Ăn nhầm nấm độc, ba bà cháu nhập viện cấp cứu

PV (theo Vietnamplus) 26/09/2018 18:05

Ngày 26/9, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết cả 3 bệnh nhân bị ngộ độc nấm đã qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn đã trở lại bình thường.

Ăn nhầm nấm độc, ba bà cháu nhập viện cấp cứu

Bác sỹ đang kiểm tra sức khỏe cho bà Đinh Thị Nhiếk tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Bình Định. Ảnh: TTXVN.

Rạng sáng 25/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định tiếp nhận bà Đinh Thị Nhiếk (64 tuổi) cùng hai cháu ngoại là Đặng Thị Hòa Thế (10 tuổi) và Đinh Thị Thoắt (4 tuổi), cùng trú ở Suối Đá, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định trong tình trạng hôn mê, nghi ngộ độc thức ăn.

Êkíp bác sỹ trực chẩn đoán cả 3 bà cháu ngộ độc nấm, chưa rõ loại.

Do đã được rửa ruột ở Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh nên sau khi nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, cả 3 bệnh nhân được truyền dịch, bổ sung điện giải, hỗ trợ dạ dày, sử dụng tất cả các biện pháp nhằm thải độc ra nhanh nhất.

Sau gần 2 ngày được điều trị, bệnh nhân đã hồi tỉnh, sức khỏe ổn định, tri giác tỉnh táo, chức năng gan thận trong giới hạn bình thường.

Trước đó, ngày 24/9, chị Đinh Thị Dứa, ở thôn Suối Đá, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định trong lúc đi làm rẫy đã hái khoảng 100 gram nấm lạ đem về nấu bữa tối cho gia đình. Sau đó, chị Dứa sang làng bên làm việc.

Đến khoảng 20h30, chị Dứa trở về nhà thì phát hiện 3 bà cháu hôn mê bên nồi cháo nấm nên đưa ba bà cháu đến Trạm Y tế xã Vĩnh Sơn sơ cứu.

Ngay sau đó, cả 3 bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh cấp cứu và chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

Bác sỹ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết qua xét nghiệm, 3 bà cháu ăn nhầm loại nấm độc có độc tố chính là muscarin, thuộc nhóm gây độc cho gan, thận và hệ thần kinh.

Nếu ăn phải loại nấm này và không được cấp cứu kịp thời hoặc ăn với số lượng lớn, bệnh nhân dễ bị hoại tử tế bào gan, dẫn đến suy đa phủ tạng, suy thận, tổn thương thần kinh rồi tử vong.

Phân biệt nấm độc

Để phân biệt được nấm ăn được và nấm độc thì có nhiều kinh nghiệm cùng với các cơ sở nghiên cứu: Không ăn nấm sặc sỡ, có mùi hắc, không ăn nấm quá non hay quá già, không ăn nấm có chảy sữa...

Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp ngoại lệ, như có nấm độc có màu sắc và hình dạng giống nấm thường. Vì thế rất khó để có thể nhận biết được nấm an toàn và nấm độc nếu không có đủ kinh nghiệm và kiến thức, và lời khuyên tốt nhất là hãy coi tất cả nấm ở trong rừng là nấm độc và không nên ăn.

Làm gì khi biết ăn phải nấm độc?

Theo Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, nếu ăn nấm và có biểu hiện ngộ độc, nếu chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn (cách dễ dàng gây nôn là đưa chiếc bàn chải đánh răng vào sâu trong miệng một chút).

Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt tính thì nên uống ngay với liều 2g/15kg cân nặng.

Chú ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế, mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến đến cơ sở y tế để xác định sơ bộ loại nấm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ăn nhầm nấm độc, ba bà cháu nhập viện cấp cứu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO