Vặn nước không chặt hay quên tắt đèn, bình nóng lạnh... sẽ gây tốn kém đáng kể.
Không khóa chặt vòi nước sẽ gây tốn kém hơn mức bạn tưởng. Ảnh: Expatica.
Hãy tránh những thói quen dưới đây để bảo vệ cả ví tiền của bạn lẫn môi trường sống, theo RD:
Mua thực phẩm tùy hứng
Thay vì mua đúng số lượng mình cần, bạn có xu hướng mua theo hứng, sau đó cho vào tủ lạnh và bỏ quên. Khi bạn tìm thấy chúng, rau quả, thức ăn đã không còn tươi, không thể sử dụng. Giải pháp cho việc này là bạn nên ghi vào giấy những thứ cần cho một tuần, sau đó hãy đi siêu thị. Tránh để trường hợp tủ lạnh chất đầy đồ nhưng bạn không sử dụng nổi thứ nào vì quá hạn.
Vặn vòi nước không chặt
Bạn nên chú ý tới hóa đơn nước: nếu tiền nước tăng đột biến, đã đến lúc cần kiểm tra lại quy trình sử dụng. Ngoài yếu tố rò rỉ đường ống, bạn nên chú ý mỗi khi khóa máy, tắt van vì có thể đóng chưa chặt khiến nước vẫn nhỏ giọt, gây lãng phí.
Bật đèn tất cả các phòng và quên tắt
Nên duy trì thói quen tắt đèn khi ra khỏi phòng để tiết kiệm điện. Bạn cũng cần tắt bình nóng lạnh trước khi sử dụng, tắt TV trước khi đi ngủ... để giảm công suất tiêu thụ điện cũng như hao mòn máy móc.
Đóng cửa tủ lạnh không chặt
Theo thời gian, một số cánh tủ lạnh không còn khả năng khít tốt do hỏng gioăng, khiến cánh cửa bị hở. Điều này vô tình làm bạn tốn lượng điện đáng kể, chưa nói đến việc tủ có thể bị hỏng, thực phẩm bên trong cũng chịu ảnh hưởng.
Sử dụng quá nhiều túi nilon
Nên hướng tới các loại túi tái sử dụng, thân thiện hơn với môi trường. Thay vì mua các loại túi xé để đựng và vứt đi sau mỗi lần dùng, bạn có thể mua hộp trữ thực phẩm.
Chạy theo các đồ gia dụng mẫu mới
Các nhãn hàng thường xuyên ra mắt sản phẩm mới với tính năng được quảng cáo rất hấp dẫn. Thực tế, nếu đồ cũ vẫn dùng tốt, bạn đừng phí tiền mua đồ mới với những tính năng mà thậm chí bạn không bao giờ cần tới.
Mua quần áo, giày dép theo "mốt" khi tủ còn đầy đồ
Việc mua sắm vô tội vạ nhưng không để ý trong tủ mình còn bao nhiêu đồ chính là thói quen gây phung phí của nhiều chị em. Nên kiểm tra tủ đồ của bạn sau mỗi mùa, loại đi những chiếc không thích hợp, quyên góp cho những người cần đến chúng, sau đó, bạn vạch ra kế hoạch mua sắm phù hợp.