Thông thường các phương tiện từ ĐBSCL về TP HCM khi đến địa phận Long An thường vào các thời điểm khoảng 4 - 5h sáng. Do đó, đây cũng là một trong những lý do khiến các tài xế ngủ gật và không kiểm soát được tốc độ.
Một vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra vào cuối tháng 9/2015
trên cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương nối TP HCM và Tiền Giang đi vào hoạt động chưa lâu, thế nhưng tình trạng tai nạn giao thông xảy ra liên tiếp trên cao tốc này buộc các cơ quan chức năng phải cảnh báo nghiêm túc.
Đường cao tốc TP HCM – Trung Lương có chiều dài toàn tuyến hơn 61,9 km, với vận tốc thiết kế cho phép là 120 km/giờ. Dự án được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đưa vào khai thác tạm thời với 8 làn xe ô tô từ thời điểm tháng 2/2010 để giải quyết tình trạng quá tải trên quốc lộ 1A từ TP HCM về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, chưa kể việc liên tục phải thực hiện bảo trì do xuống cấp (Khu quản lý đường bộ VII đảm trách) thì tuyến cao tốc này liên tục xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Long An, thì kể từ khi cao tốc đưa vào thông xe, riêng đoạn cao tốc đi qua địa bàn tỉnh này (khoảng gần 30 km) đã xảy ra tới trên 212 vụ TNGT, làm chết 33 người, bị thương 149 người. Ban ATGT tỉnh Long An qua phân tích đã đánh giá có đến 76% các vụ TNGT xảy ra vào ban đêm, trong đó hơn 50% trường hợp là do các tài xế ngủ gật.
Theo Sở GT-VT TP HCM, cùng với 5 tuyến quốc lộ (1, 1K, 13, 22, 50) thì TNGT trên các cao tốc nối thành phố về các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ, trong đó có cao tốc TP HCM – Trung Lương cũng luôn tiềm ẩn những TNGT nguy hiểm.
Có thời điểm, số vụ TNGT thống kê trên các cung đường huyết mạch nêu trên lên đến12% về số vụ và 13% về số người chết trên tổng số các vụ TNGT trong một năm trên toàn địa bàn.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường cao tốc cho biết: Thống kê có đến 75% số vụ TNGT xảy ra tại những vị trí có đèn chiếu sáng. Trong khi đó theo nhiều chuyên gia, hiện nay tại các khu vực đường dẫn vào cao tốc, nguyên nhân dẫn đến các TNGT thương tâm được xác định do chất lượng công trình xuống cấp, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp và cũng không đủ các thiết bị chiếu sáng vào ban đêm.
Bên cạnh đó, trong khi QL1 đoạn qua huyện Bình Chánh (TP HCM) chưa được mở rộng và tách dòng ô tô – xe máy thì số lượng xe ô tô và xe tải nặng tiếp tục đổ dồn vào cao tốc TP HCM – Trung Lương, gây áp lực trực tiếp lên hệ thống cao tốc này, trong đó có tỉnh trạng TNGT xảy ra thường xuyên.
Ông Phùng Văn On - Phó trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Long An thì lấy thí dụ điển hình là Long An là một địa phương nằm trung gian giữa hai đầu nối của cao tốc là TP HCM và tỉnh Tiền Giang. Thông thường các phương tiện từ ĐBSCL về TP HCM khi đến địa phận Long An thường vào các thời điểm khoảng 4 - 5h sáng. Do đó, đây cũng là một trong những lý do khiến các tài xế ngủ gật và không kiểm soát được tốc độ.
Theo cảnh báo của Ban An toàn giao thông tỉnh Long An, để giảm thiểu các vụ TNGT trên tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương trong thời gian tới thì bên cạnh công tác tuyên truyền thì các lực lượng CSGT sẽ tăng cường hơn nữa việc tuần tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các phương tiện, tài xế không đảm bảo tiêu chuẩn khi tham gia giao thông, tránh gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc.