Quốc tế

Ấn Độ với mục tiêu 50% năng lượng tái tạo

Hà Anh 09/12/2023 08:21

Ấn Độ đặt mục tiêu năng lượng tái tạo đáp ứng 50% nhu cầu của đất nước vào cuối thập kỷ này.

anh-bai-chinh-8-12.jpg
Các tấm pin năng lượng mặt trời tại một trang trại ở Pavagada, thuộc bang Karnataka phía Nam Ấn Độ. Nguồn: Getty Images.

Báo cáo gần đây của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy, mặc dù Trái đất hiện đang nóng lên đến mức nguy hiểm nhưng nhiều chính phủ trên thế giới vẫn kiên trì coi than, dầu và khí đốt là nguồn phát triển kinh tế, an ninh năng lượng và sức mạnh địa chính trị. Do đó, sản lượng nhiên liệu hóa thạch của thế giới vào năm 2030 sẽ cao gấp đôi mức cần thiết giúp hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ấn Độ đang đốt lượng than và dầu ngày càng lớn để cố gắng đáp ứng nhu cầu của 1,4 tỷ dân. Đất nước này cũng có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng than trong nước vào năm 2030. Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu cho thấy, song song với điều đó, Ấn Độ đang cố gắng vạch ra một lộ trình bền vững hơn.

Báo cáo của UNEP cho biết, Ấn Độ đã “đầu tư đáng kể và đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho năng lượng tái tạo”, đồng thời lưu ý, nước này đã dành hơn 4 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong ngân sách quốc gia năm nay.

Các cơ quan toàn cầu khác cũng ghi nhận tham vọng ngày càng tăng của Ấn Độ trong việc theo đuổi năng lượng xanh. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris cho biết trong một báo cáo vào tháng 10 rằng, Ấn Độ đang “chuyển sang một giai đoạn năng động mới trong quá trình phát triển năng lượng xanh, được đánh dấu bằng tham vọng dài hạn về lượng phát thải ròng bằng 0”.

Việc chuyển đổi ngành năng lượng của Ấn Độ có thể sẽ hỗn loạn và lộn xộn, nhưng sẽ có tác động sâu rộng đến thị trường năng lượng toàn cầu và cuộc đua hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Ông Siddharth Singh - nhà phân tích đầu tư năng lượng tại IEA - cho biết: “Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Ấn Độ vào năm 2070 - theo cam kết của Thủ tướng Modi vào năm 2021- nếu được đáp ứng đầy đủ và đúng thời hạn cùng với tất cả các mục tiêu quốc gia tương ứng, sẽ giúp hạn chế mức tăng nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu ở 1,7 độ C vào năm 2100”.

Theo ông Singh, để đạt được điều đó không nhất thiết phải trả giá bằng tăng trưởng. Đã có “những dấu hiệu ban đầu về mối liên hệ dần dần lỏng lẻo giữa phát triển kinh tế và lượng khí thải carbon”. IEA nhận định rằng, nếu Ấn Độ đáp ứng các cam kết, lượng khí thải carbon sẽ giảm hơn 40% vào năm 2050, ngay cả khi GDP của nước này tăng gấp 4 lần trong giai đoạn này.

Dữ liệu của IEA cho thấy, Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ 3 thế giới, mặc dù mức sử dụng năng lượng và lượng khí thải bình quân đầu người của nước này thấp hơn một nửa mức trung bình thế giới. Nhưng điều đó có thể thay đổi nhanh chóng. Nhờ thu nhập tăng, nhu cầu năng lượng tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000. IEA cho biết, trong 3 thập kỷ tới, quốc gia Nam Á này sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì đất nước này được kỳ vọng sẽ đạt một số cột mốc kinh tế ấn tượng. Các nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới có đủ điều kiện để tăng trưởng với tốc độ hằng năm ít nhất 6% trong vài năm tới và có thể trở thành quốc gia thứ 3 có GDP hằng năm là 10 nghìn tỷ USD vào năm 2035.

Và khi đất nước phát triển và hiện đại hóa, dân số đô thị sẽ tăng lên, dẫn đến sự gia tăng lớn trong việc xây dựng nhà ở, văn phòng, cửa hàng và các công trình khác. Chính phủ Ấn Độ cũng đang cố gắng thúc đẩy sản xuất trong nước và điều đó đã tạo ra sự bùng nổ làn sóng xây dựng.

Cơ sở hạ tầng thịnh vượng sẽ dẫn đến nhu cầu than và thép tăng vọt. Nhu cầu điện cũng được dự đoán tăng vọt trong những năm tới do các yếu tố từ mức sống được cải thiện đến biến đổi khí hậu. Kết quả là lượng người sở hữu máy điều hòa không khí sẽ tăng đột biến trong tương lai. IEA cho biết, vào năm 2050, tổng nhu cầu điện từ máy điều hòa nhiệt độ dân dụng của Ấn Độ sẽ vượt quá tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn châu Phi hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế là Ấn Độ đang phát triển vào thời điểm này, mang đến cho đất nước cơ hội duy nhất để không lặp lại những lỗi lầm trong lịch sử về khí hậu như các quốc gia giàu có.

Chính phủ Thủ tướng Modi cam kết rằng, năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng của Ấn Độ vào cuối thập kỷ này. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đạt 500 GW công suất phát điện từ nhiên liệu không hóa thạch vào thời điểm đó - tăng từ 173 GW của năm ngoái.

Ấn Độ đã đưa ra một chương trình khuyến khích nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước trong các lĩnh vực quan trọng như mô-đun năng lượng mặt trời và pin hóa học tiên tiến. “Nếu chương trình này thành công, Ấn Độ có thể tự khẳng định mình là “nhà xuất khẩu đáng tin cậy các mô-đun năng lượng mặt trời” - IEA cho biết trong báo cáo năm 2023.

Theo ông Singh, nếu Ấn Độ có thể đáp ứng các cam kết của mình, kết quả đó cũng sẽ đưa ra một lộ trình tăng trưởng mới, cho phép các nước đang phát triển vừa có thể tăng trưởng kinh tế vừa đáp ứng các mục tiêu xanh.

Ông Siddharth Singh cho rằng: “Ấn Độ đã có công suất tổng hợp về sản xuất điện gió, điện mặt trời lớn thứ 4 thế giới và nhanh chóng đứng ở vị trí thứ 3 vào năm tới. Trong bối cảnh hành trình phát triển của mình, các mục tiêu năng lượng sạch của Ấn Độ thực sự rất ấn tượng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn Độ với mục tiêu 50% năng lượng tái tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO