Một vụ đánh bom và tấn công bằng súng xảy ra ngay giữa sân bay quốc tế Ataturk tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ trong đêm 28/6 (rạng sáng 2/6) đã khiến 36 người thiệt mạng và làm bị thương hơn 140 người khác. Sự kiện tiếp nối hàng loạt các vụ tấn công khủng bố mà quốc gia này phải hứng chịu.
Thi thể được chuyển ra khỏi sân bay quốc tế ở thủ đô Istanbul (Nguồn: AFP).
Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, 3 kẻ tấn công đã đến sân bay nói trên bằng xe taxi và bắt đầu xả súng tại sảnh chờ. Chúng tự kích hoạt bom tự sát gắn trên mình sau khi lực lượng cảnh sát có mặt và tấn công bằng súng.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho hay, các dấu hiệu ban đầu cho thấy tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đứng đằng sau vụ việc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm. Được biết, các vụ đánh bom gần đây xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ đều có liên hệ tới IS hoặc lực lượng ly khai người Kurd.
Theo giới phân tích, vụ tấn công khủng bố vừa qua giống một vụ tấn công lớn có sự phối hợp và lên kế hoạch chi tiết. Sân bay Ataturk từ lâu đã bị coi là một mục tiêu dễ bị những kẻ khủng bố nhằm vào do hệ thống kiểm tra xe hơi ở lối vào rất hạn chế.
Những hình ảnh từ hiện trường vụ tấn công nghiêm trọng ở sân bay này cho thấy nhiều thi thể được di chuyển trong các túi chuyên dụng, trong khi mảnh vỡ kính và hành lý khách hàng nằm la liệt trên sàn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan hôm 29/6 đã lên án vụ tấn công, nói rằng đây phải được coi là thời điểm bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại các tổ chức phiến quân trên khắp thế giới. “Những quả bom phát nổ ngày hôm nay ở Istanbul đã có thể phát nổ ở bất cứ một sân bay ở bất cứ thành phố nào trên thế giới”, ông Erdogan nói.
Mỹ cũng lên án và gọi vụ tấn công này là “tàn bạo”, đồng thời cho hay nước này sẽ luôn giữ quan điểm ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đã lên án vụ tấn công là “hèn hạ và dã man”.
Một khẩu súng AK nằm trên sàn sau khi những kẻ tấn công tự cho nổ tung mình (Nguồn: Reuters).
Hung thủ mặc toàn đồ đen
Chiều 29/6, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu xác định nhận dạng các nạn nhân, trong đó nói rằng có 1 công dân Iran và 1 công dân Ukraine thiệt mạng. Giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra các thông tin khác nhau về vụ tấn công, nhưng dường như những kẻ khủng bố đã bắt đầu xả súng ngay tại hệ thống máy quét tia X ở cửa vào, đọ súng với phía cảnh sát sau đó.
Một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một kẻ tấn công chạy vào bên trong tòa nhà trong khi những người xung quanh chạy tán loạn. Kẻ này sau đó bị cảnh sát bắn trúng và nằm trên sàn khoảng 20 giây trước khi tự cho nổ tung mình. Cả 3 kẻ tấn công đều bị tiêu diệt.
Paul Roos, một hành khách đang dự định bắt chuyến bay về nhà ở Nam Phi, nói với hãng tin Reuters rằng, ông đã trông thấy một trong số những kẻ tấn công.
“Hắn mặc toàn đồ đen, không mang mặt nạ haythwus gì che mặt. Lúc đó chúng tôi nấp đằng sau một hàng ghế nhưng tôi có chồm lên để xem tình hình. Hai vụ nổ đã xảy ra gần như liên tiếp. Lúc đó thì hắn đã ngừng bắn rồi” - ông Roos kể lại.
“Sau đó hắn quay lại và chạy về phía chúng tôi. Lúc đó hắn giấu một khẩu súng bên trong áo khoác. Hắn nhìn xung quanh để xem có ai muốn ngăn hắn lại không và sau đó đi xuống cầu thang máy. Chúng tôi nghe thấy thêm vài tiếng súng và sau đó là một vụ nổ nữa” - ông Roos nói tiếp.
Khủng hoảng an ninh
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho hay số người bị thương sau vụ tấn công lên tới 147 người. Người ta phải sử dụng cả xe taxi để chuyển những người bị thương tới bệnh viện. Thân nhân của những người chưa rõ tình hình sau đó còn tụ họp bên ngoài một bệnh viện địa phương để ngóng thông tin. Tất cả các chuyến bay đi và đến sân bay Ataturk đã bị tạm ngừng ngay sau vụ tấn công và hiện đã được nối lại, dù có tới 1/3 số chuyến bay bị hủy và rất nhiều chuyến bị trễ.
Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng an ninh trên khắp các mặt trận. Hàng loạt các vụ tấn công bằng súng và đánh bom trong 2 năm trở lại đây thường được cho là do bàn tay của phiến quân IS và các lực lượng ly khai người Kurd - như tổ chức Chim ưng Tự do người Kurd (TAK).
Giới chức Thổ cho hay, TAK thường chỉ nhắm vào các nhân viên an ninh, trong khi các vụ tấn công do IS thực hiện thường nhắm vào các “mục tiêu mềm” như các khu vực mua sắm, khu du lịch và tuyến giao thông. Tuy nhiên, TAK từng đứng ra nhận trách nhiệm vụ taasnc ông nhằm vào sân bay Sabiha Gokcen ở thủ đô Istanbul hồi tháng 12 năm ngoái.
Trong khi đó, IS từng rất nhanh chóng tuyên bố nhận trách nhiệm tổ chức các vụ tấn công ở Brussels (Bỉ) trước đây, nhưng lại giữ im lặng hoàn toàn trong các vụ khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.