Năm 2023 là tròn 40 năm cuộc đua kể từ khi các nhà khoa học Pháp phát hiện virus gây bệnh AIDS/SIDA (1983-2023). Công đầu thuộc về 3 nhà nghiên cứu của Viện Pasteur Paris khi họ nhận diện được LAV - virus mới tấn công hệ miễn dịch, sau này được gọi là HIV và được xác định là virus gây AIDS/SIDA. 40 năm nghiên cứu cũng là khoảng thời gian 40 triệu người phải sống chung với căn bệnh này, 33 triệu người đã tử vong. Tới nay, cho dù chưa có vaccine phòng bệnh nhưng đã có phương thức hiệu quả để điều trị “căn bệnh thế kỷ” AIDS/SIDA.
Năm 2008, giải Nobel Y học đã được trao cho 2 nhà nghiên cứu người Pháp, Luc Montagnier và Barré Sinoussi vì đã khám phá ra virus HIV. Trước đó, năm 1983, trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Science của Mỹ, 3 nhà khoa học F.Barré Sinoussi, Jean-Claude Chermann và Luc Montagnier (thuộc Pasteur Paris) đã thận trọng viết rằng virus mà họ mới phát hiện ra “có thể liên quan đến một số hội chứng bệnh lý, trong đó có SIDA” - một căn bệnh bí hiểm mới được báo động lần đầu tại Mỹ trước đó 2 năm, hồi năm 1981. Lúc bấy giờ AIDS/SIDA khiến cả thế giới khiếp sợ khi gọi là “căn bệnh thế kỷ”.
Chạy đua với thời gian
Trước thành công của các nhà khoa học Pháp, bên kia bờ đại dương, giới nghiên cứu Mỹ cũng ráo riết vào cuộc. Đến năm 1987, Pháp và Mỹ đã ký thỏa thuận về việc công nhận là các nhà khoa học của cả hai nước đã đồng phát hiện ra virus gây bệnh AIDS/SIDA (từ năm 1986 được gọi là virus HIV (theo tiếng Anh) và VIH (theo tiếng Pháp).
Hai người đầu tiên được ghi nhận mắc căn bệnh mới tại Mỹ hồi năm 1981 là hai thanh niên đồng giới, vì thế tại Mỹ căn bệnh này thời đó bị gọi là “dịch bệnh của những người đồng tính và sử dụng chất gây nghiện”. Sau đó, một số người ở Haiti cũng bị bệnh, với triệu chứng máu khó đông.
Từ đó, các đồn đoán, thuyết âm mưu về nguồn gốc bệnh AIDS/SIDA lan truyền mạnh, kéo dài khoảng 10 năm, trong đó có nghi vấn chính các hãng dược phẩm đã phát tán virus để bán thuốc kiếm tiền. Trong khi xuất hiện một số trường hợp đối tượng tung tin sai lệch cũng chính là người bán thứ mà họ quảng bá là phương thuốc hiệu nghiệm hơn thuốc của các tập đoàn dược phẩm lớn mà họ tố là thuốc “giết người”.
Không ít người được coi là (hoặc tự nhận là) chuyên gia trị liệu còn khẳng định bệnh có thể được chữa khỏi bằng các loại hạt, rau sống hay trái cây. Đáng nói hơn là chính Luc Montagnier, 1 trong 2 nhà khoa học Pháp đồng đoạt giải Noel Y học 2008 do đã tìm ra virus HIV, cũng từng có lúc hoài nghi khi cho rằng nước đu đủ lên men là phương thuốc kỳ diệu để chữa căn bệnh thế kỷ này.
Trở lại với phát hiện của nhóm các nhà khoa học Pháp, bác sĩ F.Barré Sinoussi, nói với AFP là sau khi virus HIV được phát hiện, các nhà nghiên cứu có rất nhiều việc phải làm, bởi vì trước mắt họ là một loại virus chưa từng biết đến. Họ đã phải nhiều đêm mất ngủ để tìm hiểu mọi thứ về loại virus này, từ các protein cấu thành nên virus, cấu trúc bộ gene của virus, loại tế bào mà virus lây nhiễm vào, các hậu quả của việc bị lây nhiễm... Song song, họ còn phải dốc sức phát triển các xét nghiệm huyết thanh để phục vụ việc chẩn đoán và thực hiện các cuộc điều tra quy mô lớn, nhằm chứng minh rằng virus HIV chỉ gây bệnh AIDS/SIDA chứ không phải các bệnh khác.
Công việc tiếp theo là nghiên cứu các chiến lược để ngăn chặn dịch bệnh, cần đến nhiều nhóm nhà chuyên môn khác nhau, từ các nhà miễn dịch học, sinh học phân tử, bác sĩ lâm sàng và cả bệnh nhân. “Nói tóm lại, đó là một cuộc chạy đua với thời gian vì các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng virus lây truyền cả qua đường máu, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con” - bác sĩ Sinoussi nói.
Năm 1994, AIDS/SIDA là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm người Mỹ trong độ tuổi 25-44 tuổi. Sau này, bác sĩ F.Barré Sinoussi gợi nhớ lại tình cảnh người bệnh bị kỳ thị, bị gia đình, bạn bè, đôi khi bị cả các chuyên gia y tế bỏ rơi. Một số bị mất nhà cửa, mất việc làm. “Việc bắt đầu kết hợp 3 nhóm thuốc kháng virus vào năm 1996 đã đánh dấu một bước ngoặt đáng kể”- bác sĩ Sinoussi nói.
4 năm sau đó, chương trình phòng chống AIDS/SIDA của Liên hợp quốc và 5 hãng dược phẩm lớn đã ký thỏa thuận phân phối thuốc điều trị với giá phù hợp với khả năng tài chính của các nước nghèo. Một thỏa thuận khác đã được ký kết vào năm 2001, lần này cho phép các nước đang phát triển sản xuất các loại thuốc có cùng gốc điều trị AIDS/SIDA.
Vào ngày 16/7/2012, phương pháp điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV đầu tiên đã được cấp phép tại Mỹ. Năm 2017, lần đầu tiên hơn một nửa số người nhiễm HIV trên toàn thế giới được điều trị bằng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, cuộc chiến chống AIDS/SIDA vẫn là chặng đường dài phía trước, khi mà thế giới vẫn còn hơn 38 triệu người (lúc bấy giờ) phải sống chung với virus HIV và 25% những người này vẫn chưa được tiếp cận với các liệu pháp điều trị.
“Chúng ta đang phải đối phó với một loại virus tấn công vào chính các tế bào miễn dịch trong cơ thể con người. Và đó chính là vấn đề, bởi vì virus không chỉ tấn công vào đó, không chỉ khiến hệ thống miễn dịch không vận hành được bình thường, mà nó còn có thể ẩn náu trong hệ thống miễn dịch, gây ra hàng loạt bất thường trong cơ thể con người. Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm” - bác sĩ F.Barré Sinoussi, người được Nobel Y học nói.
3 đợt nghiên cứu vaccine ngừa HIV
Ngày 5/6/2023 là ngày kỷ niệm 40 năm ca HIV đầu tiên trên thế giới được phát hiện tại Mỹ. Kể từ đó, hơn 700.000 người tại Mỹ đã chết vì dịch bệnh này. Dịp này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội nước này duyệt chi 670 triệu USD để hỗ trợ chống HIV/AIDS, trong đó ưu tiên tăng cường điều trị, đảm bảo tiếp cận công bằng trong điều trị. Cũng thật đáng lo ngại khi các chuyên gia cảnh báo Mỹ có thể sớm chứng kiến sự gia tăng trở lại số ca nhiễm HIV và nước này khó có thể hoàn thành chiến dịch thanh toán HIV/AIDS vào năm 2030 như cựu Tổng thống Mỹ Donal Trump từng công bố vào năm 2019.
Trở lại với ca nhiễm HIV đầu tiên phát hiện tại Mỹ cách đây 40 năm, lúc bấy giờ tiến sĩ virus học José Esparza - chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng nhiều đồng nghiệp tin chắc sẽ sớm có vaccine ngừa HIV. Họ lạc quan bởi theo lý thuyết, chỉ cần bào chế vaccine thúc đẩy cơ thể sản sinh kháng thể chống lại virus HIV gây bệnh AIDS.
Thế nhưng 40 năm trôi qua, nhân loại vẫn chưa có vaccine HIV và đến nay đã có 33 triệu người tử vong vì con virus quái quỷ này.
Trong vòng 40 năm, giới khoa học đã tiến hành ít nhất 3 đợt nghiên cứu vaccine ngừa HIV. Đầu tiên các nhà nghiên cứu chủ trương kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể trung hòa nhằm vô hiệu hóa virus HIV.
Trên tạp chí National Geographic, TS José Esparza (giáo sư kiêm nhiệm tại Viện Virus học con người, Đại học Maryland, Mỹ) cho rằng đầu tiên phải nhận diện được kháng thể nơi bệnh nhân nhiễm virus HIV để lấy đó làm nền tảng bào chế vaccine sản sinh loại kháng thể tương thích. Nhưng, virus HIV lại liên tục đột biến thành nhiều chủng biến thể với tốc độ đột biến nhanh đến mức kháng thể không tài nào nhận dạng được virus HIV. Theo TS William Schief (Viện Nghiên cứu Scripps, Mỹ), kết quả xét nghiệm máu của các bệnh nhân nhiễm virus HIV cho thấy kháng thể do hệ miễn dịch tạo ra luôn đi chậm hơn virus HIV từ 3-6 tháng.
Còn TS Larry Corey - chuyên gia virus học, miễn dịch học và phát triển vaccine (Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson, Mỹ) cho rằng virus HIV là mục tiêu khó nhằn hơn nhiều so với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 khi mà 98% số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 hiện nay có thể hồi phục, trong khi không ai trong số 78 triệu người điều trị HIV có thể hồi phục hoàn toàn.
Đợt nghiên cứu thứ hai bắt đầu vào năm 2000 khi các nhà khoa học chuyển hướng nhắm tới các tế bào T "sát thủ". Khả năng miễn dịch lâu dài của cơ thể phụ thuộc vào 2 nhóm tế bào chính được gọi là tế bào B và tế bào T. Cả hai cùng có chức năng tạo kháng thể nhưng tế bào T "sát thủ" còn giữ thêm nhiệm vụ tìm và diệt tế bào nhiễm bệnh. Vì vậy, thay vì kích thích sinh kháng thể như chiến lược đầu tiên, các nhà nghiên cứu kích thích tế bào T "sát thủ" đi tìm và diệt virus HIV.
Nhưng đến năm 2007, giới khoa học đã cho rằng hướng nghiên cứu này đã “thất bại thê thảm”. Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 (được gọi là STEP), thậm chí vaccine thử nghiệm của Công ty Merck (Mỹ) dính nghi ngờ có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Tuy nhiên, thử nghiệm vẫn tiếp tục. Vào năm 2009, tại Thái Lan đã kết hợp 2 hai loại vaccine (cùng với kết quả của đợt nghiên cứu thứ nhất tạo kháng thể chống virus). Kết quả cho thấy tỉ lệ nhiễm virus HIV chỉ giảm ở mức 31%, tức là chưa đạt mức hiệu quả đáng tin cậy để được phê duyệt lưu hành.
Tới tháng 2/2020, Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) đã quyết định chấm dứt thử nghiệm kết hợp 2 loại vaccine HIV khi mà thử nghiệm lâm sàng bắt đầu từ năm 2016 với 5.407 người tham gia ở Nam Phi đã không tạo phản ứng miễn dịch bảo vệ nào.
Cuối năm 2000, đợt nghiên cứu thứ ba chính thức khởi động. Vào thời điểm đó các nhà khoa học phát hiện một số ít bệnh nhân nhiễm HIV đã sản sinh loại kháng thể mạnh đặc biệt có thể vô hiệu hóa nhiều chủng HIV cùng lúc. Khám phá này đã gợi ra chiến lược mới: Phát triển vaccine thúc đẩy "tế bào B nguyên vẹn" (tế bào B đã trưởng thành) nhận dạng được virus HIV đã đột biến để sản sinh "kháng thể trung hòa rộng rãi" (kháng thể chống lại nhiều chủng virus).
Điều này cho phép các nhà khoa học hy vọng vaccine sẽ đi trước virus HIV một bước, tấn công trước khi virus HIV kịp đột biến và hạ gục chúng ngay khi tiếp xúc.
Năm 2010, nhóm nghiên cứu của TS William Schief bắt đầu nghiên cứu một dạng kháng thể trung hòa rộng rãi mang tên VRC01, do Trung tâm Nghiên cứu vaccine thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) phát hiện.
Giai đoạn 1 thử nghiệm trên người bắt đầu từ tháng 10/2018 và nhóm nghiên cứu đã tìm thấy trong máu của 35/36 tình nguyện viên có hạt nano protein như ý muốn. Tại hội nghị quốc tế về HIV/AIDS hồi tháng 2/2021, các nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Scripps đã công bố kết quả thử nghiệm được cho là đầy hứa hẹn nêu trên.
TS Larry Corey đánh giá nghiên cứu này là dấu hiệu quan trọng cho thấy các nhà khoa học đã đi đúng hướng và “virus HIV đã buộc phải lộ diện hoàn toàn”. Tuy nhiên TS Larry cũng thận trọng cho rằng cũng chỉ nên coi đó là một bước đột phá. “Chúng tôi đang cố ngồi vào ghế tài xế lái xe để hướng dẫn hệ miễn dịch tiến dần từng bước tới vaccine".
Ở một góc nhìn khác, khi nhận xét vì sao tới 40 năm mà cuộc chiến chống HIV/AIDS chưa chấm dứt, nhiều nhà khoa học đã so sánh với tốc độ điều chế vaccine Covid-19 (trong vòng 10 tháng). Nhiều người cho rằng việc phát triển vaccine Covid-19 đạt tốc độ kỷ lục nhờ vào ý chí cộng đồng, ý chí chính trị và vốn đầu tư lớn của giới công nghiệp. Trong khi đó, bệnh HIV/AIDS tác động chủ yếu đến các nhóm yếu thế, vì vậy các công ty dược không muốn đầu tư thử nghiệm vaccine vì quá tốn kém.
Theo tạp chí The Lancet, 188 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã chi cho bệnh HIV/AIDS trên 562 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2000-2015.
“Thần chết” mang tên Ebola
40 năm qua, AIDS/SIDA thu hút sự quan tâm của nhân loại. Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, bên cạnh đại dịch Covid-19 thì nhiều dịch bệnh khủng khiếp cũng đã xảy ra, tuy quy mô không thật lớn nhưng sự chết chóc rất đáng ghê sợ.
Trong số có có "thần chết" Ebola, một bệnh dịch cực kỳ nguy hiểm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 12/2013 tới năm 2016, thế giới đã ghi nhận 30.000 trường hợp lây nhiễm virus Ebola riêng tại Tây Phi; trong đó có tới 11.000 ca tử vong.
Ebola có tên chính thức là sốt xuất huyết Ebola, một căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ do virus Ebola gây nên. Bệnh được nghi nhận lần đầu tiên trên người vào năm 1976 tại Congo và Sudan, tới nay vẫn được coi là một trong những căn bệnh chết người nguy hiểm nhất trên thế giới, và vẫn không có vaccine đặc trị.
Triệu chứng ban đầu của virus Ebola bao gồm sốt đột ngột, suy nhược, đau cơ, đau đầu và đau họng. Những triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 - 21 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Theo WHO, với những triệu chứng ban đầu không rõ ràng của Ebola có thể bị nhầm lẫn với dấu hiệu của sốt rét, sốt thương hàn, viêm màng não hoặc thậm chí bệnh dịch hạch. Một số bệnh nhân cũng có thể phát ban, mắt đỏ, đau ngực, khó thở, khó nuốt. Các triệu chứng tiếp theo là nôn mửa, tiêu chảy, suy thận và chức năng gan và chảy máu trong và ngoài. Ebola chỉ có thể được khẳng định dứt khoát sau 5 lần xét nghiệm khác nhau.
Virus Ebola lây sang người thông qua việc tiếp xúc với máu, chất tiết, bộ phận cơ thể hoặc dịch thể khác của động vật bị nhiễm bệnh. Trong cộng đồng, virus Ebola lây truyền từ người này sang người khác khi người lành tiếp xúc trực tiếp (qua da hoặc niêm mạc bị phá vỡ) với máu, chất tiết, bộ phận cơ thể hoặc dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp với môi trường bị ô nhiễm bởi các dịch tương tự.
Bẵng đi một thời gian, vào năm 2018, WHO lại lên tiếng cảnh báo: Ebola quay lại và điều kiện lý tưởng đang “tiếp tay” giúp loại virus này phát triển trên quy mô rộng. Còn theo Bộ Y tế Công, tới nay, trong vòng 10 năm đã bùng phát 10 đợt dịch Ebola. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhiều người dân từ chối tiêm vaccine.
Theo TS Peter Salama (thuộc WHO) quá nhiều đợt dịch Ebola khiến sức đề kháng của con người trước các dịch bệnh khác do virus gây ra yếu đi, đồng thời bào mòn kinh tế của mỗi gia đình.
Đầu tháng 10/2022, khi đại dịch Covid-19 suy yếu thì chỉ trong thời gian ngắn tại Uganda có 29 bệnh nhân tử vong vì Ebola (trong số 63 người nhiễm). Đáng chú ý, trong số 10 nhân viên y tế nhiễm bệnh thì 4 người tử vong. WHO và Bộ trưởng Y tế Ugando Ruth Aceng xác nhận, tỉ lệ tử vong có thể lên tới 40% trong số người mắc Ebola. Các vaccine ngừa Ebola đã không có tác dụng với chủng "tử thần" này.
Tới nay, Ebola vẫn đang được coi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hàng đầu thế giới bởi tỉ lệ tử vong cực cao. Đây cũng là căn bệnh duy nhất khiến WHO phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đến 2 lần.
Cũng tại châu Phi, ngày 14/2/2023, WHO đã phải họp khẩn liên quan tới đợt bùng phát của virus Marburg ở Guinea Xích đạo. Đợt bùng dịch này đã làm 9 người thiệt mạng chỉ trong số 16 ca nghi nhiễm. Năm 2004, virus Marburg tấn công Angola, lây nhiễm cho 252 người, 90% số ca bệnh thiệt mạng. WHO cho rằng tỷ lệ tử vong bệnh do virus Marburg khoảng 24-88% số người nhiễm.
Cùng họ virus với Ebola, Marburg được coi là cực kỳ nguy hiểm và có thể gây ra một dạng sốt xuất huyết do virus, dẫn đến chảy máu mũi, miệng hoặc các bộ phận cơ thể khác. Các triệu chứng khác bao gồm: Mất nước, buồn nôn, nôn, đau họng và đau bụng. Nạn nhân có thể tử vong trong vòng vài giờ.
Tới nay vẫn chưa có vaccine hoặc liệu pháp kháng virus được phê duyệt để điều trị bệnh.
Virus Marburg lần đầu tiên được phát hiện trên người vào năm 1967. Nó được coi là lây lan qua tiếp xúc (chẳng hạn như qua vết thương trên da hoặc niêm mạc ở mắt, mũi hoặc miệng); các đồ vật bị nhiễm chất dịch cơ thể của người bị bệnh hoặc đã chết vì bệnh do virus Marburg (chẳng hạn như quần áo, khăn trải giường, kim tiêm và thiết bị y tế).
Như vậy, mặc dù khoa học y học đã có những bước tiến vượt bậc nhưng việc điều chế vacine đặc trị ngăn ngừa dịch bệnh vẫn là thách thức lớn.
Theo Live Science, những loại virus có khả năng gây dịch bệnh, tỉ lệ tử vong cao, bao gồm:
- Virus Marburg: Tỉ lệ tử vong trong đợt bùng phát đầu tiên vào năm 1967 là 24%, nhưng tăng lên 83% trong đợt bùng phát 1998-2000 ở Congo.
- Virus Ebola: Chủng virus Ebola Reston thậm chí không khiến người bệnh bị ốm, nhưng có tỉ lệ tử vong lên tới 50%, cá biệt tới 71%.
- Virus dại: Một khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, cái chết gần như luôn xảy ra sau đó. Nếu không điều trị, khả năng tử vong là 100%.
- Virus HIV: Kể từ năm 1980 tới nay, virus HIV gây bệnh AIDS/SID đã làm chết 33 triệu người. Riêng năm 2020, theo WHO, có 680.000 ca tử vong liên quan đến HIV trên toàn thế giới.
- Virus đậu mùa: Năm 1980, WHO tuyên bố thế giới không còn bệnh đậu mùa. Trước đó, con người đã phải chiến đấu với căn bệnh này trong hàng nghìn năm. Đậu mùa đã giết chết khoảng 1/3 tổng số người bị nhiễm bệnh. Nó để lại cho những người sống sót vết sẹo sâu và vĩnh viễn, đôi khi còn là mù lòa.
- Virus cúm: Đại dịch cúm gây chết người nhiều nhất bắt đầu từ năm 1918. Trong đó, 40% dân số thế giới bị mắc bệnh và khoảng 50 triệu người chết.
- Virus sốt xuất huyết: Xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1950. Theo WHO, khoảng 100-400 triệu người mắc sốt xuất huyết mỗi năm, tỉ lệ tử vong có thể tới 20% nếu không được điều trị.
- Virus SARS-CoV-2: Được xác định lần đầu tiên vào tháng 12/2019, gây bệnh Covid-19. Theo WHO, tính đến ngày 9/2/2023 toàn thế giới có hơn 755 triệu ca nhiễm và hơn 6,8 triệu trường hợp tử vong.