Từ ngày 20/11, Đoàn kiểm tra của Bộ Xây dựng đã kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch tại 15 tỉnh thành như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bến Tre, Quảng Ninh.. Việc tổng kiểm tra này được thực hiện với mong muốn sẽ đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước sinh hoạt cho người dân, tránh tình trạng người dân phải tái diễn tình trạng dùng nước nhiễm dầu thải vừa xảy ra ở Hà Nội.
Nước sông được sử dụng trong nhiều hoạt động khác nhau sẽ không thể đảm bảo độ sạch.
Theo đó, Đoàn sẽ kiểm tra hoạt động của các nhà máy nước sạch, trong đó có vấn đề chất lượng nguồn nước và giá bán. Đoàn kiểm tra cũng sẽ yêu cầu báo cáo về tình hình cấp nước, chủ trương xã hội hóa thông qua việc cổ phần hóa doanh nghiệp cấp nước, doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vận hành công trình cấp nước...Tại các đơn vị cấp nước, Đoàn kiểm tra sẽ làm rõ về công nghệ xử lý; giá nước sạch bình quân; công tác bảo vệ, kiểm soát và cảnh báo sớm về chất lượng nguồn nước…
Có thể nói, đến giờ, dù trải qua đã gần 1 tháng, nhưng hẳn người dân Thủ đô và nhân dân cả nước chưa hết bàng hoàng về sự cố nước nhiễm dầu thải tại nhà máy nước sạch sông Đà. Không ai có thể tưởng tượng được, một nhà máy được cho là hiện đại, giữa Thủ đô, hàng ngày cung cấp nước cho hàng ngàn hộ dân mà lại cung cấp nước không đủ tiêu chuẩn, thậm chí là gây độc hại cho nhân dân. Và khi nguồn nước sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng bởi dầu thải, lúc này, người ta mới đặt ra hàng loạt câu hỏi về chất lượng nguồn nước cung cấp cho người dân. Rằng với công trình dân sinh thiết yếu như vậy liệu có nên giao hoàn toàn cho tư nhân hay không? Ai, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giám sát, kiểm định, sự kiểm định này có đáng tin cậy hay không khi nước là mặt hàng thiết yếu, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của bao nhiêu con người?... Không phải nói quá lên nhưng nếu không phải dầu thải mà là chất độc không màu, không mùi vị bị hòa tan vào nước thì sẽ ra sao?
Sau sự cố này người ta kiểm tra lại các quy trình để đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước mới thấy công tác này còn khá lỏng lẻo, và nhiều lỗ hổng. Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho biết, hiện có rất nhiều lỗ hổng trong quản lý, giám sát chất lượng nguồn nước. Thứ nhất, quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất nước sạch rất bất cập. Hiện nay các nhà máy sản xuất nước khi quy hoạch vùng nguyên liệu đều coi nguồn nước mặt ở các sông như sông Đà, sông Đuống, sông Hồng là đảm bảo chất lượng để đưa vào sản xuất nước sạch. Tuy nhiên, thực tế, nguồn nước mặt của các con sông này đều không đảm bảo chất lượng khi nó vừa là môi trường hoạt động của tuyến giao thông vận tải đường thủy, vừa để đánh bắt thủy sản, rồi tưới tiêu đồng ruộng và đồng thời là nguyên liệu sản xuất nước sạch. Nước sông được sử dụng trong nhiều hoạt động khác nhau sẽ không thể đảm bảo độ sạch. Chưa kể nước thải từ các khu sản xuất, làng nghề, trại chăn nuôi nằm dọc hai bên bờ sông không qua xử lý chảy ra sông gây ô nhiễm nguồn nước.
Thứ hai về công nghệ sản xuất nước sạch. Chính vì quan niệm nguyên liệu nước đầu vào đã được đảm bảo, nên công nghệ sản xuất không chặt chẽ và tối ưu. Hiện tại, nguồn nước đầu ra được đánh giá qua các tiêu chí: Độ đục, độ pH, nhiệt độ. Các chỉ tiêu khác thì lấy mẫu phân tích theo quy chuẩn hằng tuần với các chỉ tiêu nhóm A, 6 tháng một lần với nhóm B và 2 năm với nhóm C. Như vậy, những chất khác như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... không có quan trắc.
Thứ ba, khâu giám sát, kiểm định chất lượng nước sạch đầu ra còn lỏng lẻo. Nước là một loại hàng hóa đặc biệt nhưng lại không có cơ quan chuyên trách thực hiện việc giám sát, kiểm định chất lượng. Hiện tại vẫn diễn ra tình trạng các nhà máy sản xuất nước sạch tự kiểm định sản phẩm. Thế nên khi có sự cố về nguồn nước, doanh nghiệp vẫn tuyên bố nước trong ngưỡng an toàn. Không những thế, việc lấy mẫu nước đi xét nghiệm, ngoài Sở Y tế Hà Nội, chưa có một đơn vị nào khác thực hiện việc này. Do đó, kết quả xét nghiệm do duy nhất một đơn vị kiểm định cấp, không có điều kiện đối chứng!
Sau khi xảy ra sự cố với nước sông Đà, nhiều người dân cảm thấy hoang mang, thiếu tin tưởng vào đơn vị cấp nước vậy đâu là giải pháp để lấp lỗ hổng quản lý để người dân an tâm nguồn nước họ dùng là sạch?
Nhiều ý kiến cho rằng, phải quy hoạch tổng thể nguồn nước mặt trên các con sông một cách hợp lý, khoanh vùng và cách ly diện tích nước mặt dùng làm nguyên liệu sản xuất nước sạch. Di dời các tuyến giao thông đường thủy khỏi vùng nước nguyên liệu. Nếu trong trường hợp vùng nước đó đồng thời cũng là nơi có tuyến giao thông đường thủy không thể di dời thì phải có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tránh các sự cố do tai nạn đường thủy gây ra như tràn dầu, rò rỉ dầu...
Đặc biệt, phải đổi mới công nghệ kiểm tra chất lượng nước để kiểm tra liên tục hàm lượng một số loại hóa chất độc trong nước trước khi đưa vào nhà máy, có khả năng tự chuyển sang chế độ báo động khi phát hiện có hóa chất độc hại vượt ngưỡng quy định, chứ không để tình trạng người dùng nước bẩn cả tuần mà kết quả xét nghiệm vẫn chưa được công bố như vừa qua. Cần bắt buộc phải quan trắc liên tục với nguồn nước đầu vào. Dầu tràn có thể nhận biết bằng mắt thường, còn với các chất thải độc khác, phải nhận biết sớm bằng thiết bị công nghệ tự động. Đồng thời, phải lập ra cơ quan độc lập chuyên trách việc kiểm định chất lượng nước đầu ra trước khi cấp cho người dân sử dụng chứ không thể tù mù, qua quýt được trong khi đây là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.