Vào lúc 10 giờ ngày 14/11/2022, đồng hồ dân số thế giới hiển thị con số 7,999 tỷ dân. Tới 1 giờ 29 phút (giờ GMT) ngày 15/11, thế giới đã đón công dân thứ 8 tỷ là một bé gái người Philippines. Em bé mang tên Vinice Mabansag được sinh ra tại Bệnh viện Dr. Jose Fabella Memorial ở Tondo, thủ đô Manila.
Sự kiện nhân loại đạt con số 8 tỷ người được chào đón khá khác nhau. Nhiều quốc gia đang lo ngại dân số giá do tỷ lệ sinh ít, trong khi còn nhiều quốc gia hơn lại vẫn phải đối phó với việc gia tăng dân số. Tuy nhiên, các nhà dân số học, nhân chủng học và hầu hết các chính phủ đều không còn ngại cái gọi là nạn “nhân mãn” và khái niệm “quả bom dân số” cũng đã trôi chìm vào quên lãng. Vì rằng sự phát triển của loài người chính là niềm vui, cho dù phải giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội.
Sức mạnh của 8 tỷ người
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), dân số thế giới có thể đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030 và 9 tỷ người vào năm 2037. Sự tăng trưởng này là do tuổi thọ của con người tăng nhờ những tiến bộ về sức khỏe cộng đồng, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và thuốc men. UNFPA cũng dự báo rằng, dân số thế giới có thể tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050 và đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người trong những năm 2080, duy trì ở mức đó vào năm 2100.
Cơ quan dân số của Liên hợp quốc (LHQ) cũng cho rằng, dân số của 61 quốc gia hoặc khu vực được dự báo giảm từ 1% trở lên trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2050. Trong khi mức tăng cao sẽ tập trung ở 8 quốc gia: Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania. Các nước châu Phi cận Sahara dự kiến đóng góp hơn một nửa mức tăng vào năm 2050.
Ông Liu Zhenmin - Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ cho biết, các dữ liệu cho thấy tỷ lệ dân số toàn cầu ở độ tuổi 65 trở lên dự kiến tăng từ 10% vào năm 2022 lên 16% vào năm 2050. Tại thời điểm đó, số người từ 65 tuổi trở lên trên toàn thế giới sẽ gấp hơn hai lần số trẻ em dưới 5 tuổi và bằng số trẻ em dưới 12 tuổi. Năm 2019, tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8 tuổi, tăng gần 9 năm kể từ năm 1990 và sẽ đạt mức 77,2 tuổi vào năm 2050. Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình lại “không chia đều” khi mà tuổi thọ người dân tại những nước kém phát triển tụt lại so với mức trung bình toàn cầu 7 năm.
Trở lại với sự kiện công dân thứ 8 tỷ, dấu mốc này đạt được 12 năm sau khi dân số toàn cầu chạm ngưỡng 7 tỷ, đã tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đồng thời cũng mang tới không ít thách thức trên hành trình hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người. Chào đón sự kiện này, LHQ khẳng định rằng bằng cách bảo vệ các quyền lợi và lựa chọn của tất cả mọi người, với cột mốc dân số 8 tỷ người, loài người đang nắm giữ chìa khóa giải phóng những tiềm năng không giới hạn của mỗi một cá nhân trên toàn thế giới để cùng giải quyết các thách thức và những vấn đề toàn cầu đang cản trở nhân loại. “Cùng tập hợp, thế giới 8 tỷ người là thế giới với những khả năng và sức mạnh vô hạn để hành động, phát triển và thay đổi” - Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói và cho rằng dân số thế giới cán mốc 8 tỷ chính là minh chứng rõ nét nhất cho những đột phá về khoa học công nghệ, cải tiến về dinh dưỡng, y tế cộng đồng và vệ sinh môi trường.
Còn bà Natalia Kanem - Giám đốc điều hành UNFPA nhấn mạnh, cột mốc 8 tỷ người là một câu chuyện thành công, khi tỷ lệ người được giáo dục và sống lành mạnh nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử và thế giới đã đạt những bước tiến lớn trong nỗ lực giảm nghèo và những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Điều quan trọng nhất là phải tập trung đầu tư vào con người để có thể vượt qua thách thức, khai thác và phát huy tiềm năng, sức mạnh của 8 tỷ người.
Thế giới cần làm gì khi dân số đạt mốc 8 tỷ người?
Năm 2019, LHQ dự báo, dân số sẽ tiếp tục tăng lên 11 tỷ người vào năm 2100. Và cho dù thế giới có biến chuyển thì dân số toàn cầu gia tăng vẫn tập trung ở các nước nghèo. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lưu ý rằng 1% người giàu nhất bỏ túi 1/5 thu nhập của cả thế giới. Công dân của các nước giàu nhất có thể sống lâu hơn tới 30 năm so với những người nghèo nhất. Ở hầu hết các quốc gia, những người trong độ tuổi lao động sẽ phải có trách nhiệm trả lương hưu và chăm sóc cho những người đã nghỉ hưu, vì vậy tỷ lệ người già ngày càng tăng đã gây ra những áp lực tài chính nghiêm trọng, ít nhất trong phạm vi hộ gia đình.
Vậy, loài người sẽ phải chuẩn bị như thế nào cho một số lượng người đông chưa từng có trên trái đất, từ thực phẩm cho đến nhiên liệu sưởi ấm? Chúng ta sẽ trả lời thế nào khi “em bé 8 tỷ” đủ lớn để hỏi: Bạn đã làm gì cho thế giới và hành tinh của chúng ta khi bạn có cơ hội?
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 80% sản lượng năng lượng. Khi dân số tăng lên và các nền kinh tế tiếp tục phát triển, nhu cầu năng lượng toàn cầu cũng tăng lên. Theo UNEP, từ việc xây dựng các tòa nhà bằng xi măng, thép và các vật liệu khác đến năng lượng sử dụng bên trong chúng khiến cho các tòa nhà chiếm 38% lượng khí thải CO2 toàn cầu, có nghĩa là trái đất ngày một ấm lên kéo theo nhiều tai họa.
Một vấn đề nữa chính là khẩu phần ăn hàng ngày nhưng không nhiều người nghĩ tới. Nhu cầu về thịt đã tăng gấp 3 lần ở các nước đang phát triển trong 4 thập kỷ, trong khi lượng tiêu thụ trứng tăng gấp 7 lần, thúc đẩy sự mở rộng mạnh mẽ của các hoạt động chăn nuôi quy mô lớn. Nhu cầu về nhiều cây trồng hơn để nuôi gia súc là một lý do khiến các chuyên gia cho rằng thế giới sẽ cần tăng gấp đôi sản lượng cây trồng vào năm 2050.
Từ sản xuất nông nghiệp đến vận chuyển và đóng gói, chuỗi sản xuất thực phẩm chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 lượng khí thải nhà kính do con người gây ra. Các nhà khoa học cho biết một trong những cách tốt nhất để bảo vệ thiên nhiên và khí hậu toàn cầu là tiêu thụ ít thịt hơn. Vì rằng, hiện thế giới phải tiêu tốn khoảng 1,8 nghìn tỷ USD cho các khoản liên quan đến môi trường mỗi năm.
Quốc gia nào đông dân nhất thế giới?
Đến nay, câu trả lời đã rõ ràng. Đó là Ấn Độ, khi đã thay Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới từ trước tới nay.
Tuy nhiên, Ấn Độ không hề lo ngại trước sự gia tăng dân số khi Chính phủ không có ý định kiểm soát dân số. Trình bày trước Quốc hội, Quốc vụ khanh phụ trách Y tế Bharati Pravin Pawar cho biết, Chính phủ Ấn Độ hướng tới mục tiêu ổn định dân số vào năm 2045.
Theo báo cáo của LHQ, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm tới (2023). Các số liệu cho biết, dân số Ấn Độ đạt mức 1,412 tỷ người so với 1,426 tỷ người của Trung Quốc trong năm 2022. Nhìn xa hơn, Ấn Độ được dự báo sẽ có dân số 1,668 tỷ người vào năm 2050, vượt xa con số 1,317 tỷ người của Trung Quốc vào giữa thế kỷ này.
Trước đó, ngày 11/5/2021, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, tốc độ gia tăng dân số của Trung Quốc trong thập niên qua (2010-2020) có dấu hiệu chậm lại kể từ khi nước này bắt đầu thực hiện tổng điều tra dân số vào năm 1953. Kết quả điều tra dân số của Trung Quốc được công bố 10 năm một lần. Nguyên nhân chính khiến tốc độ gia tăng dân số của Trung Quốc chậm lại là do tỷ lệ sinh của nước này giảm xuống. Theo thống kê của Trung Quốc, tỷ lệ sinh của nước này giảm đều từ năm 2016.
Giáo sư Song Jian - Trung tâm Nghiên cứu Phát triển dân số, Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng, đây là vấn đề xã hội trước mắt cũng như lâu dài, khi mà số người già “lấn lướt” người trẻ và như vậy sẽ mất lợi thế trong phát triển kinh tế.
Giáo sư Song Jian cho biết, số dân từ 16 đến 59 tuổi (trong độ tuổi lao động) của Trung Quốc năm 2021 là 882,22 triệu người, chiếm 62,5%; trên 60 tuổi là 267,36 triệu người, chiếm 18,9%; và trên 65 tuổi là 200,56 triệu người. Trong khi đó năm 2020, số người trên 60 tuổi chỉ là 264,02 triệu, và số người trên 65 tuổi là 190,64 triệu.
Như vậy, dân số không chỉ là những con số mà là vấn đề xã hội. Chào đón công dân thứ 8 tỷ, vui mừng trước tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của con người ngày một tốt hơn, nhưng cũng rất cần những phương án khi mà trái đất “ngày một đông vui”.
Theo Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022 do Vụ Kinh tế và Xã hội của LHQ công bố ngày 15/11 khi dân số thế giới cán mốc 8 tỷ người, có đoạn: Mặc dù còn nhiều thách thức trước mắt nhưng đằng sau con số 8 tỷ người và việc chúng ta chạm tới cột mốc quan trọng này là một câu chuyện về thành công. Chúng ta đã giảm được tỷ lệ nghèo đói và đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Chúng ta đang có dân số đông đảo hơn bao giờ hết, một phần là do tuổi thọ tăng lên và giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Thế giới của chúng ta không chỉ đông đảo về số lượng, mà còn như một gia đình. Số lượng rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần cẩn trọng. Chúng ta cần xây dựng một thế giới với 8 tỷ con người kiên cường, một thế giới đề cao quyền và lựa chọn của mỗi cá nhân, mang đến những khả năng vô hạn - khả năng cho con người, xã hội và hành tinh chung của chúng ta phát triển và thịnh vượng.