Ám ảnh doping

THANH HÀ 08/10/2022 22:01

Thông tin 6 vận động viên (VĐV) Việt Nam tham dự SEA Games 31 dương tính ở kết quả xét nghiệm lần đầu với chất cấm không chỉ chấn động ngành thể thao mà nó còn gây ám ảnh với tất cả các VĐV.

Ảnh minh họa.

Rúng động

Ngay trước thềm SEA Games 31, thông điệp “Say no to doping - Nói không với chất cấm” và “Play true - Thi đấu trung thực” đã được Tiểu ban Y tế và kiểm tra doping của Đại hội phát đi với mong muốn nâng cao nhận thức của các VĐV, HLV về phòng chống doping. Thế nhưng, sau SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam đang có ít nhất 6 tuyển thủ thể thao được cho là đã cho kết quả ban đầu dính doping. Đến nay, danh tính của 6 VĐV này vẫn chưa được công bố. Hiện, cũng chưa có kết luận cuối cùng từ WADA về việc 6 VĐV Việt Nam dính doping. Nếu dính, VĐV sẽ đối mặt nhiều hình phạt, từ tước huy chương, phạt tiền, cấm thi đấu trong thời gian nhất định.

Trước thông tin VĐV dính doping, ông Trần Đức Phấn - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 nhấn mạnh, nếu cá nhân nào bị xác định sử dụng chất cấm để mưu cầu thành tích, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ áp dụng các chế tài nghiêm khắc theo quy định. Rõ ràng, đây là một sự việc vô cùng đáng tiếc với thể thao Việt Nam trong năm 2022.

Doping luôn là vấn nạn, là cơn ác mộng của mỗi nền thể thao. Trước SEA Games 31, hàng loạt VĐV môn thể hình đã bị loại khỏi đội tuyển vì sử dụng chất cấm. Hiện tại các VĐV này cũng đang chờ án phạt từ Liên đoàn Thể hình và Cử tạ Việt Nam. Tuy nhiên, vụ việc có ít nhất 6 VĐV từng thi đấu ở SEA Games 31 có kết quả dương tính với chất cấm (mẫu A) làm rúng động làng thể thao Việt Nam, bởi ngoài chuyện các VĐV bị tước thành tích, còn ảnh hưởng lớn tới hình ảnh, uy tín của nước chủ nhà. Hiện tại, Tổng cục Thể dục Thể thao đang chờ thông báo chính thức từ Tổ chức Phòng chống doping thế giới (WADA).

Trước mắt, Tổng cục Thể dục Thể thao có báo cáo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vụ việc. Trong khi đó, Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping của SEA Games 31 cũng sẽ có văn bản gửi đến cơ quan phòng chống doping quốc tế WADA. Sau khi có các thông báo kết quả chính thức thì dự kiến phía Việt Nam sẽ công bố danh tính người có mẫu thử dương tính với doping tại SEA Games 31 vừa qua.

Do chưa công bố danh tính vì còn phải chờ mẫu xét nghiệm lần 2, nên Tổng cục Thể dục Thể thao không có bất cứ thông tin chính thức nào về các VĐV nghi dính doping. Tuy nhiên, một lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao khẳng định nếu các VĐV có kết quả dương tính với chất cấm, ngoài việc bị tước thành tích, còn bị cấm có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Ở sân chơi quốc tế, WADA cũng có những án phạt cấm thi đấu theo các thời gian cụ thể.

Trước thông tin VĐV dính doping, ông Trần Đức Phấn - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 nhấn mạnh, nếu cá nhân nào bị xác định sử dụng chất cấm để mưu cầu thành tích, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ áp dụng các chế tài nghiêm khắc theo quy định. Rõ ràng, đây là một sự việc vô cùng đáng tiếc với thể thao Việt Nam trong năm 2022.

Quyết liệt khắc phục

Đã là VĐV thể thao thì hầu hết phải sử dụng qua những loại thuốc bổ trợ, đấy là những loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nhằm kích thích khả năng của cơ thể hòng đạt thành tích tốt nhất. Tuy nhiên, những loại thuốc này phải không được nằm trong danh mục cấm sử dụng của các tổ chức thể thao quốc tế, bao gồm cả ủy ban Olympic thế giới.

Hiện có khoảng 190 chất bị cấm nằm trong danh mục doping bao gồm: chất kích thích, thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc tăng đồng hóa, thuốc lợi tiểu, các hormone peptide và đồng đẳng… trong danh mục cấm của Cơ quan chống doping thế giới (WADA). Cũng do tất cả VĐV thể thao đỉnh cao đều cần phải sử dụng thuốc và thực phẩm bổ trợ, nên hàng năm WADA phải liên tục cập nhật các chất nằm trong danh mục cấm. Đồng thời tổ chức này cũng nâng thời điểm tái xét nghiệm mẫu thử của các VĐV lên đến 10 năm, thậm chí còn có thêm các ngoại lệ để trừng phạt nếu phát hiện các VĐV ấy không hợp tác hoặc sử dụng các chất cấm trong thời gian quá dài.

Nếu như các giải đấu và những kỳ đại hội thể thao lớn của thế giới đều làm rất gắt việc kiểm tra doping, khiến tuyển thủ các nước luôn đề phòng, nhưng thực tế họ vẫn dính phải chất cấm và điều đó chẳng có gì có thể giải thích ngoài áp lực thành tích. Những án phạt nặng, những tấm gương đã nhận án phạt và mức độ kiểm tra gắt gao là điều mà các VĐV đỉnh cao đều đã biết, đã hiểu và phải chủ động trong phòng tránh.

Thế nhưng, thực tế ngành thể thao vẫn còn gặp quá nhiều khó khăn nên các giải đấu trong nước hầu như không có xét nghiệm doping, chỉ duy nhất Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc tổ chức 4 năm/lần là có xét nghiệm chất cấm, nhưng vẫn rất hạn chế. Ngoài ra, VFF là đơn vị duy nhất có xét nghiệm doping cho cầu thủ dự giải bóng đá chuyên nghiệp, nhưng việc xét nghiệm chủ yếu là xem các cầu thủ có sử dụng chất gây nghiện hay không và số lượng xét nghiệm cũng không nhiều.

Doping là chất kích thích thường được sử dụng khi tham gia thi đấu thể thao, có tác dụng đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, tăng thể lực, sự tập trung cho VĐV. Hầu hết số trường hợp sử dụng đều đến từ những nền thể thao ít chuyên nghiệp, nơi có sự quản lý lỏng lẻo, ý thức VĐV về sự nghiệp không tốt hoặc cũng có trường hợp sử dụng thực phẩm chức năng chưa được kiểm tra kỹ, trôi nổi. Theo quy định, trước và trong thời gian đấu giải, VĐV phải tuân thủ quy tắc dùng thuốc của đội ngũ y tế. Ốm đau, sử dụng thuốc gì hay uống thuốc bổ nào đều phải qua bộ phận chuyên trách đánh giá. Nhưng ở Việt Nam, nhiều người có thói quen tự mua kháng sinh về sử dụng khi nhức đầu, sổ mũi...

Ở Việt Nam, công tác phòng, chống doping vẫn là một cuộc chiến rất gian nan, phức tạp. Trước mỗi kỳ đại hội, đoàn thể thao Việt Nam đều lựa chọn một số lượng VĐV nhất định để kiểm tra doping mà không phải là tất cả.

Vì nước ta chưa có phòng xét nghiệm doping và chi phí cho một mẫu kiểm tra khoảng, việc gửi xét nghiệm một mẫu thử doping tại nước ngoài tốn ít nhất 300USD; nếu Việt Nam có phòng xét nghiệm đạt chuẩn thì chi phí chỉ còn 100USD/ mẫu. Do thiếu kinh phí nên tất cả các môn thi đấu ở cấp độ quốc gia cũng không thực hiện được khâu kiểm tra doping. Việc này có thể tạo điều kiện để người trong cuộc cố tình sử dụng doping hoặc không giữ gìn thực hiện chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc chữa bệnh dẫn đến gián tiếp dương tính chất cấm. Công tác phòng - chống doping liên tục được Tổng cục Thể dục Thể thao đẩy mạnh tuyên truyền.

Tuy nhiên, nguy cơ dính doping hiện diện trong các loại thực phẩm chức năng bổ sung, hiện đang được rao bán tràn lan vẫn tiềm tàng nếu các VĐV thản nhiên sử dụng mà không tìm hiểu kỹ thông tin. Ngoài công tác tuyên truyền, việc phát hiện doping tại Việt Nam gần như bất khả thi bởi khâu trang thiết bị, kinh phí cho việc xét nghiệm vẫn chưa được ngành đầu tư đúng tầm.

Tại Việt Nam, Trung tâm Doping và y học thể thao được Tổng cục Thể dục Thể thao thành lập hơn 10 năm qua nhưng đến nay, mọi mẫu thử đều phải gửi sang Bangkok (Thái Lan) để làm kết quả xét nghiệm. Dù đã nỗ lực trong nhiều năm qua nhưng ngành Thể thao vẫn chưa giải được bài toán kiểm tra, xử lý việc sử dụng doping tại các giải đấu trong nước.

Vì thế, vừa qua, thông tin ngành Thể thao có phương án kiểm tra doping tại các giải vô địch và giải trẻ quốc gia kể từ năm 2021 theo các phương thức ngẫu nhiên, đột xuất... được xem là dấu mốc quan trọng trong việc lấp khoảng trống về phòng, chống doping.

Đằng sau mỗi kỳ tích, mỗi tấm huy chương, ngoài sự nỗ lực, tài năng của VĐV còn là sự đầu tư về tiền bạc và tâm huyết của thể thao nước nhà, nên rất cần một giải pháp mang tính bước ngoặt trong phòng, chống doping, vốn bị xem là điểm yếu nhiều năm qua. Việc VĐV bị dương tính với doping không chỉ là câu chuyện của riêng thể thao. Đó là câu chuyện liên quan đến uy tín, danh dự của đất nước. Vì thế thể thao Việt Nam không thể chần chừ mà phải hành động ngay, phải tuyên chiến với doping.

Thể thao phải sạch, phải phát triển bền vững chứ không thể tì vết vì những án phạt doping. Và để giảm thiểu tối đa trường hợp sử dụng chất cấm và tiến tới xóa sạch "bóng ma" doping, thể thao nước nhà cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, tuyên truyền và quy trách nhiệm rõ ràng khi có trường hợp sử dụng chất cấm bị phát hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ám ảnh doping

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO