NN&PTNT, dự báo từ nay đến hết Quý I, nhóm trái cây chủ lực có sản lượng thu hoạch cao cần tiêu thụ rất lớn, các địa phương cần chủ động, tích cực thông tin kết nối với các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, giảm thiệt hại cho các nhà vườn và cho bà con nông dân. Ngoài chuyển dịch thị trường xuất khẩu, chúng ta cần xuất khẩu bằng nhiều phương thức, bên cạnh đường bộ còn khai thác cả đường biển, đường sắt.