An sinh xã hội cho lao động di cư: Những khoảng trống và rào cản

Lan Hương 08/12/2015 14:36

Là lực lượng đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế song nhiều báo cáo gần đây chỉ ra rằng, có tới 90%người lao động di cư không được tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến.  Thực tế này làm ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống và quyền của lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ vì có hơn 80% người lao động di cư có đem theo con tới nơi đến, và không có chính sách riêng biệt về y tế và giáo dục dành cho các nhóm con của người di cư.

Đó là những vấn đề được chỉ ra tại Lễ giới thiệu Mạng lưới Hành động vì Lao động Di cư (M.net) do M.net tổ chức sáng ngày 8/12 tại Hà Nội.

An sinh xã hội cho lao động di cư: Những khoảng trống và rào cản

Lao động di cư.

Nỗi lòng “Người gánh số phận - nhặt tương lai”

“Tôi vẫn biết nghề bán hàng rong của tôi luôn bị xúc phạm, coi thường và lừa gạt nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác vì tôi không biết dựa vào đâu, hỏi ai và làm thế nào để thay đổi nên đành cam chịu sự định kiến của mọi người”- chị Thắm quê Nam Định đã mở đầu câu chuyện về mình như thế khiến tất thảy những người trong hội trường không khỏi chua xót.

Chị bảo, là một người con, người vợ, người mẹ không ai muốn xa dời tổ ấm của mình nhưng ở nhà không thể nuôi được người mẹ chồng già bị liệt, chồng bị bệnh và hai con nhỏ. Chính vì vậy, chị dứt áo lên thành phố những mong tìm kiếm cơ hội mưu sinh. Không trình độ, không người quen chị chọn cho mình nghề bán dép dạo. Nhưng ngay ngày đầu tiên đi bán chị đã bị quỵt hàng, bị xúc phạm.

“Rõ ràng là bác ấy lấy của tôi 4 đôi dép rồi bảo ở cổng chờ vào lấy tiền nhưng khi thấy tôi bấm chuông hỏi tiền thì lại bị họ mắng chửi là đồ nhà quê, chuyên đi lừa lọc. Thấy tôi khóc lóc họ không hề thương cảm, trái lại còn dọa đánh, tôi lững thững đẩy xe dép đi mà hàng nước mắt cứ chảy ra. Nhưng cũng chỉ biết khóc thôi khám dám cầu cứu ai dù biết mình đúng và càng không dám bỏ để về quê” - chị Thắm nghẹn ngào nói.

An sinh xã hội cho lao động di cư: Những khoảng trống và rào cản - 1

Cũng giống như chị Thắm, chị Dung quê Thái Bình dời quê lên Hà Nội với hi vọng sẽ lo cho bố mẹ già và hai con nhỏ có cuộc sống no ấm hơn. Thế nhưng để mỗi tháng gửi về cho bố mẹ được 2 triệu đồng chị cũng phải chịu biết bao cay đắng, tủi nhục. Chị kể, sống bằng nghề đồng nát nên ngày nắng cũng như ngày mưa cứ 6h sáng là đạp xe khắp phố phường để mua phế liệu. Tổng thu nhập từ nghề này cũng chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng tùy từng tháng. Cuộc sống mưu sinh vất vả, khó khăn là thế song nhiều khi còn bị coi thường, bạo lực xã hội.

“Chỉ mới hôm qua thôi tôi đang được một anh thợ xây gọi vào thu mua sắt vụn ở công trường, đang loay hoay nhặt thì tôi bị một người đàn ông mặt đằng đằng sát khí, tay cầm cái điếu cày đánh vào người không thương tiếc. Vừa đánh, anh ta không ngớt chửi tôi là đồ ăn cắp. Dù sau đó anh thợ xây kia đã ra giải thích biết tôi bị đánh oan nhưng người đàn ông đó vẫn không hề xin lỗi. Tôi vừa đau vừa thấy tủi hổ mà cũng chỉ biết khóc” - Chị Dung chua xót nói.

An sinh xã hội cho lao động di cư: Những khoảng trống và rào cản - 2

Xóa rào cản trao quyền cho lao động di cư

Trong những năm gần đây, các báo cáo thống kê của chính phủ và của các tổ chức xã hội dân sự đã chỉ ra một xu hướng nổi bật là luồng di cư từ nông thôn ra thành thi đang gia tăng cả về số lượng lẫn tỷ lệ người di cư trong hai thập kỷ qua. Dự báo sẽ có tới 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị vào năm 2019, chiếm khoảng 5% dân số.

Tuy nhiên thu nhập của lao động di cư khá bấp bênh do công việc không ổn định (trung bình chỉ đạt 2,2 – 2,5 triệu/tháng, thời gian làm việc bình quân 47,3 giờ/tuần. Đáng lo ngại đa số làm các công việc lao động đơn giản trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không tham gia BHYT, BHXH tình nguyện…

An sinh xã hội cho lao động di cư: Những khoảng trống và rào cản - 3

Đứng trước tình hình đó, tổ chức Oxfam đã hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam thành lập Mạng lưới Hành động vì Lao động di cư, viết tắt là M.net, vào tháng 10 năm 2014. Mục đích hoạt động của mạng lưới là vận động thay đổi hệ thống chính sách để người lao động di cư, đặc biệt là lao động di cư ở khu vực phi chính thức, có thể tham gia và tiếp cận một cách bình đẳng vào hệ thống an sinh xã hội.

Bà Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện Phát triển Cộng đồng Ánh Sáng LIGHT- cơ quan điều phối mạng lưới M.net cho biết, hoạt động vận động chính sách của mạng lưới dựa trên các nghiên cứu, bằng chứng, câu chuyện cụ thể nhằm mang lại một nền tảng vận động vững chắc cả về nghiên cứu lẫn thực tế, làm nền tảng cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra các thay đổi phù hợp.

An sinh xã hội cho lao động di cư: Những khoảng trống và rào cản - 4

Đáng chú ý, Mạng lưới cũng thực hiện một nghiên cứu về rào cản pháp luật và thực tiễn đối với lao động di cư và lao động phi chính thức ở Việt Nam tại Hà Nội và Bắc Ninh ở phía Bắc và TP HCM và Đồng Nai ở phía Nam, với sự tham gia của 808 lao động di cư. Nghiên cứu này nhằm cung cấp những bằng chứng về các rào cản pháp lý và rào cản thực tiễn đối với lao động di cư làm việc trong khu vực chính thức và phi chính thức trong việc thực hiện các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và gia đình họ tại các đô thị hiện nay. Nghiên cứu cũng tìm kiếm các điển hình tốt về sự trao quyền và hỗ trợ cho người di cư tiếp cận và hưởng lợi từ hệ thống bảo trợ xã hội và chính sách xã hội.

Cũng trong buổi lễ, triển lãm “Gánh Số phận, nhặt tương lai” đã được khai mạc. Triển lãm là câu chuyện qua ảnh của 18 thành viên nhóm tư lực dự án STONES, mô hình nhóm tự lực của người di cư bán hàng rong và đồng nát Hà Nội được tham gia khóa tập huấn hướng dẫn kể chuyện qua ảnh. Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2015, các thành viên đã chụp 58 bức ảnh với các chủ đề về rủi ro trong lao động di cư, giá trị của lao động di cư mang lại cho cộng đồng nơi đi và nơi đến, và tiếp cận an sinh xã hội đối với lao động di cư. Triển lãm ảnh giúp cộng đồng hiểu sâu hơn về cuộc đời, số phận, những khó khăn và thách thức người lao động di cư phải đối mặt. Qua đó, giúp người di cư mạnh dạn hy vọng, ước mơ và xây dựng một tương lai tươi sáng cho chính mình. Triển lãm cũng là cơ hội để lao động di cư nói lên tiếng nói của mình và tham gia vào việc vận động chính sách để giúp họ tiếp cận tốt hơn với các chính sách an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An sinh xã hội cho lao động di cư: Những khoảng trống và rào cản