Nhiều khu nhà tái định cư chỉ có vài hộ dân đến ở, thậm chí có những khu nhà xây xong nhiều năm trời không có một ai đến định cư khiến chủ đầu tư phải đề xuất phá bỏ… Thực tế này đã và đang gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước. Và nghịch lý ở chỗ, vẫn còn nhiều người dân trong cảnh bơ vơ vì không có nhà để ở.
Chung cư N6, khu tái định cư Đồng Tàu, Hoàng Mai (Hà Nội).
Tồn tại nhiều bất cập
Chất lượng của các dự án nhà tái định cư chưa khi nào làm yên lòng người dân. Đó là chia sẻ của nhiều hộ dân khi được hỏi về cuộc sống sau khi được đền bù, chuyển đến nơi ở mới là những khu nhà tái định cư mà Nhà nước xây dựng. Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết, chị Nguyễn Thanh Mai - một người dân ở khu tái định cư Trung Hòa – Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thực tình gia đình bà chỉ thích ở nhà đất, không thích lên nhà cao tầng, nhưng vì nhà bà ở trước đây trong diện quy hoạch nên được đền bù và phải chuyển đến ở khu nhà tái định cư – nơi bà và gia đình đang sinh sống. Và thực tế đúng như những gì bà Mai suy nghĩ, chất lượng kém và đặc biệt, tòa nhà thiếu hệ thống cứu hỏa, khiến cho bà và nhiều cư dân ở đây luôn thấp thỏm lo âu.
“Xe thì để hàng nghìn chiếc dưới hầm. Nói dại xảy ra cháy nổ thì chạy sao thoát” – bà Mai chia sẻ.
Các hộ dân ở khu tái định cư này cũng cho biết, các sân chơi, vỉa hè xung quanh bị tận dụng lấn chiếm mở hàng nước, quán ăn, rác xả bừa bãi… gây mất mỹ quan, lộn xộn, nhếch nhác. Không chỉ thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu, bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích…nhiều khu nhà tái định cư còn bị xuống cấp nghiêm trọng khi vừa xây xong.
Khu tái định cư Đồng Tàu, Đền Lừ (quận Hoàng Mai) là một trong những nơi như vậy. Nhiều hộ dân ở đây cho biết, vừa dọn đến ở, tường nhà đã bong tróc sơn, vữa trần rơi tứ tung, nền nhà sụt lún…Chưa hết, hệ thống đường nước vệ sinh cũng kém chất lượng, dẫn đến nước chảy lênh láng ra ngoài, bốc mùi khó chịu, ô nhiễm môi trường…Đó là còn chưa kể, nhiều dự án nhà ở còn chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê mặt bằng kinh doanh và đưa cả đối tượng không thuộc diện tái định cư vào ở.
Đã từ lâu, cụm từ “nhà tái định cư” trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với người dân thuộc diện tái định cư. Từ đó dẫn đến thực trạng nhiều người dân không dám đến nhận nhà khi dự án hoàn thành. Bởi vậy mới có trường hợp khu nhà tái định cư xây xong cả chục năm mà bỏ hoang không có một ai đến ở. Đó là trường hợp ở khu đô thị mới Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) do Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) làm chủ đầu tư. Được xây dựng từ năm 2001 và hoàn thành vào năm 2006, thế nhưng 10 năm qua, khu tái định cư này tuyệt nhiên không có một hộ dân nào đến sinh sống. Và rốt cuộc, chủ đầu tư của khu nhà này là Hanco3 hồi đầu năm 2018 đã phải đưa ra đề xuất “bất đắc dĩ” là đập bỏ 3 tòa nhà tái định cư ở đây.
Hay như khu tái định cư ở phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đang trong tình trạng “vườn không nhà trống” khi xây xong và hoàn thiện đã hơn 3 năm qua mà vẫn không ai đến ở. Tình trạng bỏ không căn hộ tái định cư thực sự đã trở thành vấn đề nhức nhối cho xã hội, bởi trong khi nguồn ngân sách của Nhà nước đang bị đổ xuống sông xuống bể, thì một số không ít người dân đang lâm cảnh “màn trời chiếu đất”.
Tình trạng sụt lún ở tòa nhà N6 khu tái định cư Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Có nên tiếp tục triển khai?
Đem nghịch lý này tham khảo ý kiến các chuyên gia trong ngành bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng: Nguyên nhân của tình trạng người dân không mặn mà với nhà tái định cư nằm ở chỗ, chủ trương của nhà quản lý có thể tốt nhưng lại thiếu tính thực tiễn, khu tái định cư được đặt ở nơi không thuận lợi cho đời sống dân sinh…Bên cạnh đó, chất lượng quá kém cũng là nguyên nhân khiến người dân hoảng hốt khi nghe nhắc đến các dự án tái định cư.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng nhận định, chúng ta xây nhà cho người dân nhưng chưa quan tâm đến các vấn đề sinh kế khác thì sẽ rất khó để người dân đến ở. “Chủ trương thì tốt nhưng nếu thiếu tính thực tiễn thì sẽ không hiệu quả, trong khi đó, chất lượng xây dựng lại thấp, các dịch vụ về giao thông, điện, nước, cơ sở giáo dục...cũng thiếu đồng bộ, không có kết nối nên thực sự các dự án tái định cư chưa thu hút được người dân” – TS Liêm nhận định.
Cùng chung quan điểm, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho hay, người dân kiếm sống, mưu sinh với mục đích lớn nhất là có một chỗ ở ổn định, thế nhưng chất lượng các khu nhà tái định cư quá kém, có nơi chỉ sau 2 năm hoàn thiện đã xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn của người ở thì làm sao có thể thu hút được người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, đừng hỏi tại sao người dân chê các dự án tái định cư mà các nhà làm chính sách cần xem lại những giải pháp đưa ra đã hợp lý chưa, đã tạo thuận lợi cho người dân và đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của người dân hay chưa. “Xây nhà tái định cư ở một nơi nhưng trường, chợ… lại ở cách xa hàng chục cây số thì quá bằng đánh đố người dân. Do đó chủ trương rất cần phải đi đôi với thực tiễn” – TS Liêm nêu quan điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng, những dự án nhà tái định cư đã và đang bộc lộ hàng loạt bất cập, thiếu tính hiệu quả…gây ra lãng phí lớn nguồn lực xã hội. Chính bởi vậy, nên dừng việc triển khai các dự án tái định cư. Thay vào đó, nên xem xét phương án đền bù cho các hộ dân bị lấy đất theo giá thị trường và người dân có thể sử dụng khoản tiền đề bù đó mua nhà theo nhu cầu, sở thích của mình. Như vậy vừa thuận lợi cho dân mà vừa tạo được cơ hội thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
* 372 là con số hộ gia đình được Sở Xây dựng Hà Nội công bố thuộc diện mua nhà tái định cư nhưng chưa đến nhận nhà. Trong khi đó, 3 toà nhà tái định cư tại Sài Đồng (Long Biên) xây dựng xong hơn 10 năm nhưng không có hộ dân nào đến ở khiến cho một DN phải lên tiếng đề xuất phá bỏ.