Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay được đổi tên thành Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam 2022 sẽ tập trung đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022.
Diễn đàn năm 2022 bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế
Ngày 15/9, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; Ban Kinh tế Trung ương; Học Viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức họp báo Diễn đàn kinh tế xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.
Diễn đàn sẽ diễn ra trong cả ngày 18/5 với khoảng 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và một số chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 đã tập hợp, bổ sung các luận cứ khoa học, thực tiễn giúp Chính phủ, Quốc hội đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Cho đến nay, các chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống, vừa có tác động trước mắt, vừa có tác động lâu dài và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận trong nước cũng như quốc tế.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời tạo tiền đề để “bứt phá” thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, theo dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế, giai đoạn sắp tới, kinh tế-xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là về điện, xăng dầu; áp lực lạm phát tăng cao cộng hưởng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine.
Qua đó, tác động đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp; làm giảm sức chống chịu và phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành.
Vì vậy, để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết khác của Quốc hội, tiếp nối thành công của Diễn đàn năm 2021, Diễn đàn năm 2022 dự kiến được tổ chức sẽ bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình, từ đó có phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.
Các ý kiến phát biểu thẳng thắn, khách quan, đa chiều và có cơ sở tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tham khảo để tham mưu ban hành các chính sách quan trọng trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam 2022 sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung như: Làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Bên cạnh đó, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022. Trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó.
Đồng thời rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam (các FTA: CPTPP, EVFTA; RCEP; SDGs; COP26. Đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam 2022 gồm 1 Phiên toàn thể và 2 Phiên hội thảo chuyên đề. Trong đó, phiên Hội thảo chuyên đề số 1 với chủ đề: “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”.
Phiên Hội thảo chuyên đề số 2 với chủ đề: “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.
Phiên toàn thể và Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Giảm thuế xăng dầu: Phụ thuộc vào tình hình thế giới
Trả lời báo chí, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 được đánh giá thành công huy động được các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và trong nước đưa ra quan điểm gợi mở chính sách. Nhờ đó tại kỳ họp bất thường lần thứ 1, Quốc hội đã đồng thuận và ban hành Nghị quyết 43. Gói này khoảng 15 tỷ USD. Nhờ đó qua 8 tháng đầu năm nền kinh tế có dấu hiệu tích cực.
Mục tiêu là ổn đinh kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững thì đến nay đã đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm sát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Đến nay đã có nhiều điểm sáng, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu có dấu hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4% trong bối cảnh chuỗi cung ứng có nhiều biến động. Xuất nhập khẩu 8 tháng đạt 500 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Ông Thanh cũng cho hay, nhiều tổ chức quốc tế đang dự báo tăng trưởng của thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế lớn sẽ thấp hơn so với dự báo. Cùng với đó là khó khăn đến từ lạm phát tăng cao. Việt Nam với nền kinh tế có độ mở lớn sẽ gián tiếp chịu tác động những ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới trên nhiều lĩnh vực như: đầu tư, xuất nhập khẩu. Do đó, tại Diễn Kinh tế-xã hội Việt Nam 2022, các vấn đề trong nước cũng như quốc tế sẽ được thảo luận, đánh giá một cách khách quan, trung thực. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tham khảo để tham mưu ban hành các chính sách quan trọng trong thời gian tới.
Trả lời về việc giá nhiên liệu đang tăng vậy tại kỳ họp thứ 4 có đặt vấn đề giảm thuế VAT để kìm hãm tăng giá nhiên liệu trong nước hay không? ông Thanh cho biết giá xăng dầu tác động tới giá cả các loại hàng hoá khác. Do đó mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là vấn đề thách thức. Khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hộ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, sau đó có Nghị quyết thực hiện giảm thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và đề nghị Chính phủ rà soát các thuế khác, trong đó có ý kiến thuế VAT có giảm hay không?. Nghị quyết yêu cầu Chính phủ bám sát tình hình giá xăng dầu thế giới để đánh giá, trong đó xem xét giảm các sắc thuế. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Còn các loại thuế khác thuộc Quốc hội. Đến giờ Uỷ ban chưa nhận được tờ trình của Chính phủ chuyển sang, còn không biết Uỷ ban Tài chính ngân sách là cơ quan thẩm tra đã nhận được tờ trình hay chưa?
Để giảm giá xăng dầu cần xem lại yếu tố cấu thành giá xăng dầu, làm sao giá phải diễn biến sát với giá tình hình thế giới. Nghị quyết cũng yêu càu kiểm tra kiểm soát các doanh nghiệp đầu mối bán lẻ xăng dầu tránh việc tạo kham hiếm giả tạo. Việc giá xăng dầu phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Hiện giờ giá xăng dầu thế giới đang giảm. Nếu giá xăng dầu thế giới tăng thì giảm thuế sẽ diễn ra. Chính phủ đang theo dõi diễn biến tình hình giá xăng dầu thế giới để đề xuất Quốc hội tại kỳ họp tới.
Không thể đưa ra bảng giá đất làm thoả mãn mọi đối tượng
Liên quan đến việc dự thảo Luật Đất đai bỏ khung giá đất, vậy làm sao để giá đất sát với giá thị trường, ông Thanh cho biết hiện Chính phủ đã gửi dự thảo Luật Đất đai sang Quốc hội. Uỷ ban Kinh tế sẽ họp thẩm tra dự án Luật Đất đai. Nghị quyết của Trung ương bỏ khung giá đất, và giá đất địa phương hình thành trên bảng giá đất yêu cầu khách quan quan độc lập, sát giá thị trường. Hiện đã tổ chức hội thảo để nghe tham vấn các nhà khoa học. Đây là vấn đề khó vì giá đất tác động tới nhiều đối tượng trong xã hội. Nâng bảng giá đất thì khi thu hồi tái định cư người dân sẽ được hưởng cao hơn, khiếu nạị sẽ giảm. Nhưng đó là chi phí khiến doanh nghiệp bồi thường nhiều hơn, tiền thuế đất sẽ tăng lên.
Cho nên bài toán bảng giá đất là vấn đề khó cần nhìn thấu đáo nhiều chiều. Như bỏ khung giá đất thì 2 địa phương giáp ranh xử lý thế nào? Bên giá cao, còn bên cạnh giá thấp. Ông Vũ Hồng Thanh ví von: Ví dụ như tôi và anh Cường (ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội-PV) ở 2 nơi giáp nhau. Tôi ở Quảng Ninh còn anh Cường ở Hải Dương. Con đường đi qua 2 tỉnh nhưng nơi có tiền đền bù 2 tỷ, còn nơi không có thì 1 tỷ trong khi cả 2 là hàng xóm của nhau. Do đó vì thế đây là vấn đề tiếp tục cùng các cơ quan có liên quan xử lý hài hoà chứ không thể đưa ra bảng giá đất làm thoả mãn mọi đối tượng đưa ra.