5 triệu người sẽ sớm được tiêm vaccine

V.Hà 23/02/2021 07:00

Ngày 28/2, dự kiến sẽ có 204.000 liều vaccine được nhập về để phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống dịch. Cùng với lô vaccine này, khoảng 4,88 triệu liều vaccine của COVAX facility cũng sắp về đến Việt Nam. Như vậy, chúng ta có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người.

Kho lạnh âm sâu tại một trung tâm VNVC Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VNVC.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong năm 2021 để đảm bảo tiêm đủ cho người dân, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine. Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021, chủ yếu dành cho 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều. Như vậy, tổng số chúng ta có 60 triệu liều vaccine trong năm 2021.

Hiện Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán để có thêm vaccine. Tinh thần chung theo Bộ trưởng Bộ Y tế là thực hiện quyết liệt để đảm bảo vaccine cho người dân trong phòng chống dịch.

Dự kiến mũi vaccine tiêm chủng rộng rãi (đầu tiên cho nhóm nguy cơ cao) sẽ thực hiện tại Việt Nam ngay trong tháng 3, sau khi vaccine về đến Việt Nam và được đánh giá chất lượng.

Bên cạnh nhóm ưu tiên, khi nguồn cung vaccine tăng lên, việc tiêm chủng sẽ mở rộng nhiều nhóm đối tượng và theo yêu cầu. Theo phương án Bộ Y tế trình Chính phủ phê duyệt thì Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch sẽ quản lý, giám sát và điều phối hoạt động tiêm phòng Covid-19 để đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận bình đẳng, hợp lý và hiệu quả với vaccine Covid-19.

Một vấn đề đang được nhiều người quan tâm đó là công tác bảo quản vaccine tại Việt Nam hiện nay được đảm bảo như thế nào?

Theo đại diện Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, tháng 1 vừa qua VNVC được Bộ Y tế cấp phép triển khai 3 kho bảo quản và hệ thống vận chuyển vaccine, sinh phẩm ở nhiệt độ - 86 độ C đến - 40 độ C, công suất bảo quản lên tới 3 triệu liều tại cùng một thời điểm. Mỗi kho lạnh có một kho rã đông được kiểm soát nhiệt độ luôn dưới 8 độ C để đảm bảo vaccine rã đông an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

“Với sức chứa mỗi tủ gần 100.000 liều vaccine, 3 kho lạnh âm sâu của VNVC tại khu vực TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng với 30 tủ âm sâu (18 tủ tại TPHCM, 5 tủ tại Đà Nẵng và 7 tủ tại Hà Nội) có thể lưu trữ lên tới 3 triệu liều vaccine cùng lúc. Với các điều kiện này, VNVC cũng được Bộ Y tế cấp phép Xuất khẩu - nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin, sinh phẩm bảo quản ở điều kiện lạnh 2-8°C, vaccine, sinh phẩm bảo quản ở điều kiện âm sâu (-40 đến -86°C)”, bà Trần Thị Trung Trinh, Giám đốc kiểm soát chất lượng Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam khẳng định.

Bên cạnh hệ thống kho lạnh âm sâu, mạng lưới 49 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc đang sở hữu hệ thống 49 kho vaccine lẻ và 2 kho tổng chuyên dụng bảo quản vaccine ở nhiệt độ 2 - 8°C. Với tổng diện tích hơn 1.000m2, dung tích hơn 4.000m3, các kho 2 - 8°C có sức chứa lên tới gần 167 triệu liều vaccine thông thường khác tại cùng một thời điểm.

Hiện có khoảng 11 loại vaccine phòng Covid-19 được cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phê chuẩn và các quốc gia cấp phép sử dụng khẩn cấp. Hầu hết các vaccine yêu cầu bảo quản ở 2-8 độ C. Tuy nhiên, nhiều loại vaccine (như của Hãng Pfizer-BioNTech, Moderna) cần bảo quản, vận chuyển với nhiệt độ -80 độ C đến -20 độ C.

Cùng với đẩy mạnh hợp tác, đàm phán nguồn vaccine phòng Covid-19 từ bên ngoài, Việt Nam cũng nỗ lực thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19 “made in Việt Nam”. Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Việt Nam đã hoàn tất 120/120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên vaccine Nano Covax. Bước đầu các chuyên gia đánh giá, vaccine Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể. Các tình nguyện viên sau tiêm hầu hết đều có sức khoẻ ổn định, một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng lưu ý đó là không có vaccine nào đảm bảo phòng bệnh 100%, do đó bên cạnh tiêm phòng thì cần phải tuyệt đối áp dụng những biện pháp phòng dịch 5K của Bộ Y tế.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đối tượng cần ưu tiên tiêm phòng trước là nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, lực lượng bộ đội, công an, những người lao động thiết yếu phục vụ ở khu cách ly, tuyến đầu chống dịch, người dân vùng có dịch và nhóm người cao tuổi, bệnh nền, dễ bị tổn thương, phải chăm sóc kéo dài ở các cơ sở y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    5 triệu người sẽ sớm được tiêm vaccine