8 năm gia nhập WTO: Vẫn nhiều thách thức

T.Dương 19/09/2015 08:35

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, báo cáo về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam trở thành thành viên WTO phải đi vào chiều sâu để giải quyết câu hỏi: 8 năm qua sự tiến bộ của nền kinh tế nước ta có gần với các nước đi trước không? hay khoảng cách ngày càng xa hơn?

8 năm gia nhập WTO: Vẫn nhiều thách thức

Áp lực gia tăng khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào thế giới. Ảnh: Hoàng Long.

Ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhiều ý kiến khẳng định việc gia nhập WTO là chủ trương đúng và đến nay chúng ta đã “được nhiều hơn mất”. Song điều mà các đại biểu lo ngại chính là những thách thức đang phải đối mặt, đặc biệt là khi thời điểm ký kết Hiệp định TPP đang đến gần.

Nông, lâm nghiệp và
thủy sản giảm tỷ trọng đóng góp vào GDP

Báo cáo giám sát nêu rõ: Về chuyển dịch và tái cơ cấu nền kinh tế, trong giai đoạn 2007-2014, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,5%, trong khi tỷ trọng của khu vực công nghiệp và xây dựng thay đổi không nhiều, chỉ giảm 0,2%; khu vực dịch vụ tăng lên 1,7%. Trong giai đoạn này, khu vực nông, lâm, thủy sản đóng góp bình quân 11% vào tăng trưởng GDP. Hai khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng GDP lần lượt là 40% và 49%, thể hiện tác động tích cực của dòng vốn FDI và mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ. Đáng lưu ý, tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thủy sản thấp hơn so với trước khi gia nhập WTO.

Lợi thế chưa thành thế mạnh

Nông nghiệp được coi là lợi thế của nước ta, nhưng sau khi gia nhập WTO lại chưa phát huy được thế mạnh. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đề nghị làm rõ sự tác động khi gia nhập WTO liên quan đến vấn đề nông nghiệp hiện nay, những kết quả đạt được cũng như bất cập, khó khăn.

“WTO tác động thế nào tới khu vực nông thôn, nhất là hiện chúng ta đang xây dựng nông thôn mới. Tác động như thế nào đến giảm nghèo? Chúng ta phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ nghèo trên cả nước chỉ còn 5%; và 30% đối với huyện nghèo thì khi gia nhập WTO tác động như thế nào?”- ông Hiền đặt vấn đề.

Thẳng thắn chỉ ra báo cáo giám sát nêu 6 bài học kinh nghiệm nhưng vấn đề khoa học công nghệ lại quá mờ nhạt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng bày tỏ băn khoăn: “Nếu chúng ta nghĩ khoa học công nghệ là ngành riêng biệt thì chúng ta mãi không phát triển được, bởi khoa học công nghệ thấm vào từng lĩnh vực trong phát triển kinh tế”.

Ông Dũng cũng đưa ra dẫn chứng: “Ví dụ như tập đoàn Viettel chẳng hạn, họ kinh doanh có kết quả không chỉ trong nước mà còn ở nhiều nước. Ở nước ngoài thì ngay cả Trung Quốc hay các nước khác cũng không cạnh tranh được với Viettel.

Tại sao vậy, bởi họ đầu tư khoa học công nghệ. Hay như trong nông nghiệp, nếu như không đầu tư khoa học công nghệ thì làm sao đạt được năng suất cao”.

8 năm gia nhập WTO: Vẫn nhiều thách thức - 1

Hàm lượng khoa học kỹ thuật đi vào nền kinh tế còn quá thấp. Ảnh: Hoàng Long.

Rào cản ở đâu? Lĩnh vực nào?

Chất lượng tăng trưởng
và tính bền vững của nền
kinh tế còn yếu

Theo ông Nguyễn Văn Giàu- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quá trình thực thi các cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung từ năm 2007 đến nay còn những hạn chế, bất cập như: Chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện; cơ cấu hàng xuất khẩu chậm được thay đổi, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu còn thấp; chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa cao như chuyển giao công nghệ chưa đạt yêu cầu… Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm thương hiệu Việt Nam còn hạn chế. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trước các rào cản kỹ thuật thương mại của các nước, trong khi việc hình thành và áp dụng các rào cản kỹ thuật thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam còn thiếu và yếu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần phải đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn để thấy tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân. Và theo ông, quan trọng là đánh giá cho được hệ thống pháp luật đáp ứng được hội nhập kinh tế quốc tế WTO hay chưa?

“Khối lượng từ luật đến nghị định, thông tư hướng dẫn là khổng lồ, tuy nhiên nhiều ý kiến đặt ra rằng hệ thống pháp luật của ta còn rào cản và chưa đáp ứng yêu cầu nên cần chỉ ra được rào cản là gì? ở lĩnh vực nào? Hay như vấn đề cải cách thủ tục hành chính cần phân tích để thấy chưa như mong muốn là do chủ quan của chúng ta” - ông Hiển bày tỏ.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, tăng trưởng kinh tế của chúng ta vẫn theo chiều rộng, chiều sâu còn hạn chế, kinh tế công nghiệp, nông nghiệp có nhiều điểm yếu. Và vấn đề cốt lõi chính là ứng dụng khoa học kỹ thuật.

“Là nước sản sinh ra nhiều người có tài nhưng hàm lượng khoa học kỹ thuật đi vào nền kinh tế là quá thấp. Nông dân hay doanh nghiệp hứng lên là làm không cần khoa học kỹ thuật”.

Từ phân tích trên ông cho rằng “trong chính sách có vấn đề gì. Cơ chế điều hành, kỷ cương công chức, tư duy quy hoạch vùng miền là lỗi hệ thống, đô thị sai quy hoạch từ đó khó sửa nên cần đánh giá nghiêm túc”.

Nhắc lại nhận định của nhiều chuyên gia càng hội nhập thì doanh nghiệp càng nhỏ đi, các tập đoàn kinh tế mạnh của nhà nước và tư nhân chúng ta chưa xây dựng được - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề: “Tại sao khi gia nhập WTO thì đời sống của người nông dân lại khó? Nhiều cán bộ cũng lơ mơ về chủ trương hội nhập nên chỉ đạo chưa nhất quán từ đó làm cho cạnh tranh, mô hình kinh tế bị ảnh hưởng lớn, nhất là trong bối cảnh tới đây khi chúng ta tham gia TPP, EU thì cần giải pháp đột phá như thế nào để tháo gỡ khó khăn”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, báo cáo phải đi vào chiều sâu để giải quyết các câu hỏi: Sức phát triển của nền kinh tế có tiến bộ hơn so với các nước trong khu vực không? 8 năm qua sự tiến bộ của nền kinh tế nước ta có gần với các nước đi trước không? hay khoảng cách ngày càng xa hơn? Và theo Chủ tịch Quốc hội chúng ta phải trả lời được câu hỏi này.

“Nước ta nông nghiệp chiếm gần 70%, nông dân là chủ thể đáng lẽ ra sản lượng phải tăng thì chất lượng cạnh tranh lại xuống, sản lượng giảm. Như vậy là ảnh hưởng tới lợi ích toàn dân, trong khi đây là cơ hội để ta bứt lên. Nếu quản lý bên trong mà tốt thì nền nông nghiệp của ta đi lên trong khi đến nay nông nghiệp vẫn còn nhiều thách thức khi được mùa lại mất giá”- Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    8 năm gia nhập WTO: Vẫn nhiều thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO