Bữa trưa gồm 4 người: 2 vợ chồng anh Tẩn Văn L. và 2 con cùng ăn nấm. Sau khoảng 12 tiếng, cả 4 người xuất hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy nhiều lần, liên tục như nước.
Ngày 3/3/2021, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hiện Trung tâm đang điều trị cho 2 bệnh nhân chẩn đoán ngộ độc nấm độc. Đây là 2 bệnh nhân trong gia đình gồm 4 người: 2 vợ chồng và 2 người con cùng ăn nấm và bị ngộ độc.
Theo thông tin người nhà cung cấp, ngày 25/2/2021 anh Tẩn Văn L. 28 tuổi, có địa chỉ thường trú tại xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đi hái nấm về nấu ăn cho cả gia đình (khoảng 10 cây nấm trắng). Bữa trưa gồm 4 người: 2 vợ chồng anh Tẩn Văn L. và 2 con. Sau ăn khoảng 12 tiếng, cả 4 người xuất hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy nhiều lần, liên tục như nước. Gia đình đưa cả 4 nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Quỳnh Nhai, Sơn La.
Hiện 2 mẹ con tình trạng ngộ độc nhẹ hơn, đang được điều trị tại tuyến trước. Còn anh Tẩn Văn L. và 1 cháu bé 10 tuổi nặng hơn nên được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngày 1/3/2021.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, bệnh nhân Tẩn Văn L. (28 tuổi) và con trai Tẩn Vương T. (10 tuổi) được chuyển đến Trung tâm chống độc vào ngày thứ 4 sau khi ăn nấm độc, trong tình trạng còn đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, huyết áp, mạch ổn định, tuy nhiên xét nghiệm vẫn có tổn thương gan nặng, suy gan. Bệnh nhân được điều trị tích cực, giải độc…
Hiện cả 2 bệnh nhân đều tỉnh táo, có thể tiếp xúc được, tình trạng cháu bé bắt đầu có xu hướng cải thiện tuy nhiên theo các bác sĩ, đến giờ vẫn chưa thể khẳng định được bệnh nhân có hoàn toàn ổn định hay không vì diễn biến của ngộ độc nấm rất phức tạp.
BS. Nguyên cho biết thêm: Loại nấm mà bốn người trong gia đình anh Tẩn Văn L. ăn phải là loại nấm cực độc, thuộc loại nấm chứa độc tố amatoxin. Đây là loại nấm độc nhất trong các loài nấm độc, thường gây chết người do viêm gan nhiễm độc phá huỷ tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan.
Các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ): Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu.
Sau đó, các biểu hiện tiêu biến hết, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi nhưng vài ba ngày sau sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan: vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), suy đa tạng và cuối cùng là tử vong.
Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã đưa tin, nhiều vụ ngộ độc nấm dại đã xảy ra. Chiều 11/5/2020, Bệnh viện Phụ sản – Nhi và Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận 3 người trong một gia đình ngộ độc nấm rừng được đưa từ Quảng Ngãi ra cấp cứu ở 2 bệnh viện này đã tử vong.
Cụ thể, ngày 4/5, anh Đinh Văn T (39 tuổi), chị Đinh Thị N (38 tuổi) cùng con trai 12 tuổi tên là Đinh Văn S (dân tộc Ca Dong, trú tại xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi ra Khoa hồi sức chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) và Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng trong tình trạng bị ngộ độc nấm rừng rất nặng.
Hồ sơ bệnh án thể hiện, anh T., chị N. và con trai đã ăn một loại nấm màu trắng được hái từ rừng về sau cơn mưa lớn. Khoảng 12 giờ sau khi ăn loại nấm nói trên, cả 2 vợ chồng và con trai xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như tiêu chảy, nôn mửa, được hàng xóm đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, sau đó chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng
Một vụ khác xảy ra vào tối ngày 6/8/2019 có hai gia đình ở xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải đã ăn nấm hái trong rừng. Sau ăn khoảng 2 giờ có 9 người bị đau bụng kèm nôn mửa nhiều nên được người nhà đưa đi bệnh viện.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ tiếp nhận 9 trường hợp cấp cứu trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều, rất mệt, da lạnh, tim nhịp nhanh đều, đau thượng vị. Các bệnh nhân đã được các bác sỹ tiếp nhận, điều trị tích cực. Các bệnh nhân đã tỉnh táo hơn, không nôn, không đau bụng, ăn uống được, các chỉ số sinh tồn ổn định, không có trường hợp diễn biến nặng đe dọa đến tính mạng.
Không nên hái nấm hoang dại để ăn
BS. Nguyễn Trung cho biết, thời điểm mùa xuân - mùa nấm phát triển nhiều nên hay xảy ra ngộ độc nấm. Không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc nên bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại để ăn.
Trên thế giới hiện có hơn 5.000 loại nấm, trong đó có khoảng hơn 100 loài nấm độc mà về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc gây chết người. Loại nấm độc trên mặc dù độc nhất nhưng lại có hình thù hấp dẫn, trông trắng, sạch, có vẻ lành tính nhất và khi ăn cũng ngon.
Cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tỷ vong rất cao (trên 50%), có những gia đình đã tử vong cả nhà sau khi ăn phải nấm độc.
Vì vậy, để an toàn, một lần nữa người dân không nên ăn các nấm mọc hoang dại (có lẽ chỉ trừ mộc nhĩ), chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm.
Còn trường hợp chẳng may ăn phải nấm nghi độc cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo phòng ngừa ngộ độc nấm:
- Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được
- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc) đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.
- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ
- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.
- Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.
- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
Xử trí phòng ngừa ngộ độc nấm
- Ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời: Rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm.
- Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế.
- Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.