Chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Điểm mới của luật theo ông Long là trong trường hợp nội dung trưng cầu giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì người trưng cầu giám định phải xác định nội dung, lĩnh vực chính cần giám định và cơ quan, tổ chức chủ trì, cơ quan, tổ chức phối hợp tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định.
Ông Nguyễn Huy Tiến - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, việc sửa đổi Luật là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay bởi trong giải quyết các vụ án tham nhũng vướng do vấn đề thời hạn bị chậm, vụ việc phải tạm đình chỉ, kéo dài cũng do vấn đề giám định tư pháp. Cho nên vấn đề thời gian giám định, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan được quy định trong Luật lần này là cần thiết vì vụ án tham nhũng không chỉ một cơ quan mà cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan.
Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, giám định tư pháp ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Do đó phải hoàn thiện cơ chế, rõ ràng cụ thể mới đảm bảo được quá trình điều tra, truy tố, xét xử diễn ra nhanh chóng, không bị chậm trễ.
Cho rằng trong giám định tâm thần, người phạm tội chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là có kết quả giám định bị tâm thần, không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, sau đó nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, trong khi không ai chịu trách nhiệm về kết quả giám định - ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt vấn đề: Vậy xử lý vấn đề này như thế nào? Trong Luật có điều khoản nào để xử lý vấn đề này? Rồi mâu thuẫn giữa kết quả của các tổ chức giám định vậy kết quả cuối cùng là của ai?
Thẳng thắn chỉ ra quy trình giám định trẻ em bị xâm hại tình dục hiện nay còn nhiều bất cập, trong đó có nguyên nhân của vấn đề giám định, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện đã đưa ra dẫn chứng về một người mẹ ở TP Hồ Chí Minh có con gái 5 tuổi bị xâm hại tình dục. Theo đó, người mẹ này khi đưa con đi đến công an phường để giám định thì công an phường chỉ đến bệnh viện, đến bệnh viện lại chỉ đến trung tâm pháp y, trung tâm pháp y chỉ đến công an quận, còn công an quận lại chỉ quay về công an phường.
“Bà mẹ 5 ngày không dám tắm cho con vì sợ mất tang chứng. Nhiều ý kiến cho rằng tại Điều 22 của Luật Giám định tư pháp hiện nay đang có bất cập vì quy định khi xảy ra vụ việc trong thời hạn 7 ngày, cơ quan công an quyết định có cho đi giám định hay không? Do đó sửa đổi luật lần này cần xác định rõ điều này có bất cập hay không?”-bà Hải nêu rõ.