Tôi bỗng trở thành người hạnh phúc trong buổi mùng 2 Tết Quý Mão khi trực cơ quan tại Nhà số 4 Lý Nam Đế vắng lặng, chợt có tiếng gõ cửa. Ôi chao! Thật bất ngờ, họa sĩ Lê Duy Ứng trong bộ quân phục cũ phủ huân huy chương rực rỡ xuất hiện chúc Tết đầu năm.
Ngọn lửa sáng tác vẫn cháy
Ở Văn nghệ quân đội thường có những sự việc bất ngờ như vậy. Ngày trước, trong đêm Giao thừa, thường là Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoặc Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng thư ký lặng lẽ tới chúc mừng năm mới và thường muốn nghe tiếng đàn măng-đô-lin hoặc giản đơn hơn là bản nhạc xuân từ Đài Tiếng nói Việt Nam. Phong vị ấy cũng là nét văn hóa của Nhà số 4. Không hiểu sao, các thủ trưởng cao cấp, các vị tướng lĩnh đương chức hoặc đã nghỉ hưu rất quý cánh Văn nghệ quân đội. Điều này đã là một sự phấn đấu và niềm tin, niềm tự hào của các nhà văn áo lính. Đó cũng như một nét nhạc mùa xuân.
Tôi pha ấm trà sen trong tiếng cười tươi tắn của vị họa sĩ - thương binh nặng đã chỉ còn nhìn bằng một phần mười từ đôi mắt đẫm lửa chiến trường. Chuyện họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu khi bị mù hai mắt ở chiến trường đã thành giai thoại. Bây giờ thì ông với khối tác phẩm đồ sộ từ tranh, tượng, điêu khắc chỉ điểm danh qua thôi cũng đã thấy sự lao động miệt mài, tâm lực, niềm tin và lẽ sống không chỉ của riêng ông.
Đó là 3.000 bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh các thể loại; 1.000 bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp; 200 bức ký họa chiến trường; hàng trăm bức tượng và tác phẩm điêu khắc. Đảng và Nhà nước đã trao tặng 3 Huân chương chiến công, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang và rất nhiều Huy chương, Bằng khen mà cao nhất là danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá - họa sĩ Lê Duy Ứng. Người con họ Lê gốc gác thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, tỉnh Quảng Ninh, học vẽ từ tấm bé với người cha cũng là họa sĩ - nhà báo Lê Yến và người thầy nhà giáo ưu tú Bùi Đình Sơn.
Ít ai biết họa sĩ Lê Duy Ứng khi học lớp 4 đã có triển lãm tranh đầu tiên với tiêu đề “Xấu nên tránh, tốt nên làm” ở Quảng Ninh. Tiếp đó, ông học tập và trở thành sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và đến năm thứ ba đã tình nguyện xung phong vào chiến trường chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 với những trận đánh quyết liệt tại chiến trường Quảng Trị.
Giữa khói lửa chiến trường, người họa sĩ tài hoa cũng là người lính chiến nổi tiếng gan dạ đã quen và yêu cô thanh niên xung phong người Hà Nội Trần Thị Lê sau này chính là người vợ hiền thục đã gắn bó với ông, chăm sóc ông, như là sinh thành ông lần thứ hai để có một Lê Duy Ứng hôm nay.
Tôi bâng khuâng ngắm nhìn ông như ngắm nhìn một ngọn núi vừa bị bom cày phá trong dãy Trường Sơn huyền thoại. Lứa các ông, trong đó có cha tôi, các chú ruột thịt của tôi đã chiến đấu và hy sinh ở chiến trường khi mới 19, 20 tuổi. Ông là người trở về để tiếp tục gánh vác trọng trách của một người lính, của một văn nghệ sĩ đích thực. Những đam mê của Lê Duy Ứng như ngọn lửa không bao giờ tắt dù hai mắt ông lúc đó không nhìn được.
Mãi sau này, đôi mắt ấy mới khôi phục được một phần, để bây giờ, khi ông bước vào ngôi nhà số 4 cũng là muốn tìm lại những âm vọng của lứa văn nghệ sĩ chiến trường. Đó là lớp đàn anh Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Thu Bồn, Vũ Cao, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Xuân Sách... Ở tuổi ông thường như vậy. Họa sĩ Lê Duy Ứng sinh năm 1947, đã suýt soát bát tuần, song trí tuệ và sức khỏe vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn lắm.
Trong câu chuyện mà ông kể với tôi buổi đầu xuân cũng đều là chuyện chiến trường và sáng tác. Tôi biết trong ông, ngọn lửa sáng tác vẫn cháy rất mạnh. Ông là người ưa hoạt động, không thể nào ngồi im, càng không thể nào để trí óc mình ngừng ngẫm ngợi và nhất là đôi bàn tay ngơi nghỉ. Khối lượng tác phẩm ấy, niềm tin và những trao truyền từ bộ tác phẩm ấy đã nói lên tất cả con người Lê Duy Ứng. Ông đã bước qua tất thảy không chỉ đạn bom chết chóc mà cả những thị phi ở đời. Bước đi kiêu hãnh và luôn tường minh một thái độ sống vì mọi người, vì thế hệ trẻ chính là khát vọng thống nhất đến hôm nay của Lê Duy Ứng.
Truyền cảm hứng tới người trẻ
Lê Duy Ứng - người trở về từ chiến trường và bước tiếp trong cuộc đời sôi động, có không ít lúc rất phức tạp hôm nay. Ông có một đời sống phong phú mà cực kỳ đơn giản. Đơn giản như ông đã trả lời khi vẽ chân dung Hồ Chủ tịch bằng máu rằng: “Bức tranh Bác Hồ bằng máu tôi vẽ trong khi chiến đấu bị thương rất nặng tại cửa ngõ Sài Gòn.
Khi đó, hai mắt tôi đã hỏng hoàn toàn. Tôi đã ngất đi và khi tỉnh dậy, tưởng rằng mình sắp hy sinh bèn chấm máu từ đôi mắt vẽ bức chân dung cuối cùng về Hồ Chủ tịch trên nền cờ Tổ quốc. Tôi dùng hết sức lực vẽ bằng xong và ký tên rồi gấp bỏ vào túi áo ngực để sang thế giới bên kia. Thật không ngờ mình lại còn sống. Đó chính là ân đức của tổ tiên, ân đức của niềm tin vào Bác Hồ và Tổ quốc”.
Tôi lặng đi trước suy nghĩ của người họa sĩ thương binh trong tiết trời se lạnh đầu xuân.
Sức sáng tạo của Lê Duy Ứng đã như những tấm gương để chúng tôi học tập, noi theo. Văn học nghệ thuật của chúng ta phải hết sức phấn đấu để làm đẹp hơn cuộc sống này. Đảng ta rất quan tâm tới văn học nghệ thuật nhưng dường như văn học nghệ thuật ở một khía cạnh nào đó vẫn có cái gì đó như là khúc mắc, như là chập chờn, nghi ngại để những khoảng trống vời vợi của những thành tựu của cuộc sống chưa được hiện hình. Điều này là lỗi do đâu?
Chúng ta từng có văn - thơ - nhạc - họa... thời chống Pháp, chống Mỹ như những tường đồng vách sắt, một phần rất lớn của nền tảng chính nghĩa tất thắng mà hôm nay lại nhợt nhạt vậy là cớ làm sao? Những câu hỏi cứ như tai liền miệng đấy tự hỏi tự nghe của giới văn nghệ sĩ với nhau. Tôi rất hiểu tuy không nói ra, nhưng chính là những câu hỏi mà Lê Duy Ứng muốn trao đổi với tôi, giao trách nhiệm cho lứa chúng tôi dù chẳng ai phân công ông việc khó khăn này.
Họa sĩ Lê Duy Ứng đã và đang đi trọn vẹn cuộc đời mình, một cuộc đời không chỉ cần lao kham khổ mà còn tiếp nhận và khơi dậy những điều hạnh phúc. Từ hạnh phúc nhỏ gia đình ấm áp tới hạnh phúc lớn đất nước non sông mà lứa các ông chiến đấu và cống hiến đến tận cùng.
Dù hôm nay, còn không ít những bất cập khiến mọi người đau lòng nhưng cuộc sống vốn là như vậy. Lê Duy Ứng - người họa sĩ - nghệ sĩ với những cống hiến bằng toàn bộ trí tuệ, sức lực cuộc đời mình đã như tiếp thêm ngọn lửa về tình yêu, về lẽ sống và nhất là về sáng tạo cho lứa chúng tôi. Xin được tặng ông bốn câu thơ mà tôi làm trong một đêm khuya tại Gò Tháp khi tưởng nhớ tới Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều:
Những gạch đá đền đài đã cũ
Mây trắng bay ngang cũng cũ rồi
Duy máu đỏ của người trung nghĩa
Mãi tươi hồng trong sắc hoa sen.
Cũng là lời chúc hạnh phúc tới họa sĩ Lê Duy Ứng buổi đầu xuân vậy.
Họa sĩ Lê Duy Ứng đã suýt soát bát tuần, song trí tuệ và sức khỏe vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn lắm. Trong câu chuyện mà ông kể với tôi buổi đầu xuân cũng đều là chuyện chiến trường và sáng tác. Tôi biết trong ông, ngọn lửa sáng tác vẫn cháy rất mạnh. Ông là người ưa hoạt động, không thể nào ngồi im, càng không thể nào để trí óc mình ngừng ngẫm ngợi và nhất là đôi bàn tay ngơi nghỉ. Khối lượng tác phẩm ấy, niềm tin và những trao truyền từ bộ tác phẩm ấy đã nói lên tất cả con người Lê Duy Ứng. Ông đã bước qua tất thảy không chỉ đạn bom chết chóc mà cả những thị phi ở đời. Bước đi kiêu hãnh và luôn tường minh một thái độ sống vì mọi người, vì thế hệ trẻ chính là khát vọng thống nhất đến hôm nay của Lê Duy Ứng.