Trong số rất nhiều triển lãm mỹ thuật được khai mạc tương đối tấp nập gần đây, “Khắc chân trời” của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa (1935-2022) là một triển lãm đáng xem.
Một sự nghiệp đa dạng
Đáng xem, không phải vì triển lãm diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mà bởi, tự thân những tác phẩm của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa đã cho người ta thấy sự kỹ lưỡng trong công việc của người làm nghề. Họa sĩ được ghi nhận là người sáng tác bền bỉ, độc đáo, đa dạng trên hai địa hạt đồ họa và hội họa. Dù ông vẽ sơn mài, khắc gỗ, khắc kẽm, hay trổ giấy, bìa sách… đều cho thấy sự cẩn trọng, trách nhiệm - một điều mà hình như hiện nay, đang thiếu vắng, hoặc mờ đi, trong khá nhiều gương mặt họa sĩ đương đại.
Vì thế, “Khắc chân trời” không chỉ góp phần dựng lại một sự nghiệp đa dạng của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa, mà thông qua những tác phẩm của ông, đã kể lại những câu chuyện cuộc sống – tất nhiên, qua góc nhìn của cá nhân họa sĩ.
Vậy họa sĩ Vũ Duy Nghĩa là ai? Nhiều công chúng đương đại có thể không biết ông, nhưng với nhiều thế hệ họa sĩ, ông là một bậc thầy đáng kính trọng. Cứ theo dõi buổi khai mạc triển lãm, với những lẵng hoa, những gương mặt họa sĩ đương đại xuất hiện, cũng đủ định vị tình cảm và sức ảnh hưởng của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa gửi lại thế hệ mai hậu.
Năm 1955, họa sĩ Vũ Duy Nghĩa là một trong 76 học sinh được tuyển chọn vào học khóa 2 tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), niên khóa 1955 - 1957. Dưới sự dẫn dắt của danh họa Nguyễn Tiến Chung, người thầy thân thiết trong suốt 3 năm học, Vũ Duy Nghĩa đã xuất sắc tốt nghiệp thủ khoa. Sau đó ông được chọn cử đi đào tạo tại khoa Hoành tráng - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Stroganov (Mátxcơva, Liên Xô trước đây, niên khóa 1960-1965). Sau 5 năm học tập, ông tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc. Trở về nước, ông về giảng dạy tại khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp từ năm 1967 đến khi nghỉ hưu (năm 1995). Chính nơi đây, ông góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ hiện đang có những đóng góp cho đời sống mỹ thuật. Dấu ấn đặc biệt của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa hiện ra trong nghệ thuật đồ họa Việt Nam. Nhiều bức tranh khắc gỗ, khắc kẽm và trổ giấy của ông đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập, như: “Trục lúa” (1972), “Đôi bạn” (1980), “Mùa hoa gạo” (1983), “Thuyền về bến” (1985), khắc kẽm.
Họa sĩ Vũ Duy Nghĩa cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Đồ họa (khóa 4, 1994-1999) của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, từ thập niên 90, khi có điều kiện hơn về thời gian và tài chính, ông dồn tâm huyết tìm hiểu và thể nghiệm với hội họa sơn mài.
Chắt lọc ngôn ngữ tạo hình
Trong 65 bức tranh treo tại triển lãm “Khắc chân trời”, có nhiều tác phẩm sơn mài gây ấn tượng. Xem tranh bằng chất liệu sơn mài truyền thống của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa, thấy được sự khoan hòa, từ tốn, và chau chuốt.
Ngược dòng thời gian, tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990, bộ ba tranh sơn mài của ông, tiêu đề “Đi họp - Ngọn đèn chai - Tình đồng đội”, được trao Huy chương vàng (tại triển lãm này, có giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và tiếp đến là các huy chương vàng, bạc, đồng). Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã sưu tập hai bức tranh sơn mài của ông: "Ngọn đèn chai" và "Mùa thu năm ấy" (năm 1996).
Trong sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ Vũ Duy Nghĩa khẳng định: Không có vật liệu hay đề tài nào là sang hay hèn. Nghệ thuật, với ông, là biểu hiện "cảm xúc nồng cháy hay ánh trăng lặng lẽ thơ mộng" rồi bất luận, cũng là kết quả lao động của "thầy tu khổ hạnh". Ông từng viết: "Thời khắc đẹp nhất của đóa hoa khi nở đúng độ chỉ vẻn vẹn vài giờ, nhưng sự thực (đóa hoa ấy) được âm thầm tạo tác trong suốt thời gian đằng đẵng. Tác phẩm hội họa cũng vậy, thường là kết quả một đời họa sĩ".
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng, “họa sĩ Vũ Duy Nghĩa cứ từ tốn mà kiên trì chau chuốt, chọn lựa mài giũa từng nét, từng mảng, từng góc cạnh đường viền, nhịp điệu khoan nhặt của mỗi chuyển động, từng biến chuyển màu tinh vi và tối sáng mờ ảo, động dung và cấu trúc cơ thể mỗi dạng nhân vật... khi thực hành với các chất liệu khác nhau, từ trổ giấy tới khắc gỗ, khắc kẽm qua bột màu hay sơn mài. Ông ưa thích bố cục xoay vòng tròn và những đồng hiện không gian hai chiều ngang và thẳng đứng với tham vọng tạo ra chiều kích thứ ba - chiều sâu - và thứ tư - chiều thời gian - trong những hoạt cảnh được “dàn phẳng” bất động. Ông không ngừng tìm tòi, tạo hình thức điển hình, chắt lọc sao cho ngôn ngữ tạo hình vừa tao nhã, tinh tế, vừa mạnh mẽ biểu cảm. Những nỗ lực “hình thức” đó của ông đã khiến đông đảo sinh viên và đồng nghiệp ngưỡng mộ, nể phục”.
Cũng theo nhà phê bình Nguyễn Quân, các nhân vật trên tranh của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa, từ lão ngư dân, bà bủ, bác dân quân, anh thợ lò, chú bộ đội cho tới những cô thôn nữ hay anh tự vệ Thủ đô năm 1946 hay 20 năm sau đó... tất thảy đều khiến ta tin họ đều có những tên họ và số phận riêng. Đây là điều rất hiếm thấy trong mỹ thuật cùng thời. Nó cũng đáp ứng nguyên lý khó nhất trong các nguyên lý sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa - phải mang nghĩa tượng trưng, đại diện cho một hiện thực giả định đáng mong đợi nào đó.
Trong khi đó, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói, cả cuộc đời sáng tác Vũ Duy Nghĩa chỉ biết tận tụy, dâng hiến cho nghệ thuật, chả đòi hỏi gì hơn ngoài 2 chữ "sáng tạo". Ông đã tạo ra các tác phẩm tranh trổ giấy rất có giá trị. Vũ Duy Nghĩa đã nhìn thấy từ rất sớm và tiếp nhận nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Giấy nhưng không lặp lại. Ông đưa ra ngôn ngữ nghệ thuật mới. Con dao trổ giấy trong tay ông bay múa, tinh tế và mềm mại. Cái đó học trò đi theo ông không bao giờ làm được. “Chính vì cái yên lặng ấy, bây giờ chúng ta mới nhìn lại các tác phẩm của ông như một sự dâng hiến, đồ sộ ở nhiều thể loại tranh: sơn mài, khắc gỗ... đặc biệt là tranh trổ giấy. Có thể nói, cuộc đời của Vũ Duy Nghĩa trọn vẹn, ông là người hiếm hoi trong lộ trình trải dài của mỹ thuật Việt Nam”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét, thêm rằng, tâm hồn họa sĩ Vũ Duy Nghĩa là tâm hồn Việt, văn hóa ở ông vẫn là văn hóa Việt. Bởi vậy, mỹ cảm Việt ở ông không bao giờ mất.