Hơn ¼ người dân đang sinh sống tại khu vực châu Á đã phải chi khoản tiền hối lộ để được tiếp cận các dịch vụ công trong năm vừa qua, một tổ chức quan sát hôm 7/3 cho hay, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước mạnh tay với tệ nạn hối lộ trong khu vực.
Ảnh minh họa.
Báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, có trụ sở tại Berlin (Đức), đã thực hiện trên 20.000 người ở 16 quốc gia và các vùng lãnh thổ kéo dài từ Pakistan cho tới Australia. Theo kết quả rút ra, họ ước tính có khoảng 900 triệu người đã buộc phải chi tiền “bôi trơn” ít nhất một lần trong 12 tháng của năm 2016.
Tỷ lệ hối lộ cao nhất xảy ra ở Ấn Độ, nơi gần 2/3 số người được hỏi cho biết, họ buộc phải hối lộ nhiều nhất và thường xuyên nhất trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, tỷ lệ hối lộ thấp nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và Australia.
Theo khảo sát, cảnh sát được cho là lực lượng nhận các khoản tiền “bôi trơn” nhiều nhất, trong đó 1/3 số người từng tiếp xúc với một sỹ quan trong năm vừa qua nói rằng họ đã phải chi tiền hối lộ. Về nhận thức của công dân đối với nạn tham nhũng, Malaysia bị xếp hạng có nạn tham nhũng tồi tệ nhất. Người dân Malaysia cho rằng, chính phủ đã làm rất ít để ngăn chặn tham nhũng.
“Chính phủ các nước cần phải nỗ lực hơn trong các cam kết dẹp nạn tham nhũng” - ông Jose Ugaz, Chủ tịch Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nói trong thông cáo báo chí - “Hối lộ không phải là một tội nhỏ, nó cướp đi đồng tiền của người ta, ngăn chặn nền giáo dục, cản trở tiếp cận với chăm sóc y tế”.
Các vụ bê bối tham nhũng đã gây chấn động một số chính phủ ở khu vực châu Á trong năm qua, chiếm nhiều giấy mực của báo giới và dấy lên nhiều cuộc biểu tình. Như ở Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun-hye đã bị Quốc hội thông qua việc luận tội hồi năm ngoái vì vụ bê bối tham nhũng có liên quan tới các tập đoàn lớn.
Malaysia cũng là nước có bê bối tham nhũng lớn nhất trong những năm gần đây, khi các nhà điều tra quốc tế cáo buộc giới lãnh đạo nước này đã biển thủ hàng tỷ USD thông qua quỹ 1MDB mà nhà nước hậu thuẫn.