Sự tiếp quản nhanh chóng Afghanistan của Taliban đã làm suy yếu một nền kinh tế mong manh vốn phụ thuộc phần lớn vào viện trợ nước ngoài. Khi Mỹ và Quỹ Tiền tệ quốc tế đóng băng nguồn tiền viện trợ đến Afghanistan, Taliban lập tức bị cô lập và đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính.
Hệ thống ngân hàng sụp đổ
Hệ thống ngân hàng của Afghanistan, một “mắt xích” quan trọng đối với sự phục hồi của đất nước sau khủng hoảng, đang đối mặt với một tương lai khó đoán định khi tính thanh khoản dòng tiền kém và việc làm của nhân viên nữ bấp bênh sau khi Taliban nắm quyền.
Cách đây 2 ngày, một phát ngôn viên của Taliban tuyên bố, các ngân hàng sẽ sớm mở cửa trở lại sau khoảng thời gian 10 ngày ngừng hoạt động khi chính phủ được phương Tây hậu thuẫn sụp đổ trong bối cảnh quân đội Mỹ và đồng minh rút lui.
Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít bằng chứng cho thấy việc các dịch vụ ngân hàng hoạt động trở lại bình thường khi vẫn còn nhiều đám đông người biểu tình tụ tập trên các đường phố, bên ngoài các ngân hàng ở Kabul, hôm 26/8.
Ông Gazal Gailani - Cố vấn Kinh tế và thương mại tại đại sứ quán Afghanistan ở London cho biết: “Các ngân hàng sẽ tiếp tục bị đóng cửa, không có dấu hiệu rõ ràng về việc mở cửa trở lại trong khi người dân đang hết tiền mặt”.
Ngoài việc các ngân hàng bị đóng cửa, hệ thống chuyển tiền không chính thức hawala cũng ngừng hoạt động. Người dân đang tích trữ USD khi đồng nội tệ giảm xuống mức thấp kỷ lục. Nhà báo Rahmatullah cho biết, mọi người đang cạn kiệt tiền mặt vì họ không thể sử dụng tài khoản ngân hàng. “Chúng tôi cũng không thể vay tiền vì không ai có tiền mặt” - ông Rahmatullah nói.
Việc đóng cửa ngân hàng rõ ràng đang gây ra khó khăn cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt khi nhiều vùng nông thôn hầu như không có ngân hàng, còn ở các thành phố, nơi lương của công chức nhà nước thường được trả vào tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Syed Moosa Kaleem Al-Falahi - Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch Ngân hàng Hồi giáo Afghanistan (IBA), một trong ba ngân hàng lớn nhất của Afghanistan, cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Afghanistan (ABA) đã liên hệ với Ngân hàng Trung ương để điều phối các bước nhằm đưa hệ thống ngân hàng trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên “sẽ rất khó để kiểm soát “cơn sốt” nếu các ngân hàng mở cửa trở lại ngay lập tức”.
Tình trạng lạm phát cũng đã khiến cuộc sống hàng ngày của người dân Afghanistan trở nên khó khăn. Giá của 5 lít dầu ăn đã tăng từ 500 afghanis lên 1.200 afghanis.
Tuy nhiên, một số loại trái cây và rau củ sản xuất trong nước đã rẻ hơn trước do biên giới bị đóng cửa và các thương nhân không thể xuất khẩu hàng hóa, ông Hassan - nhân viên một tổ chức phi chính phủ cho biết. “Giá của 7 kg táo đã giảm từ 500 afghanis xuống 100 afghanis” - ông Hassan nói.
Cho đến nay, những hoài nghi về khả năng nắm bắt tài chính và tái khởi động một nền kinh tế đã bị tàn phá sau 40 năm chiến tranh của Taliban đang dấy lên.
Các chủ ngân hàng ở Afghanistan cũng đang chờ đợi sự rõ ràng từ các ngân hàng đại lý ở nước ngoài, về việc liệu mối quan hệ có tiếp tục sau khi Taliban tiếp quản hay không. Bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào cũng có thể khiến những liên kết này bị cắt đứt.
Khủng hoảng việc làm
Bên cạnh sự sụp đổ của các ngân hàng khiến nguồn tiền cạn kiệt, tình trạng thất nghiệp cũng đã tăng vọt trên toàn thành phố Kabul.
“Hàng trăm công nhân làm thuê và công nhân xây dựng đi trên phố mỗi ngày và không có người sử dụng lao động nào thuê họ. Kabul đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghèo đói sâu sắc” -công chức Sayed cho biết.
Tuần này, Taliban đã bổ nhiệm ông Haji Mohammad Idris - một người không được đào tạo chính thức về tài chính, làm Quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan (DAB). Một thủ lĩnh cấp cao của Taliban đã bảo vệ quyết định này và cho rằng, ông Idris đáng được tôn trọng.
Điều này đã làm gia tăng những bất ổn xung quanh việc làm trong tương lai của các nhân viên nữ.
Ông Al-Falahi từ IBA cho biết: “Cho đến nay không có thông tin liên lạc chính thức nào từ Taliban về sự đảm bảo công việc của các nhân viên nữ”. Ông Al-Falahi vẫn cho rằng, các nhân viên nữ sẽ trở lại làm việc khi hệ thống ngân hàng mở cửa trở lại, Nhưng với những gì giới quan sát nhìn thấy từ Taliban, viễn cảnh về việc quay trở lại làm việc của phụ nữ phù hợp với Luật Hồi giáo đang vấp phải những hoài nghi.
Chủ động đối phó với tình hình, giám đốc của một trong những công ty cho vay lớn nhất Afghanistan cho biết, ngân hàng của họ đã lên kế hoạch đảm bảo sự hoạt động thông suốt trong trường hợp khoảng 20% nhân viên nữ có khả năng bị sa thải.
“Chúng tôi cho rằng mình sẽ phải đối mặt với những thách thức như mất đi đội ngũ nhân viên có trình độ và kỹ năng cao vì hầu hết họ đang có ý định chạy trốn khỏi đất nước ngay khi có cơ hội” - người chủ này nói.
Bên cạnh đó, những người Afghanistan ở thủ đô Kabul dường như rất lo lắng về trật tự mới khi Taliban giành quyền kiểm soát.
“Người dân đang lo lắng về mạng sống của mình. Họ không thực sự quan tâm đến việc mở cửa lại doanh nghiệp. Các trường học, trung tâm giáo dục đã đóng cửa, nhiều học sinh đang tìm cách chạy trốn khỏi đất nước. Họ không quan tâm đến việc trở lại trường học” - Saifullah, người điều hành một doanh nghiệp chuyển tiền không chính thức, cho biết.
Những người Afghanistan trẻ tuổi đang cố gắng rời khỏi Kabul để sang các nước láng giềng. “Các chuyến xe buýt rời Kabul đến các tỉnh biên giới đã chật cứng, nhưng khi quay trở về thì trống trơn” - Mohammed, một cựu quan chức chính phủ nói và cho biết thêm, giá vé xe buýt đến biên giới đắt gấp đôi giá vé khứ hồi thường lệ.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Afghanistan là một trong những nền kinh tế ít ngân hàng nhất thế giới. Cứ 1.000 người thì chỉ có 183 người có tài khoản tiền gửi; cứ 100.000 người lớn thì có ít hơn hai chi nhánh ngân hàng hoặc máy rút tiền. Cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ càng làm mất niềm tin vào một lĩnh vực vốn đã phải vật lộn để mở rộng dịch vụ ở một quốc gia có vốn ngân hàng mỏng.