Có đi, có gặp mới hiểu thế nào là “một miếng khi đói bằng một gói khi no” và càng thấy trọn vẹn ý nghĩa của chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”, từ một sáng kiến nhỏ nhưng đã đem lại biết bao ấm áp trong gian khó.
1. “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” là một chương trình thiện nguyện của Báo Đại Đoàn Kết vừa được nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết kêu gọi và phát động vào ngày 6/9. Để khởi động chương trình này, kể từ ngày 4/9, Báo Đại Đoàn Kết đã phối hợp với Bếp ăn 0 đồng của chị Nguyễn Hoài Sương trao 1.000/ 10.000 suất cơm đầu tiên cho người nghèo.
Trước hết, ý tưởng “10.000 suất cơm cho người nghèo” được bắt nguồn từ sự chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến với mong muốn Báo Đại Đoàn Kết- Cơ quan Trung ương của MTTQ Việt Nam sẽ tiếp sức cho các nhóm thiện nguyện, hỗ trợ 10.000 suất cơm cho khoảng 3.000 người nghèo, người yếu thế, người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ đó góp phần chung tay với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đảm bảo an sinh cho người dân, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, khó khăn mà không được trợ giúp.
Việc làm ấy của Báo Đại Đoàn Kết cũng chính là hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, kêu gọi toàn dân chung sức, đồng lòng chống dịch Covid-19.
“Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” cũng là một hành động rất cụ thể để Báo Đại Đoàn Kết hưởng ứng sự lan toả từ Chương trình “Triệu phần quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19” mà UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vừa phát động.
Mỗi chúng ta đều đang sống trong mùa dịch với những tâm thế khác nhau nhưng có đi, có gặp mới hiểu thế nào là “một miếng khi đói bằng một gói khi no” và càng thấy trọn vẹn ý nghĩa của chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”, từ một sáng kiến nhỏ đã đem lại biết bao ấm áp trong gian khó.
2. Đoàn chúng tôi đã đi qua rất nhiều con đường của Hà Nội. Từ “vùng xanh” cho đến “vùng đỏ” và thấy một “Hà Nội khác”. Không phải Hà Nội với những tòa nhà cao vút, những con đường thênh thang rực rỡ ánh đèn. Một “Hà Nội khác” với những bàn tay bé xíu của em nhỏ bên vỉa hè Trần Bình Trọng khi nhận lấy phần quà, cùng ánh mắt như muốn diễn tả bao niềm vui của một người phụ nữ vừa câm vừa điếc lang thang ở chợ Long Biên. Và cả trong tiếng thở khó nhọc những muốn nói lời cảm ơn của một người đàn ông vô gia cư mắc bệnh hiểm nghèo sống ở gầm cầu Cát Linh...
Cuộc sống vốn đã trở nên quá khó khăn với họ khi phải làm đủ nghề để kiếm kế sinh nhai nhưng dịch bệnh ập đến, giãn cách xã hội đã “khóa chặt” họ trên những vỉa hè đường phố, không việc, không chỗ ở, và đói...
Hà Nội đã ôm vào lòng những niềm xót xa như thế, nhưng không phải ai cũng nhận ra hoặc vì cuộc sống đã kéo chúng ta đi quá xa trong bộn bề công việc để khi bất chợt đối diện, mới thấy rằng, còn được bình an trong ngôi nhà của mình, còn có cơm ăn mỗi ngày đã là một niềm hạnh phúc.
Chúng tôi gặp hai mẹ con chị Trần Thị Tỏ bên vỉa hè phố Trần Bình Trọng (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Một tay dắt cô con gái 4 tuổi, một tay đỡ lấy chiếc bụng bầu kềnh càng ở tháng thứ 8, chị Tỏ bảo, hằng ngày cứ đến giờ này lại ra đây để chờ tổ thiện nguyện phát cơm, vì nếu không sẽ chẳng có gì để ăn. Chồng chị Tỏ làm xe ôm giờ chôn chân một chỗ, còn chị Tỏ làm nghề rửa bát thuê, giờ cũng chẳng có chỗ nào mà chạy việc. Nhà có 3 miệng ăn, không có đồng ra đồng vào “đói lắm chị ạ”, chị Tỏ rụt rè nói.
Trong câu chuyện vội vã, tôi hỏi, “sao nhà 3 người mà chỉ lấy 2 suất”. Cô gái miền Tây lại rụt rè bảo “em và con ăn hai phần cơm rồi, lấy thêm nữa người khác không có phần. Chồng em ăn mì tôm cũng được chị ạ”, chị Tỏ nói.
Chẳng ai nói được gì, tôi chỉ biết dúi vào tay bà mẹ trẻ thêm một phần cơm nữa. Trước khi đoàn lên xe để đến một con phố khác, tôi thấy chị Tỏ ngập ngừng đến bên và nói rằng, dự kiến 20/10 là tới ngày sinh nhưng giãn cách xã hội chẳng có cửa hàng bán quần áo sơ sinh nào mở cửa, mà có mở cũng không có tiền để mua quần áo cho đứa trẻ sắp chào đời.
“Các anh chị xem ai có quần áo sơ sinh không dùng đến nữa giúp mẹ con em với”, chị Tỏ nói và nhìn chúng tôi bằng tất cả sự hy vọng, chúng tôi nhận niềm tin của bà mẹ trẻ bằng một lời hẹn “sẽ quay trở lại”.
Trên những vỉa hè, góc phố, đến cả những ngóc ngách ở thành phố này, đã có bao nhiêu lời hẹn như thế trong thời điểm này? Vì nếu không quay trở lại, những người như chị Tỏ, biết lấy gì để ăn cho có sức nuôi con trong bụng, biết lấy gì cho con mặc khi nó được sinh ra?
3. Không phải lần đầu làm thiện nguyện, nhưng những cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết bắt đầu hành trình chia sẻ “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” lần này với một tâm thế mới. Như nhà báo Lê Anh Đạt đã chia sẻ, ở ngoài kia, nơi ác liệt nhất của cuộc chiến, các chiến sĩ, cán bộ y tế và các lực lượng chống dịch đang phải hy sinh quá nhiều, thậm chí dùng cả mạng sống bảo vệ bình yên của chúng ta. Nếu có chút dư, hãy sẻ chia trong lúc này.
Sự sẻ chia, cho đi chính là của để dành gửi vào cuộc đời này, phòng khi gặp gian khó, nguy nan. Đưa cánh của tay mình ra với người khốn khó để khi rơi vào cảnh khốn cùng sẽ có nhiều cánh tay đưa ra với mình. Mỗi người, mỗi nhà chẳng thể bình an nếu cộng đồng gặp nguy hiểm. Chúng ta phải cùng nhau, không ai ở ngoài cuộc chiến cam go này.
Hành trình đến với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19 là hành trình thiện nguyện, hành trình thương yêu và trách nhiệm. Hành trình ấy cũng là hành trình lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, tiếp sức để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Quyền Tổng biên tập Lê Anh Đạt khẳng định, chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” sẽ liên tục kêu gọi, huy động nguồn lực từ các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để cùng chính quyền các địa phương, các tổ, nhóm tình nguyện chăm lo cho người nghèo trên cả nước, cho đến khi nước ta khống chế được dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường.
Ngoài câu chuyện nhường cơm sẻ áo, Báo Đại Đoàn Kết mong muốn qua chương trình sẽ khơi dậy, lan tỏa những giá trị của người Việt Nam, đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, thương yêu, hy sinh vì nhau mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
Sau lễ phát động, nguồn kinh phí gửi về chương trình mỗi ngày lại nhiều hơn. Ban tổ chức chương trình đã nhận được sự ủng hộ tiền, hiện vật, thực phẩm, ước khoảng 50.000 suất cơm trị giá gần 1 tỷ đồng, vượt xa con số dự tính ban đầu là 10.000 suất cơm. Hiện chương trình đang lan tỏa mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đăng ký đồng hành và con số ủng hộ sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Sức sống của chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” đã không chỉ gói gọn trong khuôn khổ của một tờ báo mà đang chạm đến trái tim của rất nhiều người.
Từ trái tim đến trái tim. Đó cũng là hành trình của chúng tôi - những người làm Báo Đại Đoàn Kết đang đi tới…
Mọi sự ủng hộ xin gửi về: Tòa soạn Báo Đại Đoàn Kết (66 Bà Triệu, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Đường dây nóng tiếp nhận hiện vật: 0988185528.
Tài khoản tiếp nhận: 112000132970, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam- Chi nhánh TP Hà Nội. Chủ tài khoản: Báo Đại Đoàn Kết.
Danh sách tổ chức, cá nhân ủng hộ sẽ được công khai trên Báo Đại Đoàn Kết. Chúng tôi cam kết sử dụng kịp thời, đúng mục đích, công khai, minh bạch các nguồn lực đã kêu gọi ủng hộ từ quý đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.