Hoàng Phượng Vỹ là một trong những họa sĩ hiếm hoi hiện nay "từ chối"… công nghệ. Ông không dùng Zalo, không dùng Facebook. Cũng không iPhone, cũng chẳng iPad… Hoàng Phượng Vỹ có một chiếc điện thoại đời “ơ kìa”, chỉ thuần túy để nghe, gọi và nhắn tin, khi cần.
Tôi thấy nhiều hoa văn trên tranh Vỹ. Đơn giản, mộc, khỏe khoắn, vững chãi. Vỹ là một họa sĩ không giải thích và không triết lý về tranh mình. Vỹ chỉ là kẻ bước đi với đời sống của mình và để lại những dấu vết. Mỗi người xem hãy tự đi tìm những tín hiệu cho mình. Không phải cho Vỹ. Với tôi, đó là những mật mã của văn hóa nằm đâu đó trong những hiện vật tầng tầng lớp lớp của đời sống đương đại. Những hoa văn ấy tựa dấu chân giao chỉ. Và người ta nhận thấy văn hóa Việt.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Mà cái điện thoại nhỏ xíu màu đen ấy, có khi ông cũng bỏ ở đâu đó, thành ra nhiều lần, tôi đã từng gọi, chỉ thấy tiếng chuông đổ dài… Cũng có thể, ông đề phòng những số máy lạ. Cũng có thể, ông đang chìm vào “vũ trụ màu sắc” của mình…
Dăm năm trước, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ vẫn còn khá “tung tăng”. Ông xuất hiện ở triển lãm này, sự kiện nọ, chăm chút vẽ minh họa cho tờ báo kia… Thế nhưng rất nhanh sau đó, hình như nhận ra mình không thuộc về những xôn xao ấy, Hoàng Phượng Vỹ quay về với ngôi nhà của mình. Ngôi nhà có một người vợ chịu bỏ nhiệm sở về cơm nước cho chồng. Ngôi nhà trên tầng cao một khu chung cư một thời là hiện đại của Hà Nội. Ở đó, ông dựng lên một không gian nội thất với gam màu trầm, ánh đèn hơi tối. Không gian sống, Hoàng Phượng Vỹ bảo, nó quan trọng với ông. Nhưng nó cũng không phải là tất cả…
Vậy, với Hoàng Phượng Vỹ, cái gì là tất cả? Vẽ. Đó là suy đoán của tôi thôi, khi thích trường phái hội họa “naive” (ngây thơ) mà ông theo đuổi. Chứ còn khi đã ngồi trò chuyện với ông, trong không gian nhuốm một màu u hoài, như thể đó không phải là trên tòa chung cư hiện đại mà là không gian của một biệt thự cũ của Hà Nội - thì chính Hoàng Phượng Vỹ quả quyết, với ông, vẽ là sự sống chứ không phải sự nghiệp.
Hoàng Phượng Vỹ thực hành nghệ thuật hàng ngày, thậm chí có thể nói là khắc nghiệt với mình. Ông vẽ và vẽ, kỹ lưỡng cho từng tác phẩm. Thế nhưng khi phải ký tên trên bức tranh vừa hoàn thành, ông chọn chỗ khuất đi, chìm xuống. Hoàng Phượng Vỹ cũng không có thói quen chụp lại tác phẩm của mình để lưu giữ. Vì đơn giản, vẽ là sự sống hàng ngày của ông. Nó không ghê gớm nhưng rất quan trọng. Còn sống là còn vẽ. Còn nhìn thấy bức tranh là ông còn muốn hoàn thiện nó…
Vài năm nay, Hoàng Phượng Vỹ dần dần khước từ xuất hiện ở những cuộc vui, hoặc nếu có, cuộc nào không thể từ chối, ông lựa đến thật sớm, hoặc đến sau khai mạc… Ngay cả nhưng cuộc rượu vui với bạn bè, ông cũng dần thoát ra. Và thực hành độc ẩm. Ông không muốn đối thoại - dù là người hoạt ngôn, sắc sảo, và sở hữu một tri thức văn chương dày dặn, vì từ nhỏ đã sống cùng sách, và được dung dưỡng trong không khí thơ ca của cha - nhà thơ Hoàng Trung Thông.
Mà thực ra, tôi nhận ra, Hoàng Phượng Vỹ thích đối thoại với mình. Sau những phút độc ẩm, ông đối thoại với đời và đối thoại với chính ông, trên những bề bặt của toan, của giấy. Những tuýp sơn dầu, những hộp bột màu sẽ dẫn ông chìm đắm vào “vũ trụ” của riêng mình, để ở đó, Hoàng Phượng Vỹ kể những câu chuyện mà ông chiêm nghiệm, day dứt, mà ông đang thương, đang nhớ… Người ta thường cần một ai đó, một cái gì đó để nương tựa, Hoàng Phượng Vỹ thì không. Ông không nương tựa vào ai, nhưng lại biết cách nương tựa vào tất cả. Và khi ông đã cất giọng, dù giọng nói đời thực hay giọng nói qua tranh, thì người ta vẫn nhận ra, đó là Hoàng Phượng Vỹ!