Không thể phủ nhận sự bùng nổ của thị trường âm nhạc thời gian gần đây, nhất là những sáng tác của giới trẻ, những liveshow đình đám cùng sự phát triển vượt bậc của công nghệ.
Tuy nhiên, đi tìm những sáng tác hay, mang tầm thời đại vẫn là bài toán chưa có lời giải. Mới đây, tại hội thảo “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước” những sáng tác xứng tầm mang tính đỉnh cao lại được tiếp tục đưa ra bàn luận.
Khuấy động thị trường
Nếu năm 2022 đánh dấu sự bùng nổ của thị trường nhạc Việt khi các dự án, sản phẩm dồn nén suốt 2 năm dịch bệnh có dịp “bung”, thì 9 tháng của năm 2023 không thể bỏ qua những liveshow của các nghệ sĩ tên tuổi như: Trần Tiến, Thanh Nhàn, Hà Anh Tuấn...; lễ hội âm nhạc lớn Monsoon Music Festival; sự kiện Indieshow Những thành phố mơ màng... đã khuấy động thị trường âm nhạc Việt.
Mới đây Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa (Monsoon Music Festival) 2023 diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 14 - 22/10) đã đem âm nhạc tới mọi góc phố Hà Nội với nhiều không gian khác nhau, đáp ứng tối đa nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Lễ hội thu hút sự tham gia của 40 nghệ sĩ và ban nhạc từ trong nước và quốc tế…
Sự trở lại của Monsoon Music Festival tiếp tục khẳng định đây là một trong những lễ hội âm nhạc uy tín, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam ngày một chuyên nghiệp hơn, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội giao lưu, trao đổi và hợp tác cùng các nghệ sĩ quốc tế.
Sau thành công từ những mùa nhạc hội trước, sự kiện âm nhạc Indieshow Những thành phố mơ màng sẽ tiếp tục trở lại cùng khán giả với show “Những thành phố mơ màng year end 2023” sẽ diễn ra vào tháng 12 tới. Với sứ mệnh "tạo dựng, lan tỏa, truyền cảm hứng về âm nhạc indie và underground đến thế hệ trẻ", sự kiện đã rất thành công trong những năm gần đây, trở thành một địa chỉ âm nhạc được cả khán giả và nghệ sĩ trẻ hào hứng tham gia. Mỗi show thường kéo dài gần 7 tiếng với khoảng 70 ca khúc đa dạng thể loại như: rock, hiphop, pop, RnB, EDM… tạo nên “bữa tiệc” âm nhạc thịnh soạn dành cho khán giả.
Bên cạnh các show âm nhạc lớn, sự trở lại của hàng loạt cuộc thi, thương hiệu âm nhạc như: The Mask Singer, The Voice, Rap Việt, Vietnam Idol… cũng khiến khán giả trên màn hình nhỏ phấn khích với những tiết mục biểu diễn ấn tượng, những giọng ca, nhân tố mới ở nhiều thể loại nhạc đem đến nhiều màu sắc cho âm nhạc.
Trong đó phải nhắc đến chương trình Vietnam Idol sau 7 năm trở lại với nhiều thay đổi trong hình thức và tiêu chí chấm thi để tìm kiếm chủ nhân xứng đáng nhất cho ngôi vị quán quân. Năm nay, cuộc thi đặt tiêu chí "Tìm kiếm thần tượng âm nhạc Việt Nam thế hệ mới" - hướng đến sự hiện đại, hòa vào dòng chảy âm nhạc thế giới. Với mục tiêu đó, chương trình đã thành công khi tạo bước đà cho các bạn trẻ tự tin hơn trên con đường làm nghệ thuật của mình. Vào tối 21/10, chương trình đã tìm được quán quân là bạn trẻ Hà An Huy.
Còn với Rap Việt, sau 2 mùa thành công, Rap Việt mùa 3 tiếp tục nhận được sự chú ý của khán giả với những thí sinh chất lượng, mang đến nhiều phần thi rap kết hợp yếu tố văn hóa, dân tộc. Cùng với mục tiêu vươn ra thế giới, Rap Việt đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng.
Có thể thấy thị trường nhạc Việt đang rất sôi động với những lễ hội, chương trình âm nhạc chất lượng được đông đảo công chúng đón nhận, hứa hẹn đây sẽ là sản phẩm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.
Tận dụng công nghệ số
Cùng với đó, thị trường âm nhạc đã đón nhận sự xuất hiện của những nền tảng mạng xã hội ảnh hưởng đến sự tiếp cận âm nhạc. Công nghệ livestream đã và đang ngày càng có tác động lớn đến thị trường nhạc Việt.
Có thể thấy, những nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ như: Hoàng Dũng, Mono, Grey D, Tăng Duy Tân, Wren Evans, Min, Amee, Mỹ Anh, Chillies, The Cattsett, Ngọt Band… tiếp tục tạo chỗ đứng với lượng khán giả đông đảo khi họ tận dụng nhiều hơn tiềm năng của công nghệ số để trò chuyện, tương tác với người hâm mộ.
Hay nền tảng mạng xã hội TikTok đã tạo ra rất nhiều trend (xu hướng) từ những bản nhạc Việt, sau đó lan truyền và nổi tiếng ở nhiều quốc gia, được nhiều người thực hiện theo, chẳng hạn như ca khúc “See tình” của Hoàng Thùy Linh, “Hai phút hơn” của Pháo...
Có thể thấy thời công nghệ số hiện nay cho phép người nghệ sĩ có thêm điều kiện để kết nối với khán giả ngay cả khi họ không đứng trên sân khấu. Ngoài ra công nghệ còn giúp sản phẩm âm nhạc của họ được chia rẻ rộng rãi, tiếp cận với nhiều người ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên nghệ sĩ cũng có thể bị ảnh hưởng khi trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày một phát triển, vì vậy nếu không xây dựng được cá tính riêng thì rất dễ sẽ bị thời gian quên lãng.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng, âm nhạc trong thời đại bùng nổ công nghệ, mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo, bên cạnh những lợi ích to lớn mà nó mang lại, lại tiềm ẩn những thách thức không hề nhỏ cho những người sáng tạo, vì ai cũng có thể dễ dàng trở thành "nghệ sĩ", nhờ công nghệ vây quanh. Và như vậy, sự độc đáo, cá tính và không đụng hàng, không xuất phát từ ChatGPT sẽ có giá trị. Vì ai cũng lệ thuộc vào AI cả, người nào "phi AI" sẽ trở nên độc đáo.
Vậy nên, để thực sự khẳng định được tài năng và được nhiều người đón nhận thì các ca, nhạc sĩ luôn cần vận dụng đến tài năng để tạo ra những sản phẩm âm nhạc mới, chất lượng. Đáng mừng là chúng ta đã thấy nhiều nghệ sĩ trẻ đang có những hướng đi quay trở lại với dòng âm nhạc truyền thống và kết hợp với nhạc hiện đại như các ca sĩ: Hà Myo, Hoàng Thùy Linh, Lê Cát Trọng Lý, Phương Mỹ Chi...
Theo bà Lê Thị Minh Chi - Tập đoàn Âm nhạc Staté (Vương quốc Anh), các ca sĩ trẻ hiện nay đang có xu hướng làm mới dòng nhạc dân gian như: hát xoan, hát xẩm, cải lương… “Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới lạ kết hợp cùng dòng nhạc dân gian với rap, hiphop, EDM… để làm tỏa sáng âm nhạc truyền thống.
Đó cũng là một cách chạm tới trái tim cả thế hệ cũ và mới, các bạn trẻ biết thêm về âm nhạc truyền thống theo cách mới. Tôi nghĩ, nghệ sĩ trẻ đi theo hướng này thực sự có cơ hội rất lớn. Như Lê Cát Trọng Lý, năm qua có dự án “Những ca khúc Việt cổ”, được xem như bước đi rất táo bạo, dũng cảm cho dù nhiều ý kiến khen chê. Nhưng rõ ràng người nghệ sĩ trẻ ấy dám khai phá, tìm tòi, dấn thân. Nghệ sĩ trẻ bây giờ nhiều bạn biết mình là ai, muốn làm gì”, bà Minh Chi chia sẻ.
Trăn trở về những sáng tác đỉnh cao
Dẫu việc tạo ra một hướng đi mới để giữ gìn âm nhạc truyền thống là việc cần thiết và đáng khen của các ca sĩ, tuy nhiên đó chỉ là một phần nhỏ trong “hệ sinh thái” âm nhạc Việt Nam. Bên cạnh những thành quả thì vẫn còn đó những “hạt sạn”.
Thời gian qua, dư luận bày tỏ sự lo lắng khi xuất hiện những sản phẩm âm nhạc, nhiều ca khúc có nội dung phản cảm, dung tục, đi ngược lại các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Có thể kể đến những cái tên như: Bình Gold, Chi Pu…
Các chuyên gia cho rằng, các ca sĩ, nhạc sĩ cần xác định cho mình xu hướng âm nhạc lành mạnh, có tính giáo dục trên cơ sở quá trình tự trau dồi, nỗ lực, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm âm nhạc, uy tín âm nhạc của mình. Bởi những tác phẩm “nhạc rác” sớm muộn cũng sẽ bị đào thải; tên tuổi, sự nghiệp nghệ thuật của người nghệ sĩ chỉ có thể được xây dựng từ những tác phẩm nghệ thuật chân chính, phù hợp với giá trị chân, thiện, mỹ chứ không phải những ca khúc, MV chạy theo thị hiếu tiêu cực dễ dãi.
Từ thực tế đó đặt ra câu hỏi: Nếu chúng ta còn phải lo về nội dung của các MV như trên thì đến khi nào nhạc Việt mới có những tác phẩm đỉnh cao? Khi nào mới có thể tiếp cận đến thị trường thế giới? Nhạc sĩ Quốc Trung từng chia sẻ, nhạc Việt nếu chỉ loanh quanh trong ao làng, sẽ không biết chúng ta đang ở đâu. Người nghệ sĩ cần làm đúng và làm tốt vai trò của mình. Theo nhạc sĩ, trước khi nghĩ đến tất cả những yếu tố như tạo ra nguồn thu, làm việc nhóm hay hoạt động độc lập thì người nghệ sĩ cần phải có sản phẩm âm nhạc hoàn hảo, có cá tính, độc đáo.
Hiện nay, vấn đề của âm nhạc Việt Nam vẫn tiếp tục nằm ở vai trò của nghệ sĩ trong việc sáng tạo nghệ thuật, cần một cách làm độc đáo và đáp ứng được những yêu cầu của đạo đức xã hội. “Làm thế nào để sáng tạo được tác phẩm hay, tác phẩm đỉnh cao?”, đó là trăn trở của các văn nghệ sĩ trong hội thảo “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước” được tổ chức hồi trung tuần tháng 10 vừa qua.
Riêng âm nhạc thì đang rất cần những sáng tác mới xứng tầm, mang hơi thở thời đại để song hành cùng năm tháng và đưa nhạc Việt vươn xa.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Giá trị tốt đẹp của âm nhạc cần được tiếp nối
Trong vòng 20 năm trở lại đây, âm nhạc Việt hiện nay rất ít xuất hiện những bài hát đặc sắc viết về quê hương, đất nước, Tổ quốc - một chủ đề lớn mang tính vĩnh hằng mà bất cứ một nền văn nghệ chân chính nào cũng không thể sao nhãng. Có một số tác giả nổi danh nhưng sáng tác chỉ nghiêng về giãi bày những kỷ niệm, nỗi niềm riêng tư và sự nổi tiếng của họ do được nhiều phương tiện truyền thông thích lăng xê hơn là tài năng thực sự. Bài hát của họ được một bộ phận lớp trẻ ưa thích - chứ không phải là số đông, tất cả. Số công chúng đã qua tuổi trẻ thì không để ý.
Với tình hình này, nền văn hóa âm nhạc của ta có nguy cơ xuống cấp với việc phát triển tự phát loại âm nhạc để phục vụ giải trí, sinh hoạt mà ít có những tác động tư tưởng, tình cảm mạnh mẽ sâu sắc. Dù thế nào chăng nữa, vẫn phải là nghệ thuật với những chuẩn mực thẩm mỹ nhất định chứ không thể dễ dãi, tùy tiện, chưa phải là nghệ thuật đích thực.
Trong quá khứ, chúng ta đã có không ít những bài tình ca hay, đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật đích thực như những tình ca hay, có giá trị nghệ thuật cao, đầy sức thuyết phục của: Phan Huỳnh Điểu với “Bóng cây Kơ nia”, “Tình trong lá thiếp”, “Anh ở đầu sông, em cuối sông”; Hoàng Vân với “Nhớ” (thơ Nguyễn Đình Thi), “Chiếc áo xanh” (thơ Tố Hữu), “Tình ca người thợ mỏ”... Những bài hát vừa giản dị, dễ vào lòng người, lại vừa cao sang, tao nhã. Nó cao sang bởi phô diễn những tình yêu đôi lứa không dễ dãi, ích kỷ mà vị tha, cao thượng, luôn hướng tới sự lớn lao, cao đẹp. Nó tao nhã bởi ý tứ, lời lẽ tế nhị, sâu sắc chứ không thô thiển, phàm tục, xô bồ. Chúng ta đã có những bài nhạc hay như vậy, nối tiếp truyền thống rực rỡ ấy không phải là điều chúng ta không làm được. Vấn đề là những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm và cá nhân các nhạc sĩ, ca sĩ có quyết tâm hay không mà thôi.
PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam: Cần chiến lược đặc biệt cho âm nhạc
Để thúc đẩy nền âm nhạc, cả thanh nhạc và khí nhạc phát triển, vấn đề đặt ra là cần sự quan tâm, đầu tư về phía Nhà nước, Chính phủ và xã hội cần đề ra một chiến lược đặc biệt, đồng bộ và lâu dài cho âm nhạc mới hy vọng gặt hái những tác phẩm đỉnh cao và âm nhạc Việt Nam mới có cơ hội cất cánh, hòa nhập với cộng đồng quốc tế, cũng như đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Để phấn đấu có những tác phẩm âm nhạc có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, chúng ta cần chú trọng công tác đào tạo, giáo dục đội ngũ sáng tác trẻ, phát hiện tài năng, đào tạo lâu dài bài bản trong và ngoài nước, để có một đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp, toàn diện mang tâm hồn dân tộc và trình độ nghề nghiệp quốc tế.
Bên cạnh đó cần tạo điều kiện để giới sáng tác âm nhạc đi sâu vào thực tế, đến những mũi nhọn của cuộc sống, sống cùng với những vui buồn, hòa chung nhịp thở với người dân. Chủ động đi tới mọi miền Tổ quốc, xung phong vào các lĩnh vực, mũi nhọn để lấy chất liệu và tạo nguồn cảm hứng dồi dào cho sáng tác. Và điều quan trọng nhất đối với người nhạc sĩ là sự tự do sáng tạo cùng với việc nâng cao nhận thức về lòng yêu nước, về giá trị chân - thiện - mỹ, trách nhiệm của nghệ sĩ - công dân trước xã hội, nhằm giải phóng tối đa năng lượng sáng tạo trong mỗi con người, cộng hưởng cảm hứng để tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao.
Bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Âm nhạc cần "bà đỡ"
Một bài hát bình thường nhưng ra đời đúng thời điểm, đáp ứng đúng yêu cầu của giai đoạn nào đó hoặc đánh trúng thị hiếu đương thời sẽ được đón nhận nồng nhiệt. Lại có tác phẩm giá trị nghệ thuật cao nhưng không hợp thời, không được phép sử dụng, không được công chúng đương thời biết đến. Có sáng tác đi trước thời đại phải chờ nhiều năm sau, thậm chí nhiều đời, nhiều thế kỷ sau mới nổi tiếng. Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao phải sau 20 năm mới đi vào đời sống xã hội. Trong lịch sử âm nhạc thế giới cũng không ít kiệt tác được nhân loại ngưỡng mộ sau khi tác giả qua đời, như: “Giao hưởng bỏ dở” - Schubert, “Hồ Thiên nga” - Tchaikovsky...
Nếu không quan tâm đến chủ thể và môi trường sáng tạo, thì vẫn có trường hợp thành công như từng có trong quá khứ nhờ cú hích hay cú sốc bất ngờ do biến động xã hội hay sự cố trong cuộc sống của tác giả. Song, tội gì bị động chờ “cú hích tự nhiên”, một khi có thể chủ động tạo nên những “cú hích nhân tạo” cho những thành quả mong muốn. Bao nhiêu tác phẩm âm nhạc kinh điển đã ra đời theo đặt hàng của cá nhân hay tổ chức nào đó. Những “đơn đặt hàng” xứng đáng đúng đối tượng là cái cớ thúc đẩy tác giả “nhả tơ”.
Nỗ lực tự thân của mỗi cá thể sáng tạo là điều hiển nhiên. Mỗi tác giả tự tìm ra cách phù hợp để tự hoàn thiện trong quá trình sáng tạo. Những gì thuộc cá nhân, mỗi người tự lo liệu được. Vẫn chưa đủ! Cái khó đồng thời có tính quyết định ở đây chính là sự phối hợp ở tầm vĩ mô. Gây dựng môi trường sáng tạo thuộc trọng trách của giới quản lý, chỉ họ mới có thể tạo được sự tương tác hợp lực đồng bộ giữa các ngành liên quan đến dây chuyền sáng tạo nghệ thuật âm nhạc: giáo dục - đào tạo, sưu tầm - nghiên cứu, sáng tác - biểu diễn, báo chí - truyền thông, in ấn - xuất bản, lý luận - phê bình...
Chỉ khi thấu hiểu vai trò và giá trị của văn học nghệ thuật, biết rõ hoàn cảnh sống và những trăn trở của văn nghệ sĩ, sẵn lòng đồng hành cùng họ, thì người quản lý mới có thể giữ vai trò “bà đỡ” cho những sáng tác giàu tính nhân văn và giá trị nghệ thuật.