Dù đã hết hạn kiểm định hơn 1 năm qua, tuy nhiên con đò ngang chở khách qua sông ở bến đò Cồn Đình, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) vẫn hoạt động, thậm chí còn chở quá số người theo quy định, nguy cơ xảy ra tai nạn.
Có mặt tại bến đò Cồn Đình ngày 28/6, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng chục người dân và các phương tiện (chủ yếu là xe máy) theo con đường bê tông dài khoảng hơn 200m, nối tả ngạn đê sông Lạch Trường, xuyên qua bãi sú vẹt xuống bến để lên đò sang sông. Trên sông, 2 con thuyền công suất lớn được thiết kế dạng phà nhỏ liên tục di chuyển như con thoi trên dòng nước chảy xiết, đục ngầu để đón và trả khách. Người điều khiển và khách đi đò đều không mặc áo phao hoặc sử dụng bất cứ một biện pháp an toàn nào khi qua sông.
Bến đò Cồn Đình hoạt động trên sông Lạch Trường, nối 2 huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa nên không chỉ người dân trên địa bàn 2 huyện thường xuyên qua lại, mà còn rất đông người và phương tiện ở các huyện: Nga Sơn, TP Thanh Hóa lưu thông, đặc biệt, khi khu du lịch Flamengo tại Hải Tiến được đưa vào vận hành, lượng hành khách mỗi ngày đã tăng lên một cách đột biến.
Ngồi trên xe gắn máy chở đầy các thùng xốp chứa hải sản, trong lúc chờ đò cập bến, chị Nguyễn Thị Phương - một người dân trú tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cho biết: Công việc buôn bán hải sản đã gắn đời sống của vợ chồng chị với bến đò này bao năm qua. Mỗi lần qua đò, chị phải trả cho chủ đò 20.000 đồng cho cả người và xe, mỗi ngày cả hai vợ chồng chị phải trả cho chủ đò khoảng 140.000 đồng cho các lượt đi về.
“Cách đây khoảng 1km, tại xã Hòa Lộc có một bến phà lớn, giá vé cũng như nhau, nhưng hầu hết những người chạy chợ như chúng tôi và người dân qua lại giữa hai địa phương đều chọn bến đò này để lưu thông. Đò ở đây rất tiện lợi, chỉ cần có vài người chủ đò vẫn cho chạy mà không phải chờ đợi đầy khách. Trong khi đó, nếu đi phà trên mạn Hòa Lộc, hành khách phải đi làm 3 chặng đường mới đến được bờ. Vì phà còn phải vòng bắt khách từ Hòa Lộc, xuống Hải lộc sau đó mới cập bến Hoằng Trường. Rất mất thời gian” - chị Phương cho hay.
Được biết, mặc dù mỗi ngày có hàng trăm lượt khách qua sông nhưng các phương tiện hoạt động tại đây đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 6/2023, mà không có bất kỳ động thái chấn chỉnh nào từ các cơ quan chức năng. Điều này đang khiến người dân rất lo lắng cho sự an toàn của mình và tài sản mỗi khi phải qua đò.
Anh Nguyễn Văn Vinh (thôn Yên Hòa, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết: “Hàng ngày tôi thường xuyên phải đưa hàng qua bến đò này để lên thành phố. Nhiều bữa nước lớn chảy xiết, đò tròng trành rất nguy hiểm cho người đi đò và hàng hóa. Khi được biết các phương tiện đều đã hết hạn đăng kiểm, tôi càng lo lắng hơn. Nhỡ không may có vấn đề là gây thảm họa chứ không đùa”.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Doãn Huân - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, cho biết: Chủ của con đò nói trên là ông Mai Văn Huỳnh, trú tại thôn Lộc Tiên vận hành. Vì là đò nối giữa hai huyện Hoằng Hóa - Hậu Lộc nên các chủ đò phân chia, cứ nửa tháng đầu bên Hải Lộc chịu trách nhiệm vận hành thì đến nửa tháng sau sẽ đến lượt chủ đò bên Hoằng Hóa vận hành. Ngoài việc không có đăng kiểm, theo quy định phương tiện chở khách ngang sông của xã Hải Lộc chỉ được phép chở tối đa 12 người, tương đương trọng tải toàn phần là 1,6 tấn. Nhưng trên thực tế phương tiện thường xuyên chở quá số người quy định do nhu cầu của người dân vào những tháng hè lớn.
“Hiện nay chúng tôi đã yêu cầu chủ đò phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết mới được hoạt động. Tuy nhiên phía ông Huỳnh (chủ đò) cho biết, họ đã nhiều lần làm thủ tục xin được kiểm định nhưng do trục trặc trong khâu làm thủ tục nên đến nay vẫn chưa thể đăng kiểm theo quy định. Dù biết rõ là họ vi phạm luật an toàn giao thông đường thủy nội địa nhưng chính quyền địa phương không đủ thẩm quyền để xử lý. Xã cũng chỉ có thể thường xuyên nhắc nhở họ phải đảm bảo an toàn cho hành khách mỗi khi qua sông” - ông Huân cho biết thêm.
Việc đò ngang không có đăng kiểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và tai nạn đường thủy rất cao. Vì vậy, UBND huyện Hậu Lộc cần chỉ đạo quyết liệt, đình chỉ phương tiện chở khách ngang sông đã hết hạn kiểm định để phòng ngừa tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định: Phương tiện chở khách có động cơ tổng công suất máy 15CV phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; nghiêm cấm phương tiện không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoạt động.