Mấy hôm nay, dư luận bàn rất nhiều về điểm chuẩn xét tuyển vào nhiều trường sư phạm chỉ cần mỗi môn 3 điểm cũng đã đỗ. Lại nhớ nhiều năm trước khi bàn về đổi mới nền giáo dục, các chuyên gia đã tranh cãi xem chọn đâu là khâu đột phá: đổi mới thi cử trước, đổi mới chương trình và sách giáo khoa trước hay chọn đột phá là đổi mới giáo viên (tức là đổi mới các trường sư phạm). Nhưng thực tế thì vẫn chưa thấy đích.
Nghề giáo đã không còn hấp dẫn.
Trừ những trường lớn có đào tạo sư phạm như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP HCM, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Thủ đô… có điểm chuẩn đầu vào cao có thể sánh ngang các trường top 1, top 2, còn lại các trường đại học sư phạm ở địa phương đang tuyển ở mức điểm sàn, có nghĩa là trừ điểm ưu tiên thì có những thí sinh chỉ hơn 3, 4 điểm mỗi môn đã đỗ vào trường sư phạm. Tệ hơn, nhiều trường cao đẳng sư phạm địa phương thậm chí có mức trúng tuyển là 9-10 điểm, đã bao gồm điểm cộng…
Giáo viên giữ vai trò gì trong hệ thống giáo dục và trong việc quyết định chất lượng của ngành giáo dục? Chuyện này bây giờ còn phải bàn nữa thì nực cười (cho dù, bây giờ trong giáo dục người ta đã cho rằng người học là trung tâm chứ không phải người dạy là trung tâm như trước nữa)! Nhưng vẫn phải dẫn ra những lý luận của nhiều chuyên gia trong những ngày qua.
Ví dụ, đây là lời GS.TS Đinh Quang Báo- nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: “Điểm chuẩn các trường sư phạm thấp chỉ bằng điểm sàn của Bộ đó là một thảm hại. Mọi sự thành công của nền giáo dục của một quốc gia phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải giỏi thì chất lượng giáo dục của quốc gia ấy mới tốt được”. Hoặc rất nhiều ý kiến kiểu như: “năng lực của giáo viên kém thì chất lượng đào tạo cũng kém theo, đầu ra kém dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực cũng đi xuống”…
Việc cần bàn bây giờ là lý giải vì sao điểm chuẩn vào các trường sư phạm lại không hấp dẫn như nhiều ngành khác, dù về mặt chính sách, để đãi ngộ, Nhà nước đã có chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), chính sách này đã thu hút được thí sinh giỏi những năm đầu tiên. Nhưng hiện nay, học phí không còn là khó khăn của đa số học sinh nữa nên chính sách miễn học phí không còn phát huy tác dụng. Hơn nữa, theo bà Phụng, sở dĩ ngành sư phạm không hấp dẫn như ngành quân đội, an ninh… là bởi không có bao cấp đầu ra…
Trong những ngày qua, nhiều ý kiến râm ran bàn luận về việc điểm chuẩn ngành sư phạm thấp đã đổ cho lý do: Thu nhập của ngành sư phạm thấp. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây hoàn toàn không phải là lý do chính. Cứ giả sử thầy cô nào đó đang dạy học ở nơi, hoặc môn không dạy thêm được một chút nào thì lương ngành sư phạm với ưu đãi thâm niên và ưu đãi nghề (phụ cấp đứng lớp thấp nhất là 25%, cao nhất lên đến 50% - đối với “nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa”) thì đang là ngành có thu nhập chính thức cao hơn hẳn so với nhiều công chức, viên chức ở các ngành nghề khác. Còn đối với giáo viên ở thành phố, thu nhập không hề kém, đặc biệt có những giáo viên giỏi được học sinh lặn lội tìm đến học thì thu nhập ở mức rất cao… Có nghĩa là, đối với giáo viên công lập (hiện đang hành nghề) thì mức thu nhập không phải là thấp tới mức chẳng ai muốn vào. Thậm chí còn ngược lại, rất nhiều người hiện nay mong trở thành giáo viên trong biên chế của một trường công lập.
Vậy vì sao ngành sư phạm lại không hấp dẫn?
Câu chuyện ở chỗ nhân lực ngành sư phạm đang thừa. Để vào được (biên chế) của các trường công lập là cả một vấn đề, còn chỗ dạy ở một trường dân lập thì mức lương không cao do thừa nguồn cung.
Như vậy, căn cứ vào thực tế hiện nay, người viết bài này đồng tình với quan điểm: Lý do để điểm giỏi không chọn ngành sư phạm có nguyên nhân chính là vì ra trường khó xin việc làm. Khi mà đối với nhiều sinh viên giỏi con nhà nghèo, việc “chạy” để có một biên chế ở các trường công lập ở thành phố nghe nói có “mức giá” cao ngất ngưởng (với cơ chế là ngành vẫn hưởng lương bao cấp, nghe nói chẳng có chuyện sinh viên tốt nghiệp giỏi thì được trọng vọng mời vào). Còn trường dân lập thì như đã nói ở trên, nguồn cung dồi dào nên mức lương không hấp dẫn.
Trở lại câu chuyện đổi mới giáo dục, kể cả Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (làm lại chương trình và sách giáo khoa), rồi cải tiến thi cử cũng đều là đang trong lộ trình “đổi mới toàn diện và căn bản”. Nhưng với những gì đang diễn ra thì quan điểm đúng đắn được đưa ra trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI dường như chưa thực sự được cụ thể hóa đầy đủ trong hành động. Rõ ràng, bất cập đã bộc lộ từ khâu thi cử đến việc chuẩn bị lực lượng giáo viên làm nòng cốt cho đổi mới giáo dục. Đổi mới chương trình và sách giáo khoa liệu có ích gì khi trình độ sinh viên ngành sư phạm (tức là giáo viên trong tương lai) đang ở mức chuẩn đầu vào thấp? Đổi mới thi cử liệu có thể coi là thành công khi có những học sinh đạt tới trình độ tuyệt đối về kiến thức (3 điểm 10 mỗi môn) vẫn trượt đại học?
Có nghĩa là vẫn còn tình trạng đổi mới giáo dục chắp vá khi chưa có qui hoạnh hợp lý cho các trường sư phạm để điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh nhằm hạn chế dư thừa nhân lực và nâng chất lượng đầu vào. Chỉ cần đào tạo nhân lực ngành sư phạm đáp ứng đúng nhu cầu, có thể chấm dứt được cả nạn “chạy” vào biên chế giáo viên ở các trường công lập.
Thực tế cải cách giáo dục qua nhiều lần cho thấy nếu còn tiếp tục đổi mới chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ, mà chỉ tính chuyện làm mới chương trình và sách giáo khoa và thay đổi phương thức thi cử, thì đổi mới cách ấy còn xa mới có tính căn bản và toàn diện.
Thực tế cho thấy, lý do để người giỏi không chọn ngành sư phạm nguyên nhân chính là vì ra trường khó xin việc làm. Khi mà đối với nhiều sinh viên giỏi con nhà nghèo, việc “chạy” để có một biên chế ở các trường công lập ở thành phố nghe nói có “mức giá” cao ngất ngưởng (với cơ chế là ngành vẫn hưởng lương bao cấp, nghe nói chẳng có chuyện sinh viên tốt nghiệp giỏi thì được trọng vọng mời vào). Còn trường dân lập thì nguồn cung dồi dào nên mức lương không hấp dẫn. |