Hôm nay, ngày 20/12/2016, tròn 56 năm kể từ ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Đại hội đại biểu các giai cấp, các tôn giáo, dân tộc miền Nam (20/12/1960). Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam đã trở thành một dấu mốc vẻ vang trong lịch sử 86 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tuyên thệ trong Lễ thành lập, ngày 20/12/1960.
Trong tiến trình đó, từ công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn là trung tâm gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước, động viên nhân dân xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Ngay từ khi Đảng ta mới ra đời, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã được thành lập ngày 18/11/1930, cho đến năm 1941 bắt đầu hình thành một Mặt trận mới đó là Mặt trận Việt Minh.
Mặt trận Việt Minh là hình thức tổ chức và quy tụ lực lượng giai cấp nông dân, công nhân, trí thức và tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, từ đó đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Sau năm 1954, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phá hoại Hiệp định Giơnevơ chiếm đóng miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta. Cách mạng Việt Nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Thực hiện chủ trương đó và từ thực tiễn phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, Đại hội đại biểu các giai cấp, các tôn giáo, dân tộc miền Nam đã ra quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (DTGPMN) Việt Nam.
Đại hội đã ra Tuyên ngôn và thông qua Chương trình hành động 10 điểm. Trong đó, chủ trương đoàn kết toàn dân chống xâm lược Mỹ, đánh đổ ách thống trị của tay sai phản động, thực hiện độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình, thống nhất Tổ quốc.
Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự trưởng thành và là bước ngoặt của cách mạng miền Nam. Đánh giá sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Hiện nay, trong cuộc đấu tranh anh dũng chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm, đồng bào ta ở miền Nam có Mặt trận Dân tộc giải phóng với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam-Bắc sẽ nhất định sum họp một nhà”.
Theo đó, Đại hội Mặt trận DTGPMN Việt Nam lần thứ Nhất đã đề ra 4 chủ trương cứu nước khẩn cấp. Đó là, đế quốc Mỹ phải đình chỉ cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam; giải tán toàn bộ “Ấp chiến lược”; thành lập ở miền Nam một Chính phủ liên hiệp dân tộc; thực hiện đường lối đấu tranh ngoại giao hoà bình, trung lập. Đây là những chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo, sát hợp với tình hình và thực tiễn cách mạng miền Nam.
Sau Đại hội lần thứ Nhất, Mặt trận đã tổ chức lãnh đạo nhân dân miền Nam đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị và làm công tác binh vận…, góp phần làm cho phong trào đấu tranh của quân và dân các địa phương miền Nam tiếp tục được giữ vững và phát triển lên một bước mới.
Đặc biệt, từ chiến thắng vang dội ở Ấp Bắc (tháng 1/1963), phong trào “Thi đua Ấp Bắc, diệt giặc lập công” do Mặt trận phát động đã dấy lên đợt đấu tranh mạnh mẽ ở khắp chiến trường miền Nam. Cùng với đấu tranh quân sự, phá “Ấp chiến lược”, Mặt trận còn tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân miền Nam đang dâng cao, Mặt trận DTGPMN Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ Hai (tháng 1/1964).
Đại hội kêu gọi mọi người Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái, giai cấp, tầng lớp xã hội, trong và ngoài nước, đoàn kết chặt chẽ dưới ngọn cờ cách mạng của Mặt trận và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên cường chiến đấu vì độc lập, tự do của cả nước.
Nhờ đó, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân ở miền Nam đã được nhân lên gấp bội tạo nên những phong trào đấu tranh vang dội, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Có thể nói, trải qua 15 năm kể từ lúc ra đời cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Mặt trận DTGPMN Việt Nam đã khẳng định rõ vai trò quan trọng đối với Tổ quốc và dân tộc, xứng đáng là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp, lãnh đạo nhân dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày nay, trong điều kiện mới của cách mạng, những bài học về tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và lãnh đạo phong trào cánh mạng của quần chúng trong Mặt trận DTGPMN Việt Nam rất cần được nghiên cứu, vận dụng.
Với quan điểm như vậy, những người làm Mặt trận luôn đề cao việc phải làm tốt vấn đề tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng nhân dân để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Mặt trận không chỉ là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân khi trực tiếp tham gia “sân chơi” chính trị lớn của đất nước thông qua vai trò giám sát và phản biện.
Muốn vậy, Mặt trận phải lắng nghe nhân dân, phải hiểu được nhân dân đang nghĩ gì.
Hai năm gần đây, MTTQ Việt Nam đã có cam kết hàng quý tập hợp và phản ánh tình hình nhân dân, ý kiến nhân dân về tình hình đất nước và kiến nghị với hệ thống chính trị.
Từ trách nhiệm chính trị và thực tiễn, các địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đã đóng góp nhiều ý kiến trong báo cáo định kỳ 6 tháng một lần để Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam báo cáo trước Quốc hội về ý kiến, kiến nghị của nhân dân và cử tri.
Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, để phản ánh kịp thời, chính xác về tình hình đất nước cần có sự thống nhất về phương pháp thực hiện, nội dung triển khai để khắc họa rõ nét hơn ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Dù có nhiều góc độ khác nhau, nhưng trước tiên phải làm rõ những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, gắn bó với từng tầng lớp cụ thể để hiểu nhân dân đang nghĩ gì và lý giải được vì sao nhân dân lại suy nghĩ như thế.
“Chúng ta mong muốn nhân dân hiểu về tình hình đất nước, hiểu về sự phát triển xã hội, tình hình quốc tế và có thái độ tích cực với sự phát triển đất nước, thì phải phản hồi những ý kiến của nhân dân để tạo sự đồng thuận, khuyến khích nhân dân có sáng kiến và thay đổi nhận thức trong đó công tác tuyên giáo và vai trò của truyền thông sau khi nắm bắt được tình hình nhân dân là đặc biệt quan trọng”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Cũng theo người đứng đầu Mặt trận, việc lắng nghe nhân dân, nắm bắt tình hình nhân dân, không phải là chuyện đợi khoa học chín muồi trong mỗi con người rồi mới hành động mà hãy hành động vì cuộc sống.