6 tháng làm Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump được đánh dấu bởi hàng loạt các vụ khẩu chiến với báo chí và các đối thủ chính trị, thất bại trong việc hủy bỏ đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare cùng nhiều chi tiết mới liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016.
Cú bắt tay kéo dài gần 1 phút giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: ABC News).
Tỷ lệ ủng hộ suy giảm
Trong quãng thời gian nửa năm qua, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump liên tục giảm sút và gần đây nhất đã hạ tới mức thấp kỷ lục. Một bản thăm dò do Washington Post/ABC News thực hiện mới đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông chỉ còn 36%, con số mà ABC News gọi là “tỷ lệ ủng hộ 6 tháng đầu thấp nhất đối với một vị Tổng thống Mỹ trong vòng 70 năm qua”.
2 bản thăm dò công bố trong vài ngày gần đây cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Trump suy giảm mạnh, ở mức 40% (Bloomberg) và 39% (Monmouth).
Nhưng không hẳn là Nhà Trắng chỉ đón nhận toàn tin xấu. Bản thăm dò của Wall Street Journal/NBC News mới đây cho thấy ở các hạt mà ông Trump từng giành chiến thắng trong kỳ bầu cử năm 2016, ông vẫn nhận được sự ủng hộ tới 50%. Trong khi ở các hạt nơi ông từng giành chiến thắng trước ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney hồi năm 2012, tỷ lệ ủng hộ lên tới 56%.
Họp báo chỉ 1 lần
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông Trump không chỉ thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo, mà còn nhận câu hỏi trực tiếp trước ống kính máy quay. Nhưng điều đó đã chấm dứt kể từ khi ông trở thành Tổng thống. Từ ngày 20/1 cho đến nay, Tổng thống Trump chỉ tổ chức duy nhất 1 cuộc họp báo.
Điều này đã khiến ông trở thành vị Tổng thống kém xa nhiều người tiền nhiệm xét về nhịp độ tổ chức họp báo. Ông Obama từng tổ chức 11 cuộc họp báo trong năm đầu tiên tại Nhà Trắng, George W. Bush tổ chức 5 cuộc và Bill Clinton tổ chức 12 cuộc.
Ngược lại, từ khi làm Tổng thống, ông Trump lại tổ chức rất nhiều cuộc gặp gỡ với những người ủng hộ mình. Tính từ lúc nhậm chức tới nay, ông đã tổ chức 5 sự kiện chiến dịch kiểu này, đầu tiên là ở Florida, sau đó là Tennessee, Kentucky, Pennsylvania và Iowa- tất cả đều là các bang ông từng giành chiến thắng trong kỳ bầu cử năm 2016.
Hàng loạt dự luật thành hiện thực
Trong 6 tháng làm Tổng thống, ông Trump đã ký hàng chục sắc lệnh và tuyên cáo. Đáng chú ý nhất là lệnh cấm nhập cảnh của ông, ban đầu đã gây nên tình trạng hỗn loạn tại khắp các sân bay lớn của nước Mỹ, sau đó bị tạm ngừng do hàng loạt các thách thức về pháp lý. Nhưng trong nỗ lực hồi sinh lệnh cấm này, ông Trump đã đưa nó vào hiệu lực dù chỉ ở mức độ hạn chế.
Xét tổng thể, Tổng thống Trump đã đặt bút ký đưa 42 dự luật thành bộ luật. Nhưng tất cả các dự luật này đều không liên quan tới các vấn đề lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách thuế hay bãi bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare.
Trong lúc mà chương trình chăm sóc sức khỏe mới của đảng Cộng hòa đang bị chặn ở Thượng viện, cái cách thuế được cho là thách thức lớn nhất hiện nay của ông Trump.
Và để chứng minh rằng bản thân giữ vững các cam kết từ lúc chiến dịch, Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi 2 thỏa thuận đa phương lớn từng được ký kết dưới thời chính quyền Obama.
Trong hôm đầu tuần đầu tiên tại Phòng Bầu dục, ông đã ký một sắc lệnh để rút nước Mỹ khỏi tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quyết định này là một trong số những quyết định hiếm hoi ông Trump đưa ra mà nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng.
Vài tháng sau đó, Tổng thống Trump bước ra khỏi khu vực Vườn Hồng và thông báo rằng ông sắp sửa rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris liên quan tới biến đối khí hậu. Trong lúc mà người ủng hộ đảng Dân chủ trên khắp nước Mỹ lên tiếng phản đối, ông Trump đã tuyên bố: “Tôi được ứng cử bởi công dân của Pittsburgh, chứ không phải Paris”.
Người dân Mỹ biểu tình phản đối hủy bỏ Obamacare. (Nguồn: Reuters).
Những cú bắt tay đáng chú ý
Tổng thống Trump đã tổ chức gặp gỡ với nhiều lãnh đạo thế giới trong 6 tháng tại Nhà Trắng, nhưng cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt. Sau 6 lần tiếp xúc trong các cuộc họp ở Brussels và, gần đây nhất tại Paris, hai nhà lãnh đạo đã có một cú bắt tay kéo dài tới gần 1 phút.
Trước đó, hai nhà lãnh đạo từng 3 lần bắt tay theo kiểu ghì chặt tay nhau, tổng cộng kéo dài 12 giây, ở Bỉ.
Chuyến thăm Paris của ông Trump để tham dự ngày Quốc khánh Pháp, diễn ra trong bầu không khí ít căng thẳng, và cũng nhiều cú bắt tay và cái ôm nồng hậu. Ông Trump lần đầu đến đây đã có cú bắt tay kéo dài 8 giây với ông Macron, sau đó tiếp tục ôm lãnh đạo Pháp 2 lần trong một cuộc họp báo chung, lần lượt trong 3 và 7 giây, trước khi cùng nhau đi bộ trên Đại lộ Champs-Elysee.
Sự tập trung vào những thứ như bắt tay dường như nhỏ nhặt, nhưng thực tế những cú bắt tay này mang nhiều ý nghĩa hơn người ta tưởng.
Tổng thống Trump được cho là đang dần học được rằng nghệ thuật ngoại giao khi làm một nhà lãnh đạo khác với khi ông thực hiện chiến dịch tranh cử. Thêm vào đó, ông đã phải đối mặt với hàng loạt các cuộc khủng hoảng và bất đồng trên thế giới – từ vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên, cho tới phiến quân IS và mối quan hệ với Nga…
“Ông trùm” của mạng xã hội
Kể từ khi sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1 năm nay, Donald Trump đã trở thành “ông hoàng” của mạng xã hội. Tài khoản Twitter có tên @realDonaldTrump của ông tính đến tuần này đã đưa ra tới 991 đoạn chia sẻ, chưa kể tới nội dung các vấn đề mà ông đưa ra trong các đoạn chia sẻ này.
Thông tin “giả mạo”, giới truyền thông hay những câu chuyện liên quan được nhắc tới 82 lần trong các đoạn chia sẻ của Tổng thống Trump trên Twitter. Từ “việc làm” được ông nhắc tới 46 lần, tức gần gấp đôi từ khóa “Hillary Clinton”, người bị nêu tên 22 lần trong các đoạn bình luận của ông.
Trong khi đó, tên của Tổng thống Barack Obama cũng được ông Trump nhắc tới 36 lần trên Twitter, và “Obamacare” được nhắc 45 lần.
Thời gian nghỉ dưỡng
Khi ông Barack Obama còn đang trong nhiệm kỳ Tổng thống, ông Trump thường xuyên phàn nàn trên Twitter về cách mà ông này sử dụng khoảng thời gian rảnh rỗi.
Trong tháng 2/2012, ông Trump thậm chí còn đưa ra cả các con số được thống kê trên tờ Washington Examiner và chia sẻ trên Twitter rằng: “Kỳ nghỉ cuối tuần tới khu trượt tuyết ở Aspen của Michelle Obama đánh dấu lần thứ 16 mà gia đình Obama đi nghỉ dưỡng chỉ trong vòng 3 năm”.
Vài năm sau đó, ông Trump lại nói rằng người tiền nhiệm của ông đang xem “bóng chày” trong khi “Putin đang lên kế hoạch chiếm thế giới”. Thậm chí ngay cả khi tổ chức chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump vẫn luôn đề cập tới vấn đề nghỉ ngơi của ông Obama.
“Bạn có tin được không, trong khi Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề và khó khăn thì Tổng thống Obama lại ung dung chơi golf cả ngày”, ông Trump viết trên Twitter ngày 13/10/2014.
“Trong lúc mà vị Tổng thống tuyệt với của chúng ta đi chơi golf cả ngày thì TSA (Cơ quan Quản lý An ninh hàng không Mỹ) đang sụp đổ, cũng giống như chính phủ của chúng ta! Các sân bay thì như một thảm họa!”- ông Trump viết trên Twitter hôm 21/5/2016.
Về phần mình, Tổng thống Trump đã bỏ ra 21 trong tổng số 26 tuần lễ đầu tiên ở trong văn phòng của mình tại các tòa nhà thuộc quyền sở hữu của ông, thay vì Nhà Trắng. Ông cũng bỏ ra 40 ngày chơi golf ở các sân golf mà ông sở hữu.