80 năm trước, ngày 1/9/1939, quân đội Đức phát xít đã tấn công xâm lược Ba Lan – chính ngày này đã được coi là điểm khởi đầu cho cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, kéo dài cho tới tận mùa xuân năm 1945. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, các nhà sử học vẫn chưa thôi tranh luận với nhau về kẻ đã bắt đầu tấn thảm kịch thế giới đẫm máu này.
Tới tháng 9/1945, nước Nhật phát xít, đồng minh của Hitler, đã giày xéo Trung Hoa mênh mông được hai năm và tiếp tục gia tăng các hoạt động xâm lăng của mình ở châu Á. Cũng ở thời điểm đó, Hitler đã nuốt gọn nước Áo và Tiệp Khắc (nay là CH Czech và Slovakia). Tuy nhiên, người ta lại coi điểm khởi đầu cho cuộc chiến tranh thế giới thứ hai là ngày 1/9/1939, khi quân Đức tấn công vào Ba Lan, chứ không phải là ngày 3/9/1939, khi nước Anh và nước Pháp, đồng minh của Ba Lan, tuyên chiến với Berlin. Và ở thời điểm đó, lãnh tụ Liên Xô Iosif Stalin lại cho rằng không phải Berlin mà chính London cùng Paris là những người tuyên chiến.
Vì sao?
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nga “Komsomolskaya Pravda”, tiến sĩ khoa học lịch sử Oleg Butdnitsky, giám đốc Trung tâm Quốc tế lịch sử học và xã hội học chiến tranh thế giới thứ hai, đã lý giải về câu chuyện này.
Sự thay đổi định hướng tuyên truyền
PV:Trên báo Pravda ngày 1/12/1939, Stalin đã tuyên bố rằng không phải nước Đức đã tấn công Anh và Pháp mà là ngược lại.
TS Oleg Butdnitsky: Liên Xô khi đó có ký hiệp ước về không tấn công lẫn nhau với Đức, kèm theo cả kế hoạch bí mật phân chia châu Âu. Vì thế đường lối của Moskva sau khi ký hiệp ước này là: những người Anh và Pháp đã châm lửa chiến tranh. Theo định hướng đó là các bài viết trên báo chí Xôviết trong mùa thu và mùa đông năm 1939. Và phát biểu của Stalin cũng theo dòng thay đổi định hướng tuyên truyền này. Chính sách đối ngoại của Liên Xô trong nửa cuối năm 1939 đã có sự thay đổi đột ngột. Thu gọn lại những lời lẽ chống phát xít.
Vì sao?
- Stalin quan tâm tới việc để chiến tranh diễn ra càng ở xa biên giới của nước mình càng tốt. Hiện vẫn còn biên bản ghi lại nội dung cuộc gặp của người đứng đầu Quốc tế Cộng sản Dmitrov – ông này đã nhận được lời giải thích từ Stalin trước mặt Vyacheslav Molotov và Andrei Zhdanov về bản chất trong chính sách của quốc gia Xôviết. Stalin lý giải rằng, hiện đang diễn ra cuộc chiến đấu giữa hai nhóm các quốc gia tư bản chủ nghĩa , nên cứ mặc kệ họ tỉ thí với nhau.
Nhưng chính Hitler ngay buổi sáng 1/9/1939 đã đưa ra đề nghị hòa bình với nước Anh?
- Người Đức ở những giai đoạn sau đó đã không chỉ một lần đưa ra đề nghị hòa bình với nước Anh (có tới 7 lần tất cả!), trong đó có đề nghị hòa bình ở thời điểm mùa hè năm 1940, ngay lập tức sau khi đánh bại nước Pháp. Hitler hiểu rõ rằng, khi ấy, hạm đội Anh vẫn là lực lượng thống soái trên biển, không quân Anh cũng đang rất mạnh. Người Đức không khước từ cơ hội ký hòa ước cùng London với điều kiện Berlin sẽ được rảnh tay trên lục địa. Nhưng nước Anh đã không chấp nhận cuộc chơi này.
Thế vì sao London và Paris chỉ tới ngày 3-9-1939 mới tuyên chiến với Berlin?
- Phải, chính Anh và Pháp đã tuyên chiến với Đức – và đó là lúc khởi đầu chiến tranh thế giới thứ hai. Hai nước này hành động như thế theo đúng bổn phận của mình đối với Ba Lan – chả là trước đó một năm họ cũng đã có một thỏa thuận với Hitler ở Munich. Và họ đã hy vọng rằng khi đã hy sinh một phần Tiệp Khắc cho Đức thì họ sẽ giữ được hòa bình cho châu Âu. Thế nhưng chẳng bao lâu sau Hitler đã nuốt chửng toàn bộ Tiệp Khắc và mọi sự trở nên rõ ràng là trùm phát xít sẽ không dừng lại ở đó. Chính vì thế nên họ buộc phải tuyên chiến.
Quân đội Anh và Pháp liệu đã có thể vào Ba Lan mùa thu năm 1939 hay không?
- Họ cũng đã định giúp đỡ Ba Lan. Không rõ mọi việc đã diễn tiến ra sao nếu người Đức không đánh bại người Ba Lan nhanh tới như thế. Nhưng kiểu gì thì cũng không thể có hòa bình giữa Đức với Anh cùng Pháp.
Trò tháu cáy của trùm phát xít
Hitler từng thêm một lần kêu gọi hòa bình với London và Paris từ diễn đàn quốc hội Đức ở giữa tháng 9/1939?
- Kẻ xâm lược nào cũng muốn làm ra vẻ như mình chỉ là nạn nhân -“chúng tôi bắt buộc phải tấn công vì rằng...”. Hitler đã làm như thể mình là nạn nhân của việc người Ba Lan tấn công vào đài phát thanh của Đức và vin vào cớ đó để xâm lược Ba Lan. Y đã muốn tỏ ra mình là người bị hại.
Dù gì thì cũng thật kỳ quặc nếu coi Hitler như kẻ muốn kiến tạo hòa bình...
- Ở trong chính nước Đức thì Hitler trước khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra cũng đã được coi là vị “thủ tướng của hòa bình”. Trước sự kiện này thì y đã giải quyết được các vấn đề lãnh thổ gần như không phải đổ máu – tại Áo và tại khu vực Sudeten.
Hàng loạt nhà sử học Anh cho rằng, ở thời điểm tháng 9/1939, Hitler không hẳn đã không muốn một cuộc chiến tranh lớn mà chỉ đơn giản y chưa đủ sẵn sàng để tiến hành một cuộc chiến tranh như thế?
- Hitler đã không muốn có một cuộc chiến tranh lớn - trong bất luận trường hợp nào thì y cũng không muốn có một cuộc chiến tranh kéo dài. Y dự định không phải là một cuộc chiến tranh thế giới mà là hàng loạt những cuộc tấn công nhanh gọn. Để giải quyết những nhiệm vụ do y đặt ra – thỏa mãn cái ý tưởng rồ dại của y về một không gian sinh tồn cần thiết cho chủng tộc Aria. Và y cần được phục thù trước nỗi nhục Versailles (nơi ký hiệp ước đánh dấu thảm bại của Berlin trong chiến tranh thế giới thứ nhất) – thâu tóm không chỉ nước Pháp mà cả Ba Lan, nước đã lấy một phần những vùng lãnh thổ từ xưa vẫn thuộc về nước Đức. Nói rất rõ về điều này là chính sách kinh tế của Đức.
Tức là sao?
- Nước Đức ngay cả sau khi đã đánh bại Pháp vẫn không buồn đẩy nhanh sự phát triển công nghiệp quân sự. Hitler đã cho rằng y lúc đó đã đủ thực lực rồi và cuộc chiến với Liên Xô sẽ nhanh kết thúc thôi. Kết quả là nền công nghiệp quân sự Đức tới những năm 1943-1944 mới đạt được cực đỉnh của mình.
Binh lính Đức, lợi dụng trò khiêu khích của một nhóm sĩ quan SS trên khu vực biên giới Đức - Ba Lan, kéo đổ thanh chắn ở trạm kiểm soát biên giới ngày 1-9-1939 với nụ cười trên môi vì không thể ngờ tới những thảm cảnh mà họ phải gặp trong tương lai.
Ba Lan nhìn từ hai phía
Ba Lan vẫn được coi là đất nước đầu tiên phải làm nạn nhân của chiến tranh thế giới, nhưng lẽ nào không phải chính Warshawa không làm dấy lên làn sóng chống lại người Đức?
- Hiển nhiên là người Ba Lan đã không yêu thích người Đức. Mọi sự trầm trọng thêm vì người Đức lại đòi hỏi phải có những nhượng bộ về lãnh thổ. Đòi phải trao lại cảng Danzig – đối với người Ba Lan thì việc này quá ư là nhạy cảm. Họ đã không hề muốn phải quy lụy sự áp đặt của người Đức. Phải, họ đã đẩy những người Đức ra khỏi vùng lãnh thổ của mình một cách ồ ạt vì coi đó là “đạo quân thứ năm” của nước Đức. Tuy nhiên, khi Hitler bắt đầu chia rẽ Tiệp Khắc và Stalin đã chuẩn bị gửi quân sang giúp đỡ những người Czech thì Ba Lan lại không cho xe tăng Xôviết đi qua lãnh thổ của mình. Không phải vì họ không yêu người Nga hơn không yêu người Đức mà đơn giản là vì họ cũng muốn chiếm lấy một phần lãnh thổ Tiệp Khắc. Người Ba Lan rõ ràng cũng không đơn giản. Tuy nhiên, chắc họ sẽ không bao giờ tấn công nước Đức trước.
Đại sứ Ba Lan ngày 5/9/1939 ở Moskva đã yêu cầu thủ tướng Molotov giúp đỡ, trong đó có cả về quân sự …
- Trước ngày 23/8/1939, Liên Xô đã luôn giương cao ngọn cờ chống phát xít. Và nhiều người đã có cảm giác rằng Liên bang Xôviết rất không muốn ở bên cạnh biên giới của mình, thay vì một nước Ba Lan không quá mạnh lại là một nước Đức phát xít hùng hậu và hiếu chiến. Theo tư duy logic của người Ba Lan lúc đó, Liên Xô cần phải giúp đỡ Ba Lan. Tuy nhiên, người Ba Lan đã bị chậm chân. Hai tuần trước đó Moskva đã ký với Berlin hiệp ước về việc không tấn công lẫn nhau.
Nếu người Ba Lan không có những cam kết của thủ tướng Anh Chamberlain thì hẳn họ đã nhượng bộ Hitler? Và khi đó thì chiến tranh thế giới thứ hai đã không bắt đầu?
- Nghĩ như thế thì đơn giản quá. Người Ba Lan là một dân tộc kiêu hãnh. Mà nguy cơ chiến tranh cứ lớn dần lên. Ngay từ khi chưa ký thỏa thuận Munich thì nhiều người đã hiểu rõ sự vô ích của chính sách xoa dịu Hitler. Ngay cả ở trong nước Anh. Thậm chí ngay cả Churchill cũng lên tiếng phản đối chính sách đó. Ông ấy đã cho rằng, cần phải giải quyết vấn đề ngay từ khi nước Đức chưa trở nên mạnh hơn. Và những cam kết của nước Anh đối với Ba Lan, đó chỉ là khao khát muốn phục thù một phần vì “vị đắng Munich”. Ở thời điểm đó đã thấy rõ rằng, người Anh không thể nào bảo vệ nổi Ba Lan. Nước Anh khi đó không có lực lượng bộ binh đủ mạnh.
Người Mỹ tối trí
Thế còn nước Mỹ và tổng thống Roosevelt liệu có đã “xui nguyên giục bị” để Ba Lan, Anh và Pháp mau mau gây chiến với Hitler hay không? Hay là họ chỉ “tọa sơn quan hổ đấu”?
- Nước Mỹ đã không thể là kẻ đóng vai trò “xui nguyên giục bị” được, đơn giản vì họ không thể nào làm cho London, Paris và Berlin đụng độ lẫn nhau. Cả ba bên đó khi ấy đều có chính sách tự lập của mình. Nhưng Roosevelt khi ấy cũng đã hiểu rằng, cần phải giải quyết vấn đề Hitler. Chỉ có điều ông ấy đã không hiểu là phải giải quyết bằng cách nào. Tại Mỹ đã rất mạnh quan điểm cho rằng không cần can thiệp vào công việc ở châu Âu. Và Roosevelt ấy cũng bị bó chân bó tay. Năm 1939, ông ấy đã không có công cụ gì để ngăn chặn chiến tranh thế giới thứ hai: ở thời điểm đó nước Mỹ đã không có một quân đội mạnh, nền công nghiệp quân sự cũng chưa phát triển. Cho tới trước tháng 12/1941, trước sự kiện Trân Châu cảng, nước Mỹ chưa phải là một bên tham chiến.
Khi nào thì Stalin hiểu ra rằng, ông không thể nào tránh khỏi việc phải đụng độ với Hitler?
- Trước khi nước Đức tấn công Ba Lan thì điều này vẫn chưa hiện ra rõ ràng. Mặc dù đối với người Đức, cuộc tấn công Ba Lan đã không phải là một chuyến du hí nhẹ nhàng. Chỉ riêng ở Ba Lan họ đã mất tới 560 máy bay, điều khiến họ cảm thấy cực kỳ bất ngờ! Thế nhưng, tới cuộc chiến với Pháp thì người Đức đã chuẩn bị rất tốt. Họ chỉ cần đúng sáu tuần để đánh bại nước Pháp. Và trong hai năm 1939–1940, nước Đức đã trở thành cường quốc quân sự mạnh nhất châu Âu. Và khi ấy, tới tháng 6/1940, Stalin mới giật mình nhận ra rằng trên lục địa châu Âu, ông không chỉ phải một mình đối mặt với Hitler mà với cả nước Đức cùng một bầy đồng minh của họ...