Ẩn họa từ đường ngang tự mở

Sỹ Tuyến 22/11/2022 07:19

Tai nạn đường sắt liên quan đến đường ngang tự mở xảy ra để lại nhiều hệ lụy cho các gia đình nạn nhân và xã hội. Theo ngành đường sắt, tai nạn giao thông liên quan xảy ra tại các lối đi tự mở vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 70 - 80%. Trong khi đó, mạng lưới đường sắt quốc gia vẫn còn hơn 3.600 lối đi tự mở.

Ngày 10/3/2020, Chính phủ ban hành Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt (Đề án 358). Cùng với việc đưa ra giải pháp, xác định trách nhiệm... thì Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt, xử lý triệt để vi phạm; giảm tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt từ 5 - 10% hàng năm, hạn chế thấp nhất TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.

Thông tin mới nhất từ lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sau hơn 2 năm triển khai Đề án 358, tính đến ngày 30/9/2022, mới xóa bỏ được 418 lối đi tự mở, con số còn lại tới 3.606.

Con số đó quả là quá ít so với mục tiêu Đề án 358 đặt ra và cũng cho thấy ẩn họa TNGT đường sắt từ những lối tự mở vẫn còn đó như một thách thức.

Nói như ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam thì xóa bỏ lối đi tự mở là giải pháp căn cơ để hạn chế thấp nhất TNGT đường sắt. Để thực hiện Đề án 358, Cục đã có nhiều văn bản đôn đốc, tuy nhiên, việc tổ chức lập kế hoạch, lộ trình tổng thể để xóa bỏ lối đi tự mở của một số địa phương còn chậm. Về nguyên nhân của sự chậm trễ, theo ông Khôi là do các địa phương chưa chủ động bố trí nguồn kinh phí thực hiện xóa đường ngang trái phép qua đường sắt; trong khi Đề án 358 đã quy định nguồn ngân sách địa phương và Trung ương. Có nghĩa là địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, nếu vướng kinh phí thì đề nghị với Bộ Giao thông vận tải để bàn bạc thực hiện.

Như vậy Đề án 358 đã lường trước được khó khăn trong quá trình thực hiện, chậm trễ là do địa phương. Việc thiếu quyết tâm của chính quyền địa phương là yếu tố lớn trong nỗ lực xóa bỏ đường ngang trái phép qua đường sắt. Vì thế, đã đến lúc cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với hành lang an toàn giao thông đường sắt và phải có hình thức xử lý đối với những địa phương vẫn để đường ngang dân sinh hoạt động. Vì điều đó cũng có nghĩa là lãnh đạo địa phương đã làm ngơ trước hiểm họa tiềm tàng đối với hành khách và những đoàn tàu đang ngày đêm đi qua các tuyến đường.

Trở lại vấn đề vì sao còn quá nhiều đường ngang dân sinh băng ngang đường sắt? Không lẽ lãnh đạo địa phương cho rằng những lối đi tự mở băng qua đường sắt ấy không phải là mối hiểm nguy?

Nếu như lấn cấn chuyện tiền thì có thể kiến nghị cấp trên. Vậy thì chỉ có thể nói rằng việc chính quyền địa phương để mặc tình trạng đường ngang tự mở chèn qua đường sắt là do không muốn trích phần kinh phí của địa phương và cũng không đầy đủ trách nhiệm với vấn đề bảo đảm an toàn giao thông. Chỉ vì loay hoay với những cái khó của địa phương mình mà để trôi từ năm này sang năm khác những ẩn họa giao thông là điều không thể chấp nhận.

Vì thế, việc quy trách nhiệm rõ ràng cho lãnh đạo địa phương (từ cấp tỉnh xuống huyện, xã) là việc cần phải làm. Hệ thống chính quyền các cấp tỉnh/thành nơi có đường sắt đi qua và có nhiều đường ngang dân sinh phải vào cuộc ngay, phải xác định an toàn giao thông là quan trọng chứ không chỉ vì sự thuận tiện chút ít trong đi lại cho người dân trong vùng mà buông bỏ việc này.

Việc Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi các tỉnh/thành có đường sắt đi qua đề nghị chỉ đạo, đôn đốc cơ quan chức năng khẩn trương lập hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách dọc theo đường sắt để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt là cần thiết, tuy rằng chậm trễ. Tại văn bản này, Bộ Giao thông vận tải chỉ ra một số địa phương như Bình Dương, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Lạng Sơn chưa phê duyệt kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở hiện có trên địa bàn.

Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt mà vẫn còn tới hơn 3.600 lối đi tự mở (chiếm 71%) tổng giao cắt đường sắt và đường bộ trên cả nước, thì quả thật đáng lo ngại. Lo ngại về TNGT đường sắt và cả lo ngại về trách nhiệm của các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ẩn họa từ đường ngang tự mở