Ai chịu trách nhiệm?

An Hà 07/11/2022 07:00

Những ngày này, người Hà Nội bức xúc và lo lắng vì rất khó mua xăng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Trong khi đó, trên nhiều tuyến đường, nhất là những nơi gần cây xăng lại xuất hiện những cục gạch, chai nhựa bày ra - đó là dấu hiệu của những người bán xăng lẻ, tất nhiên là giá cao. Vì sao cây xăng (nhất là những cây xăng tư nhân) lại ngừng bán trong khi bên ngoài lúc nào cũng có sẵn? và tới bao giờ xăng dầu mới lại được cung cấp đầy đủ? Đó là những câu hỏi đang đợi câu trả lời từ cơ quan chức năng.

Việc bày bán xăng bên ngoài được người Hà Nội gọi là “cây xăng cục gạch”. Những người bán xăng lẻ này đã dậy sớm mang can tới cây xăng mua, mang về chiết vào những chiếc can nhựa nhỏ, từ 1 đến 2 lít; cất trong nhà, trong ngõ, khi nào người đi đường dừng lại trước những “cục gạch”, chai nhựa hỏi mua thì lập tức lấy ra bán. Giá mỗi lít cao hơn giá chính thức từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng.

Không ít người cho rằng, trong tình thế các cây xăng “nghỉ chơi” như hiện nay khiến người tiêu dùng khó khăn thì việc có xăng để chạy tốt rồi, đắt cũng phải chịu. Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ vì sao lại đứt gãy chuỗi cung xăng dầu như vậy, trong khi diễn biến phức tạp nguồn cung xăng dầu trên thế giới cũng như trong nước đã diễn ra nhiều tháng qua, quá đủ để cảnh báo các biện pháp ứng phó đối với cơ quan chức năng. Cụ thể là với Bộ Công thương.

Đã rất lâu mới thấy lại cảnh người Hà Nội rồng rắn xếp hàng trước các cây xăng. Với những người cao tuổi, những hàng người ấy gợi lại cảnh xếp hàng mua gạo, mua thực phẩm của cái thời tem phiếu mấy chục năm trước. Đất nước mở cửa, đổi mới, những tưởng hình ảnh đó chỉ còn trong ký ức nhưng tiếc thay, nay nó đã quay trở lại. Nhìn những dòng ô tô, xe máy kìn kìn nối nhau trên đường phố lại càng lo nạn thiếu xăng dầu. Đi qua những cây xăng vắng ngơ vắng ngắt với tấm bảng ghi hết xăng, tạm nghỉ bán càng buồn hơn.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phải ban hành văn bản nhằm thực hiện công điện số 1039 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu; trong đó nêu rõ các địa phương phải giải quyết triệt để việc “các cây xăng cục gạch" mọc lên dọc các vỉa hè; không để xảy ra tình trạng kinh doanh trái phép để trục lợi, gây mất trật tự an ninh, không bảo đảm chất lượng, an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng còn việc các cây xăng vẫn thiếu hàng để bán, người dân vẫn khốn khổ vì tìm xăng dầu đổ xe thì sao? Ai chịu trách nhiệm?.

Trong văn bản chỉ đạo, UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: "Sở Công thương có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp các vướng mắc phát sinh về nguồn cung xăng dầu, báo cáo đề xuất UBND thành phố để có phương án điều tiết hợp lý, kịp thời; phối hợp Cục Quản lý thị trường rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình đóng mở, kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, báo cáo UBND thành phố trước 17 giờ hằng ngày". Văn bản của UBND thàn phố Hà Nội cũng không quên nhắc nhở: Nếu phát hiện sai phạm, yêu cầu quản lý thị trường xử lý nghiêm theo quy định.

Mới đây nhất, ngày 5/11, trả lời báo chí, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết thành phố vẫn đang đảm bảo cao nhất trong việc cung ứng xăng dầu. Theo bà Lan, đến ngày 4/11, chỉ có 8 cửa hàng xăng dầu hết xăng cục bộ. Còn báo cáo của các cửa hàng, ngày 5/11, xăng đã về để cửa hàng bán bình thường. Sở Công thương Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép cho 114 xe téc chở xăng dầu hoạt động 24/24 giờ để cung cấp xăng cho các cửa hàng.

Nhưng, khác với khẳng định của bà Lan, cho đến chiều 6/11 thì nhiều cây xăng vẫn treo bảng tạm ngừng bán và trước những cây xăng còn bán thì vẫn là hàng dài dòng người xe chen lấn.

Theo bà Quyền Giám đốc Sở Công thương, trung bình mỗi tháng Hà Nội tiêu thụ khoảng 97.750m3 (E5 chiếm 35%, RON95 chiếm 65%), dầu khoảng 48.750m3. Từ tháng 8 đến nay, nhu cầu xăng dầu ở Hà Nội tăng đột biến, trung bình 20%, tương đương 175.800m3/tháng (một số cửa hàng tăng trên 30%). Bà Lan cũng cho biết thêm, Hà Nội thiếu xăng dầu là do ngoài việc phục vụ trên 10,3 triệu dân đang sinh sống, lại còn phải phục vụ thêm một số khách hàng ở các tỉnh, thành lân cận do các đơn vị này cũng thiếu nguồn cung.

Nếu đúng như lời bà Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thì đã lượng định trước được tình hình, như vậy là tốt. Nhưng tại sao lại không có biện pháp chủ động đối phó?.

Trên phạm vi cả nước thì Bộ Công thương chịu trách nhiệm chính về nguồn cung xăng dầu. Còn trách nhiệm đó tại các địa phương thuộc về các Sở Công thương. Dẹp bỏ những “cây xăng cục gạch” là tốt, nhưng trước hết cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm không để nguồn cung xăng dầu đứt gãy và phải chịu trách nhiệm khi điều đó xảy ra, kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai chịu trách nhiệm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO