Trở về từ chiến tranh với nhiều thương tích trên người, đến nay thương binh 4/4 Đặng Công Ất (SN 1953, thôn Yên Lập, xã Quang Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn còn mảnh đạn găm trong đầu gối. Mỗi khi trái gió, trở trời, vết thương ấy lại hành hạ. Thế nhưng, trong con người ông vẫn là một tinh thần lạc quan, luôn gương mẫu, hết lòng vì công việc cộng đồng. Ông là người sẵn sàng hy sinh lợi ích của gia đình, xung phong tháo dỡ căn nhà gắn bó cả cuộc đời để nhường đất xây cao tốc Bắc - Nam.
Khảng khái đến kỳ lạ
Mấy tháng nay, câu chuyện xung phong tháo dỡ ngôi nhà kiên cố của hai vợ chồng thương binh Đặng Công Ất để nhường đất cho Dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam vẫn “nóng” ở Can Lộc (Hà Tĩnh).
“Tôi chưa thấy ai khảng khái, gương mẫu, chịu khó như ông Ất. Không chỉ tháo dỡ ngôi nhà vợ chồng ông đang ở mà 2 ngôi nhà kiên cố của hai con trai ông ở cạnh đó cũng di dời cả rồi” - ông Nguyễn Văn Vượng ở thôn Ban Long chia sẻ.
Giữa tháng 7 - Tháng Tri ân, trên đường tìm đến căn nhà con trai đầu, nơi vợ chồng ông Ất đang ở tạm trong lúc chờ xây nhà mới ở khu tái định cư, chúng tôi được ông Thân Văn Trí - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quang Lộc cho biết: Gia đình ông Ất là hộ đầu tiên trong số 34 hộ thuộc diện di dời tái định cư của xã tháo dỡ nhà để nhường đất cho Dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam.
“Đầu tháng 2/2023, đơn vị thi công mở đường công vụ để chở vật liệu thi công, lúc đó địa phương mới tổ chức kiểm đếm, chưa áp giá đền bù. Nhận thấy có một vài hộ trong thôn vẫn còn băn khoăn chưa thống nhất phương án di dời, sau khi bàn bạc với vợ và các con, ông Ất xung phong tháo dỡ căn nhà của mình. Sau đó ít ngày, 2 căn nhà của con trai ông cùng 2 gia đình khác noi gương theo” - ông Trí cho biết.
Ngồi giữa sân nhà con trai trưởng, bên ấm nước lá vối mới om, ông Đặng Công Ất chỉ tay vào đống đồ đạc giữa sân nói: “Toàn bộ lúa, gạo, vật dụng của 3 căn nhà đang tấp ở đây cả. Di dời nhà cửa công nhận vất vả thật nhưng tôi thấy rất vui. Tôi vui vì mình vừa làm được một việc có ích cho xã hội”.
Kể về căn nhà cũ, ông Ất không khỏi bùi ngùi: Ngôi nhà, lũy tre là nơi tôi gắn bó gần cả cuộc đời nên cũng lưu luyến, bịn rịn lắm. Tuy nhiên, khi có chủ trương thì phải gương mẫu di dời để xóm làng nhìn vào. Ở đâu mình cũng sống tốt, vui vẻ thì ở đó sẽ thành quê hương.
Với câu hỏi: Vì sao chưa áp giá đền bù nhưng ông đã tiên phong tháo dỡ nhà cửa để di dời rồi?, ông Ất khảng khái trả lời: “Gia đình chúng tôi tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Giá đền bù, bồi thường đã được cán bộ địa phương kiểm đếm chi tiết, đầy đủ rồi, tôi không băn khoăn gì cả, chỉ mong cao tốc Bắc - Nam sớm hoàn thành”.
Đầu tháng 4/2023, để tháo dỡ, di dời ngôi nhà đầu tiên của ông Ất, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ xã Quang Lộc đã huy động hàng chục người gồm đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể cùng chung tay hỗ trợ vợ chồng ông chuyển đồ đạc đến nhà của con trai út gần đó.
Tiếp đến, vào cuối tháng 6/2023, hai căn nhà kiên cố của con trai ông Ất là Đặng Công Thuận (31 tuổi) và Đặng Công Thỏa (28 tuổi) cùng 2 hộ gia đình khác cũng lần lượt tháo dỡ, di dời. Toàn xã huy động khoảng 70 người, từ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã và toàn thể cán bộ, đoàn viên, hội viên, lực lượng dân quân xung kích đến bà con làng xóm thôn Yên Lập đoàn kết, cùng nhau tháo dỡ, di dời nhà cửa, vật dụng cho các hộ dân. Tất cả đồ đạc của 3 căn nhà trong đại gia đình ông Ất được tập kết đến nhà người con trai trưởng.
“Từ sự xung phong, gương mẫu của thương binh Đặng Công Ất, công tác tuyên truyền, vận động di dời, đền bù, hỗ trợ, tái định cư để nhường đất cho Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn xã Quang Lộc đã thuận lợi hơn rất nhiều” - ông Trí nhấn mạnh.
Nhường đất không chỉ một lần
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng ông Ất bóp đầu gối chân phải, nơi mảnh đạn năm xưa găm vào trong lúc chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên. “Vào năm 1972, trong một trận tập kích của địch, tôi bị mảnh đạn bắn xiết, cắm sâu vào đầu gối chân phải, một mảnh đạn khác xượt ngang đầu. Thời điểm đó y học còn hạn chế nên không lấy được mảnh đạn ở đầu gối ra nên giờ chân tôi thường xuyên đau buốt. Vết thương ở đầu thì bị nhẹ, giờ khỏi rồi nhưng sẹo thì vẫn còn” - ông Ất kể.
Bằng chất giọng trầm ấm, ông kể tiếp, vào năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Năm 1976, trở về từ chiến trường khốc liệt Bình - Trị - Thiên, với nhiều thương tích trên người nhưng thương binh Đặng Công Ất không ngừng lao động, cống hiến cho gia đình, quê hương, đất nước.
Năm 1977, ông kết hôn, hai vợ chồng ông có 7 người con. Hai vợ chồng chăm chút từng sào ruộng, nuôi con gà, con lợn để lo cho các con ăn học. Các con của ông bà có 6 người trình độ đại học và trở thành những cán bộ, công chức, viên chức mẫn cán. Các con của ông Ất hầu hết đều lập gia đình và ở quây quần trong xã. Mỗi khi đến mùa vụ, ông, bà, con, dâu, rể tập trung làm việc, hỗ trợ nhau. Lúa, gạo cả gia đình làm chung, ăn chung. Cuộc sống của đại gia đình ông Ất đầm ấm, yên vui, cả xã ai cũng tấm tắc khen ngợi.
“Người dân ở đây đoàn kết, đồng thuận lắm, ai có công to việc lớn cả làng đều sẻ chia với nhau. Tôi là thương binh nhưng không chỉ hội viên Hội Cựu chiến binh hỗ trợ, đồng hành cùng nhau mà tất cả các tổ chức đoàn thể và cả cán bộ xã, thôn đều chung tay giúp đỡ. Vì thế, tôi có hy sinh chút lợi ích nào đó cho cộng đồng, cho bà con là điều dễ hiểu” - ông Ất vui vẻ nói.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quang Lộc Thân Văn Trí, đây không phải là lần đầu tiên gia đình ông Ất tiên phong nhường đất. Cách đây 10 năm, xã Quang Lộc có chủ trương mở rộng, đổ bê tông đường giao thông nội đồng. Vợ chồng ông Ất lúc đó làm 14 sào ruộng, ông cho người dân trong thôn đổi 7 sào ở vùng ruộng tốt, chấp nhận lấy thửa ruộng xấu hơn để xã lấy đất làm đường giao thông nội đồng.
Quá trình xã Quang Lộc xây dựng nông thôn mới, căn nhà nơi vợ chồng ông Ất ở cũng đã 2 lần được ông hiến hàng chục m2 đất ở, đập bỏ cổng, hàng rào để mở rộng đường giao thông.
Ông Trí cho biết thêm, để chăm sóc, tri ân gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, ngoài các chế độ theo quy định, hằng năm MTTQ xã Quang Lộc còn kêu gọi các đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể đóng góp thêm tiền, ngày công để hỗ trợ các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn huy động của MTTQ xã, gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt cả về vật chất lẫn tinh thần.
Khi đất nước có chiến tranh, những thanh niên như Đặng Công Ất không tiếc máu xương. Trong thời bình, để xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, người thương binh ấy sẵn sàng tháo dỡ căn nhà nơi ông gắn bó cả cuộc đời để nhường đất cho dự án, hiến đất để xây dựng nông thôn mới. Thương binh Đặng Công Ất là tấm gương sáng để nhiều người noi theo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Tiến Dũng có cho biết, phát huy đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được các cấp, các ngành ở Can Lộc đặc biệt quan tâm, thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài tỉnh. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa từ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần giúp thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách và người có công tiếp tục phát huy ý chí, tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
(Còn nữa)