Năm 2024, kế hoạch vốn giao cho TP Hòa Bình là 878 tỷ đồng, tính đến ngày 31/3/2024 đã giải ngân được 151 tỷ đồng, đạt 17% kế hoạch.
Năm 2024, kế hoạch vốn được giao cho TP Hòa Bình là 878 tỷ đồng, tính đến ngày 31/3/2024 đã giải ngân được 151 tỷ đồng (đạt 17% kế hoạch). Trong đó, vốn đầu tư công giải ngân đạt 14% kế hoạch; vốn đầu tư ngân sách thành phố giải ngân đạt 18% kế hoạch.
Theo lãnh đạo UBND TP Hòa Bình, những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu là do công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, trong đó việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, quy chủ, ranh giới thửa đất một số hộ dân không đồng tình với phương án bồi thường; quỹ đất xây dựng tái định cư hạn chế. Một số dự án có khối lượng hoàn thành nhưng do nguồn thu sử dụng đất của tỉnh không đảm bảo, đến cuối năm nguồn thu sử dụng đất của tỉnh chỉ đạt 45%, của thành phố đạt 20/300 tỷ đồng.
Nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia dù tỷ lệ nhỏ, song đến tháng 12/2023 mới phân bổ đợt 2 nên chưa thể giải ngân. Đối với nguồn vốn ODA, dự án thoát nước và xử lý nước thải thực hiện tiếp nhận và giải ngân theo cơ chế đặc thù, quá trình thực hiện gặp khó khăn trong công tác điều chỉnh dự án, chờ thu phản hồi của nhà tài trợ mới thực hiện các bước tiếp theo, trong khi đó nguồn vốn được giao lớn gây áp lực cho công tác giải ngân.
Thông tin được biết, năm 2023, kế hoạch vốn giao cho TP Hòa Bình đầu năm là 1.282 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh giảm xuống còn 610 tỷ đồng. Đến ngày 31/1/2024 giải ngân được 462/610 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch. Đối với vốn đầu tư công cân đối ngân sách tỉnh, kế hoạch giao 363 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 31/1/2024 đạt 60%, trong đó: giải ngân vốn ODA thực hiện 35/94 tỷ đồng, đạt 38,1%; vốn ngân sách Trung ương thực hiện 32/45 tỷ đồng, đạt 71,2%; vốn bổ sung có mục tiêu thực hiện 22 tỷ đồng, đạt 100%... Đối với nguồn vốn ngân sách thành phố, kế hoạch giao năm 2023 là 911 tỷ đồng, điều chỉnh giảm còn 246 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 31/1/2024 đạt 100%.
Mặc dù, TP. Hòa Bình đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao quản lý dự án thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân như: đôn đốc các nhà thầu thi công, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước; đồng thời rà soát, nắm bắt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng dự án, kịp thời đề xuất UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh kế hoạch vốn đối với những dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân đạt thấp sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Tuy nhiên tỷ lệ giải ngân của thành phố chưa đạt yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Thành ủy Hòa Bình, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thành phố tập trung chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, trong tháng 4/2024 phê duyệt xong báo cáo triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Nắm bắt khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết, nhất là khâu giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm như đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Mộc Châu - Sơn La; đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với quốc lộ 6.
Chỉ đạo các nhà thầu, đôn đốc đơn vị quản lý dự án thi công theo kế hoạch, thực hiện các thủ tục thanh toán vốn ngay sau khi có nghiệm thu khối lượng. Tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn thu sử dụng đất để bố trí vốn thanh toán cho các công trình. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư.