Tinh hoa Việt

Ai không nên ăn quả hồng?

HẠNH AN 26/11/2023 12:09

Quả hồng là một loại quả ngon, khá phổ biến ở nhiều nơi. Hiện cũng đang mùa thu hoạch hồng. Theo Đông y, quả hồng có nhiều dưỡng chất bổ dưỡng cho sức khỏe.

bai-chinh-2.jpg
Quả hồng.

Ngoài cung cấp giá trị năng lượng như nhiều trái cây khác thì loại quả này có khá nhiều khoáng chất như mangan, kali, kẽm, đồng và vitamin C, axit amin... Tuy nhiên, một số người không nên ăn nhiều loại quả này.

Ngày 30/10, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, các bác sĩ tại đây vừa tiếp nhận bệnh nhân G.T.V.A. (23 tuổi, trú tại Hoa Lư, Ninh Bình) vào viện với tình trạng đau chướng bụng, buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện.

Trước đó, bệnh nhân ăn quả hồng ngâm, có biểu hiện đau bụng âm ỉ thượng vị, đến ngày thứ 10, đau bụng dữ dội từng cơn và đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình. Người bệnh được làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết và chẩn đoán tắc ruột do bã thức ăn tại ruột non, dạ dày.

V.A. được chỉ định phẫu thuật mở bụng làm tan bã thức ăn ở ruột non đẩy xuống đại tràng kết hợp lấy bã tại dạ dày. Sau phẫu thuật 7 ngày, bệnh nhân hồi phục ổn định, vết mổ liền khô, ít đau, tự đi lại, ăn uống được.

Theo các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, người bị tắc ruột do bã thức ăn cần phẫu thuật cấp cứu, chậm trễ có nguy cơ vỡ ruột, nhiễm trùng ổ bụng, rối loạn điện giải, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong. Khi có các triệu chứng đau, chướng bụng bất thường tuyệt đối không nên chủ quan, tự ý mua thuốc uống mà hãy đến cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán chính xác và có hướng can thiệp kịp thời.

Để phòng ngừa bị tắc ruột do ăn quả hồng, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn quá nhiều hồng, đặc biệt không ăn quả hồng lúc đói hoặc ăn chung với thực phẩm có nhiều chất đạm. Tránh nuốt trực tiếp các thức ăn cứng, dai vì có thể tạo thành nhân cho các thực phẩm khác kết dính vào.

Ngoài ra, người già và trẻ em nếu ăn quá nhiều hồng khi đói sẽ dễ bị tổn thương dạ dày vì chức năng tiêu hóa yếu. Bên cạnh đó, cần có một số lưu ý khi ăn quả hồng:

Không ăn hồng sau khi ăn trứng: Ăn hồng ngay sau khi ăn trứng là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và viêm ruột cấp tính, có thể dẫn tới nôn mửa.

Không ăn hồng khi ăn canh cua: Hồng và canh cua không nên ăn cùng nhau, vì chất tannin và các thành phần khác trong quả hồng có thể làm cho protein trong thịt cua rắn lại, chất rắn đó lâu dần sẽ lưu lại trong ruột rồi lên men và thối rữa, có thể gây buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Nặng hơn nữa, những chất đó còn có thể kết thành sỏi rất nguy hiểm đối với sức khỏe.

Không ăn hồng cùng khoai lang: Khoai lang chứa nhiều tinh bột, sau khi trong dạ dày sẽ sản sinh ra một lượng lớn axit dạ dày, nếu lại ăn thêm một vài quả hồng, sẽ kết tủa, hình thành sỏi không hòa tan. Chúng vừa khó tiêu hóa, lại không dễ đào thải ra ngoài, dễ bị tạo thành sỏi trong dạ dày.

Không ăn hồng cùng thịt ngỗng: Đây là sự kết hợp rất nguy hiểm, bạn cần tuyệt đối tránh. Thịt ngỗng giàu chất đạm, protein chất lượng cao. Protein khi gặp tanin trong quả hồng, dễ ngưng tụ thành protein acid tannic, tích tụ trong dạ dày, trường hợp nặng có thể gây tử vong.

Không ăn hồng khi uống rượu: Hồng tính hàn, còn rượu tính nóng có độc. Các loại rượu khi vào dạ dày sẽ kích thích bài tiết đường ruột, tanin trong quả hồng đi vào dạ dày sẽ tạo thành một chất sền sệt, dính nhầy, dễ tạo thành cục máu đông, vừa khó tiêu hóa vừa không thải ra ngoài, lâu dần sẽ gây tắc ruột.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai không nên ăn quả hồng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO