Triển lãm “60 năm minh họa Văn nghệ Quân đội” khai mạc chiều 22/12 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Ở đây, những bức vẽ minh họa của nhiều thế hệ họa sĩ được trưng bày, cho người xem trở về với những ký ức của văn chương và đất nước, trong đó, có những tên tuổi lớn như họa sĩ Dương Bích Liên, Diệp Minh Châu, Mai Văn Hiến… ĐĐK xin giới thiệu bài viết của nhà văn Chu Lai về triển lãm thú vị này.
Tranh minh họa của họa sĩ Văn Đa.
Sáu mươi năm chỉ là một lát cắt mỏng manh so với chiều dài thăm thẳm của lịch sử nhưng sáu mươi năm lại không hề ngắn với chặng đường đi của một tờ Tạp chí, tờ Tạp chí của người lính, của nhân dân, của đất nước, tờ Tạp chí đã đi vào niềm tự hào, nỗi nhớ, vui buồn của bạn đọc gần xa, tờ Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Sáu mươi năm cũng là khoảng thời gian đủ cho ta nghĩ ngợi chiêm nghiệm lại nhiều điều. Sáu mươi năm các thế hệ người lính cầm bút từ khắp các quân binh chủng tần tảo, kiêu hùng vừa làm nên chiến tích Điện Biên lừng lẫy hành tinh đã hội tụ về đây và để rồi cũng với số phận non sông, họ lại chia tay ra đi về các miền trận mạc và khi tiếng súng im lặng, có những con người không trở về.
Không trở về nhưng những trang viết hào sảng, đắm say của họ cứ làm dày thêm bản anh hùng ca văn chương bất hủ của dân tộc, làm rưng rưng thêm chiều sâu nhân văn của ngôi Nhà số 4 có sự chứng nhân bất diệt, trầm lặng của hai cây đại già cứ đến mùa là nở hoa thơm ngát cái hương vị đền đài, chùa chiền thanh tịnh. Ngôi đền của văn chương.
Sáu mươi năm, bao nhiêu những áng văn, những cuốn sách từ đây bay lên, bung toả khắp hang cùng ngõ hẻm, bản làng sông suối, chiến hào biên cương như một lời nhắn gửi khe khẽ, thì thầm về những điều sâu xa nhất của con người, của xã tắc đã và đang trải qua những bước đi thăng trầm của dân tộc.
Những trang tạp chí dịu dàng, ấm nóng đã trở thành người bạn đồng hành, chung thuỷ với người lính, với tuổi trẻ, với nhân dân cần lao trong chiến tranh cũng như trong thời bình.
Sáu mươi năm, lò luyện đan mang dáng ngói xô nghiêng rêu phong, cổ kính đã cung cấp biết bao tài văn, tài quán xuyến nghề văn cho nền văn hoá, văn nghệ nước nhà. Nhưng vẫn còn có một sắc màu khác tưởng như không dính dáng đến văn chương bao nhiêu song lại thổi hồn thổi vía không thể thiếu cho những đà bay chữ nghĩa. Đó là những bức tranh minh họa.
Cứ thử hình dung ra những năm tháng ấy, những năm tháng này mà vắng thiếu đi phần minh họa xuất thần, tài hoa thì những trang viết sẽ cô quạnh, rậm rịt, nặng nề đến nhường nào.
Nó không ăn theo trang viết mà tồn tại độc lập, một nét cộng hưởng sáng tạo làm cho con chữ bay đến trái tim người đọc với một tốc đô, một cung đường nhanh nhạy, thẳng thớm hơn.
Và, giống như những ca khúc người nhạc sĩ viết cho một bộ phim, một vở kịch, một khi đã thấm được hồn khí kịch bản ấy tự khắc nó sẽ thoát ra thành một ca khúc tồn tại độc lập có sức truyền cảm, âm vang mãnh liệt trong công chúng. Vấn đề là nó thẩm thấu như thế nào?
Nếu chỉ vẽ cho có vẽ, thêm thắt chút gia vị cho cay cho chua rôn rốt tí thì âu là chả cần đến những cây cọ tài hoa phải dốc công dốc sức vào.
Tranh minh họa của họa sĩ Lê Lam.
Đúng là tài hoa. Có một thời nội dung minh họa đã tập hợp được những cây bút sừng sỏ nhất, những cây bút có thương hiệu sáng giá trong làng họa Việt Nam để minh chứng một điều rằng, minh hoạ không phải là trò chơi dễ dãi mà nó là bản chất sáng tạo day dứt, nghiêm cẩn, nó cũng là một tác phẩm nếu người họa sĩ biết đi vào cuộc hôn phối với hồn văn bằng cả tâm huyết và tình yêu cháy bỏng của mình.
Thì đó, nếu bên văn có những cây đa cây đề đã tạo nên một tượng đài chữ nghĩa như Thanh Tịnh, Từ Bích Hoàng, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Xuân Thiều, Mai Ngữ, Hải Hồ, Nguyễn Trọng Oánh, Duy Khán, Triệu Bôn, Đỗ Chu, Lê Lựu… thì bên hoạ cũng không hề kém cạnh gì với những tên tuổi lừng lẫy, thậm chí có mặt cả một vài ngôi sao trong tứ đại danh hoạ tham gia như Dương Bích Liên, Diệp Minh Châu, Ngọc Thọ, Dương Viên, Huy Toàn, Nguyễn Bích, Đặng thị Khuê, Văn Đa, Nguyễn Thụ, Đào Đức, Huy Oánh, Thành Chương, Nguyễn Đăng Phú, Lê Trí Dũng, Đào Quốc Huy, Phạm Minh Hải, Lê Anh Vân, Vũ Đình Tuấn…
Và nếu như sân chơi bên kia có đủ các thể loại như truyện ngắn, bút kí, tản văn, thơ ca, lí luận phê bình… thì sân chơi bên này cũng nảy nở đủ những kí hoạ bút sắt, bút chì, màu nước, sơn dầu, cả sơn mài…
Chỉ có điều, nếu ở sân chơi hội hoạ thì họ là những solid chói gắt nhưng ở sân chơi văn chương này, họ khiêm nhường lui xuống làm vị trí bè trầm. Nhưng thử hỏi trong bất cứ bản tổng phổ lớn lao nào, nếu thiếu đi một bè trầm thì những giai điệu lảnh lót kia còn có chỗ nào để tựa vào, để vút lên.
Sáu mươi năm văn thơ, sáu mươi năm minh hoạ, hai thành phần đó đã gắn bó, kết nối, bén duyên với nhau để tạo nên một binh chủng hợp thành, một quả đấm thẩm mĩ, một sức mạnh tinh thần để đưa tờ Tạp chí đến khắp các nẻo đường đất nước như một người bạn tâm tình, một điểm tựa tinh thần, một chỗ dựa tâm linh cho tâm hồn người Việt được xác tín, mở ra, mách bảo, nương vào nhau cùng vượt qua mọi thác ghềnh, giông bão. Giông bão của thiên nhiên, giông bão của kẻ thù và giông bão của cuộc đời.
Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Chính việc tăng cường bổ sung tiếp nối các thế hệ họa sĩ cho thấy cách nhìn, bút pháp khác nhau giúp cho tạp chí đẹp, phong phú và sinh động hơn. Tôi đánh giá cao việc tổ chức triển lãm này bởi trong kĩ thuật mới, những minh họa được đặt trong tấm pano lớn khiến người xem thấy được tổng thể quá trình sáng tác của mỗi họa sĩ. Đặc biệt, Văn nghệ Quân đội có những ấn tượng riêng, tạo nên diện mạo độc đáo cho tờ tạp chí văn chương hàng đầu. Họa sĩ Lê Trí Dũng: Phòng triển lãm minh hoạ lần này đã hội tụ được số lượng hoạ sĩ đông đảo từ những ngày đầu tiên (1957- 2017) với hơn 100 tác giả!... Nhiều họa sĩ danh tiếng như Mai Văn Hiến, Quang Thọ, Văn Đa, Huy Toàn… Có thể nói, khi xem lại những minh hoạ người xem đã hình dung lại được toàn bộ hành trình kháng chiến của dân tộc ta qua các thời kỳ cách mạng... Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam:Tạp chí từ trước đến nay không chỉ dành cho bộ đội mà còn có một lượng bạn đọc đông đảo trong cả nước vì chất lượng văn học. Sự đa dạng, song hành của giá trị văn chương và nghệ thuật đã tạo nên dấu ấn riêng của tạp chí. Những truyện ngắn, bút kí tạo nên nhiều cảm xúc khác nhau. Đây là triển lãm thành công khi ghi lại chặng đường 60 năm của Văn nghệ Quân đội, của cả những họa sĩ cùng những giá trị khó lẫn trong nhiều vẻ đẹp khác. Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội: Suốt 60 năm qua, có thể khẳng định rằng người bạn sát cánh nhất, thấu hiểu nhất với những sáng tác đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội chính là các họa sĩ. Những minh họa trong Văn nghệ Quân đội luôn có một sức hút kì lạ với bạn đọc, bởi những minh họa đó mở rộng thêm không gian cho tác phẩm văn học, thậm chí còn gợi đến một phiên bản khác, một thế giới khác, một hình dung cụ thể khác nhưng cũng hết sức khoáng đạt, tự tại theo cách của hội họa. Nhà thơ Anh Ngọc: Với nhiều họa sĩ, có thể vẽ minh họa cho báo chí không phải là công việc chính của họ, nhưng là những tài năng và tên tuổi đích thực, họ đã làm công việc này với tất cả tâm huyết, tài năng và trách nhiệm trước bạn đọc. Và bạn đọc cũng khó quên những cái tên thân thuộc vẫn thường ký dưới các bức tranh minh họa vẫn gắn với những tác phẩm văn học mà họ yêu thích. Thư Hoàng(ghi) |