“Nghệ An phải có chương trình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, lấy kinh tế hợp tác làm trọng tâm và gắn với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Tỉnh phải hỗ trợ “5 sẵn sàng” cho nông dân để xây dựng các HTX kiểu mới”.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.
Đó là đề nghị của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh và Liên minh Hợp tác xã tỉnh về tình hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2016 và định hướng năm 2017; phát huy vai trò của Hội Nông dân và Liên minh Hợp tác xã tỉnh trong phát triển nông nghiệp, cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày 6/12.
Cùng dự buổi làm việc có ông Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh; đại diện lãnh đạo Liên minh HTX, Hội nông dân Việt Nam; lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Nghệ An.
Hoàn thành chuyển đổi HTX vào năm 2017
Báo cáo về tình hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2016 và định hướng năm 2017; phát huy vai trò của Hội Nông dân và Liên minh Hợp tác xã tỉnh trong phát triển nông nghiệp, cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Nhị cho biết, đến tháng 12/2016, đã thành lập 19/KH19 HTX nông nghiệp.
Đến nay, đã có 240 HTX nông nghiệp đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX 2012 và 71 HTX thành lập mới sau Luật 2012, đưa tổng số hoạt động theo Luật là 321/381, chiếm 84,25%. Còn lại 15,75% đang tiếp tục chuyển đổi.
Toàn tỉnh hiện có 5.104 trang trại, gia trại, trong đó 720 trang trại đạt tiêu chí, đã có 477 trang trại được cấp Giấy chứng nhận KTTT.
Ông Nguyễn Hữu Nhị cho rằng, một trong những công tác quan trọng tạo chuyển đổi trong nông nghiệp là tuyên truyền, vận động cụ thể. Hiện Nghệ An đã thành lập được hàng nghìn tổ hợp tác, góp phần thay đổi hay đổi nhận thức của nông dân, từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang thâm canh, sản xuất lớn.
Đặc biệt, việc thành lập các dịch vụ cung ứng vốn để nông dân có thể vay vốn dễ dàng cũng đã được triển khai thông qua một số định chế tài chính như: Ngân hàng NN&PTNT, ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh.
“Cuối năm 2016 chúng tôi phấn đấu dư nợ khoảng 1.000 tỷ ở NGân hàng NN&PTNT, và 2.000 tỷ ở Ngân hàng CSXH. Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh hiện cũng có dư nợ khoảng 40 tỷ”, ông Nhị cho biết.
“Trong năm 2017, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu thành lập mới 20 Hợp tác xã Nông nghiệp. Hoàn thánh chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012, thành lập mới 25 trang trại, khuyến khích tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung theo hướng gia trại, tạo vùng hàng hóa lớn, có chất lượng cao”, ông Nhị thông tin.
Tuy nhiên theo đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Nghệ An so với yêu cầu đặt ra, vai trò đóng góp của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong toàn tỉnh còn chậm, kết quả chưa đồng đều, toàn diện. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp triển khai thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ.
Một số chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn việc bổ sung, sửa đổi còn chậm. Nông dân khó tiếp cận với chính sách cho vay tín dụng theo Nghị định số 41 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu, việc nông dân liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản còn rời rạc, chưa chặt chẽ. Vấn đề tiêu thụ nông sản nhất là ở vùng chuyên canh đang còn gặp nhiều khó khăn. Chính sách thu mua, hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa, chưa mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.
Nông dân không tự quyết định được giá bán nông sản của mình làm ra, mà do thương lái quyết định nên vẫn bị thương lái ép giá.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng cho hay: Dù có khó khăn nhưng Nghệ An vẫn cố gắng chăm lo đời sống nông dân, phát triển nông nghiệp. Nghệ An xác định nếu để nông dân phải ra thành thị tìm việc thì không ổn. Năm 2016, Nghệ An đã sản xuất được 1.250.000 tấn lương thực. Đây là một thành tích đáng khích lệ trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt… ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp cả nước.
Về các mô mô hình sản xuất hiệu quả, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Nghệ An hiện có 4.500 mô hình hiệu quả, trong đó có ¼ là HTX. Tỉnh đang rà soát nếu có mô hình nào đang phát triển thì tiếp tục phát huy, còn mô hình nào chưa bền vững thì xem xét lại, ông Hồng cho hay.
Về xây dựng nông thôn mới, ông Hồng cho hay, các xã ở Nghệ An đều tích cực tham gia và hiện đã có 145 xã về đích xây dựng nông thôn mới. Đối với 200 xã vùng biên giới phía Tây, vì điều kiện khó khăn, nên UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng các xóm, bản nông thôn mới, sau đó kết nối lại thành xã nông thôn mới.
Đây là một chủ trương được Nghệ An thống nhất cao. Năm 2017, Nghệ An sẽ tập trung hoàn thiện các xã nông thôn mới, nâng cao tiêu chí.
An toàn thực phẩm cũng là điều Nghệ An rất quan tâm sau khi có Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Hồng cho biết: Nghệ An đã thành lập Ban Chỉ đạo về giám sát ATTP do Chủ tịch UBND đứng đầu nhằm tuyên truyền để nhân dân biết, nói không với thực phẩm bẩn, không dùng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt. Nghệ An đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, triển khai ở các cấp.
Kiểm tra của các đoàn liên ngành cho thấy, phần lớn các cơ sở, đơn vị được kiểm tra đều vi phạm về ATTP. Đã có 404 cơ sở bị phạt tiền, hàng trăm tấn thực phẩm bẩn đã bị tịch thu…
Một trong những vấn đề quan trọng của sản xuất nông nghiệp là cánh đồng mẫu lớn, tích tụ ruộng đất, ông Hồng cho biết: Nghệ An đã triển khai 60 cánh đồng mẫu, hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 15-20%, tạo sự liên kết các hộ nông dân với nhau.
“Mô hình này sẽ tiếp tục được nâng lên và Nghệ An cũng kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp góp phần nâng cao sản xuất và có sản phẩm an toàn cho sức khỏe của nhân dân”, ông Hồng cho hay.
Dù có tới 313 xã đã dồn điền đổi thửa, chống manh mún theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng ông Hồng thừa nhận, Nghệ An vẫn chưa thực hiện được tích tụ ruộng đất. Nội dung này sẽ được Nghệ An tập trung chỉ đạo trong năm 2017, để doanh nghiệp có điều kiện về đất đai, sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp.
“Những vùng nông dân có điều kiện phát triển dịch vụ thì nông dân sẵn sàng hiến đất hoặc góp đất, cho thuê đất. Đất vẫn là của dân, nhưng cho DN thuê, góp phân nâng cao chất lượng nông nghiệp”.
Từ những vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đề nghị Đảng và Nhà nước cần có cơ chế để hỗ trợ nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp do người dân sản xuất ra.
Cùng với đó tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương pháp luật về vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… an toàn vệ sinh trong lao động nông nghiệp, An toàn vệ sinh thực phẩm trong các sản phẩm nông nghiệp.
Đảm bảo cân đối và kịp thời các nguồn lực: vốn, vật tư... cho các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt. Đặc biệt là chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, kinh phí hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh để giúp bà con nông dân khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và đời sống.
Đặc biệt là cần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tạo đột phá trong xây dựng HTX kiểu mới trong năm 2017
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Nỗi lo lớn nhất của nông dân là sản xuất mà không có đầu ra. Tuy nhiên, không nên hỏi thị trường đầu ra ở đâu mà hỏi lại là chúng ta có sản xuất an toàn không? Sản xuất an toàn là có thị trường. Để làm an toàn chỉ ngành nông nghiệp không làm được, ngành khoa học cùng tham gia và Trung ương, địa phương cùng vào cuộc.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Liên minh HTX Việt Nam đã bắt đầu hình thành chuỗi siêu thị nông sản sạch.
Một đầu ra nữa là thị trường Trung Quốc, Liên minh HTX Việt Nam là đầu mối, còn nhà nước sẽ lo những việc về cơ chế khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
“Năm 2017 có phải là năm đột phá của HTX kiểu mới ở Nghệ An không?”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi và nhấn mạnh rằng: Ban Bí thư, Thủ tướng đã có nhiều chỉ thị quyết liệt, rõ ràng về vấn đề này.
“Năm 2017 phải là năm tạo được đột phá trong xây dựng Hợp tác xã kiểu mới làm nền tảng cho 4 năm còn lại của nhiệm kỳ” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói và đề nghị các đại biểu “nói thẳng các khó khăn để cùng tháo gỡ”.
Về phía tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhận định, hiện có tới 2 triệu trong số 3 triệu người ở Nghệ An sống tại vùng nông thôn.
“Lao động nông nghiệp còn nhiều, nên chuyển động trong nông nghiệp phải là cấp thiết. Nghệ An cần phát huy tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh, đã làm là làm đến cùng, làm quyết liệt để thành công trong chuyển đổi nông nghiệp”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bày tỏ vui mừng khi Nghệ An tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng nông nghiệp từ 3-4%/năm, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đây là một thành tích cao so với cả nước, góp phần ổn định kinh tế xã hội.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, hiện sản xuất nông nghiệp của Nghệ An tạo ra 26% GDP của tỉnh và tỉ lệ năng suất và thu nhập chung của nông dân so với thu nhập chung của tỉnh còn thấp. Thu nhập nông nghiệp như thế chỉ bằng gần ¼ thu nhập công nghiệp và dịch vụ.
“Đây là vấn đề của cả nước, chứ không riêng gì của Nghệ An. Như vậy, dù thành tích nông nghiệp Nghệ An là rất đáng khích lệ, nhưng giải quyết bài toán thu nhập cho nông dân lại rất khó”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.
Để giải quyết bài toán này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: HTX kiểu mới phải thu hút được nhiều hộ nông dân làm ăn cá thể tham gia.
Thực tế là nếu hộ cá thể giàu có mà vào HTX thì càng trở nên giàu có. Bởi khi đó liên kết các hộ giàu có sẽ có lợi thế về giá khi mua nguyên liệu đầu vào và bán sản phẩm ở đầu ra. Nếu các hộ cá thể giàu có vào HTX, thì mới có thể giúp người khác thoát nghèo.
“Vấn đề nằm ở sự quản lý của HTX, phát huy được cách làm ăn giỏi, tư duy sản xuất lớn và mô hình quản trị tốt”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho hay và khuyến khích Nghệ An nâng cao tỉ lệ các HTX kiểu mới.
Về vấn đề ATTP, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh Nghệ An làm rất công tác này. Tuy vậy, theo người đứng đầu Mặt trận, cái gốc của ATTP phải là sản xuất an toàn có thu nhập cao.
“Đó là con đường lâu dài. Chừng nào nông dân còn thu nhập thấp thì họ còn phải làm ăn gian dối. Giám sát ATTP chỉ là biện pháp thứ hai, bởi không có lực lượng giám sát nào có thể giám sát tất cả các hộ, các đơn vị sản xuất. Cái chính là phải có nơi mua nông sản, thực phẩm an toàn với giá cao hơn. Như thế mới có động lực cho nông dân sản xuất an toàn”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Quý I-2017 Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương sẽ cung cấp tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn thực phẩm. Quý II-2017 sẽ tập trung tập huấn, hướng dẫn về quy trình an toàn thực phẩm. Sau khi tập huấn rồi thì công tác thanh tra, kiểm tra mới tiến hành và hướng dẫn nông dân vào HTX kiểu mới để sản xuất an toàn.
Để đảm bảo được sản xuất an toàn, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cần có vai trò của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể. Nếu Trưởng Ban chỉ đạo ATTP là Chủ tịch UBND, thì Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng HTX kiểu mới phải là Bí thư. Vai trò cấp ủy là phải đôn đốc, còn chính quyền phải tiến hành và các đoàn thể sẽ tham gia giám sát.
“Khi nào thu nhập nông dân Nghệ An bằng ½ thu nhập của công nghiệp, dịch vụ thì lúc đó bài toán nông dân ly hương, ly nông mới được giải quyết. Nghệ An có đầy đủ điều kiện để thực hiện vấn đề này”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Nói về phương hướng phát triển, thu hút đầu tư vào nông nghiệp của Nghệ An, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: nông dân và chính quyền Nghệ An phải có sức thu hút DN vào đầu tư để hai bên cùng có lợi.
“HTX là mô hình cầu nối giữa DN và nông dân. Có HTX kiểu mới, DN sẽ không phải đối phó với rủi ro trong sản xuất, còn nông dân sẽ thông qua HTX kiểu mới để yên tâm sản xuất, tăng thu nhập. Theo cơ chế thị trường, chúng ta phải tạo môi trường thuận lợi cho DN đầu tư, mà môi trường trong nông nghiệp là HTX kiểu mới”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân kết luận.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hối thúc Nghệ An xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, lấy kinh tế hợp tác làm trọng tâm và gắn với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
“Tỉnh phải hỗ trợ “5 sẵn sàng” cho nông dân để xây dựng các HTX kiểu mới, sao cho có mỗi xã có 10 hộ nông dân hiểu về kinh tế hợp tác, 15 nghìn hộ nông dân giỏi cấp huyện là nòng cốt trong xây dưng HTX kiểu mới, có chương trình bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực để lãnh đạo, quản lý HTX”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý Nghệ An phải xác định được sản phẩm chủ lực, phù hợp với điều kiện tự nhiên, dự báo được xu hướng thị trường và phải có địa chỉ hỗ trợ cụ thể để nông dân không đơn độc yên tâm sản xuất. Nghệ An cần sẵn sàng về khoa học, kỹ thuật, phương thức tiêu thụ sản phẩm, cơ chế hỗ trợ vốn trong đó ưu tiên hỗ trợ HTX qua quỹ hỗ trợ nông dân, và cuối cùng là sẵn sàng về mô hình để nhân rộng.
Với những HTX hiện có, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Nghệ An rà soát các HTX có đủ sẵn sàng để xây dựng thành HTX điển hình với những chỉ tiêu cụ thể.
“Cần có một lộ trình để khuyến khích nông dân tham gia HTX. MTTQ Việt Nam cam kết đồng hành với Liên minh HTX và Hội Nông dân trong 4 năm tới để xây dựng Nghệ An thành tỉnh điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị.