Chỉ cần “dân vận khéo” là doanh nghiệp và người dân chung tay với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh để lo cho dân.
Từ 0h ngày 2/8, TP Hồ Chí Minh (TP HCM) tiếp tục giãn cách xã hội, đây là lần thứ 5 thành phố giãn cách. Những lần trước, lãnh đạo TP HCM mong người dân lương thứ cho những lúng túng của thành phố. Tuy nhiên, hơn hai tháng trôi qua, các ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng cao, người dân vật lộn với cuộc sống khó khăn, chính quyền vẫn phải tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp an sinh cho người dân.
Thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 18h30 ngày 2/8, TP HCM vẫn dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm Covid-19 với 4.264 ca, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại TP HCM lên hơn 86 nghìn ca.
Có thể nói, dịch bệnh ở thành phố chưa thể khẳng định được là sau hai tuần tiếp tục giãn cách xã hội thì người dân có trở lại cuộc sống bình thường được hay không.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, hiện nay thành phố đang chuyển dần chiến lược điều trị để hạn chế số ca tử vong, tính đến ngày 30/7, đã có hơn 31 nghìn bệnh nhân khỏi bệnh. Vẫn còn hơn 878 bệnh nhân nặng đang thở máy và số ca tử vong là 1.164 bệnh nhân.
Chiều ngày 2/8, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, TP HCM đã huy động các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 theo mô hình "bệnh viện tách đôi".
Trước mắt, khoảng 5 bệnh viện tham gia với quy mô 675 giường. Bộ Y tế nhận thấy trong thời điểm vừa qua, việc áp dụng Chỉ thị 16 của thành phố đã đạt được hiệu quả nhất định. Đặc biệt, công tác thu dung, điều trị bệnh nhân theo đúng tinh thần giảm ca mắc, giảm ca tử vong và tăng cường tốc độ tiêm vắc xin.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, suốt những ngày qua, ông đã trực tiếp tìm hiểu, trao đổi với lãnh đạo TP HCM, bộ phận thường trực của các bộ, ngành, báo cáo với Thủ tướng, thống nhất một số điều chỉnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta quyết định giãn cách cả 19 tỉnh với mục đích là để tập trung cao độ thực hiện nghiêm việc giãn cách, củng cố và mở rộng vùng an toàn, từ đó hình thành vành đai an toàn xung quanh khu vực TP HCM, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh.
Như vậy, tình hình dịch Covid-19 ở TP HCM diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ, các bộ, nghành đang dồn nguồn lực và triển khai nhiều giải pháp để cùng TP HCM dập dịch. Đại đa số người dân đồng hành với thành phố để chống dịch, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, người lao động đang gặp khó khăn trong cuộc sống ở TP HCM tìm cách về quê. Hơn hai tháng qua, họ phải gồng mình với cuộc sống giãn cách xã hội.
Chính quyền TP HCM vẫn đang tiếp tục họp bàn giải pháp an sinh xã hội cho người dân, người lao động đang sinh sống tại thành phố.
Chiều ngày 2/8, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải chủ trì giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy TP HCM với Thường trực Thành ủy TP Thủ Đức, Thường trực Quận ủy, Huyện ủy về công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế khi tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng trên địa bàn TP HCM thêm 2 tuần từ 0 giờ ngày 2/8.
Ông Hải cho biết, TP HCM có đặc thù là nhiều hộ gia đình, công nhân, người lao động không có hộ khẩu, không cư trú ổn định. TP HCM đang nỗ lực chăm lo cho người dân với tinh thần không để một trường hợp nào thiếu ăn, thiếu mặc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại buổi giao ban, đại diện Ban Dân vận Thành ủy TP HCM thống nhất đảm bảo chăm lo đến hộ có hoàn cảnh khó khăn theo tinh thần có túi an sinh xã hội trợ giúp các hộ gia đình 2 - 4 người, hoặc phòng trọ 4 người có thể sử dụng 1 tuần lễ. Túi an sinh xã hội gồm: lương thực với 10 kg gạo, mì gói và thực phẩm, nước tương, nước mắm, dầu ăn, bột nêm, đường...
Ở phần này, từng địa phương khi có thêm các loại thực phẩm khác thì có thể tặng thêm. Cùng với đó là một số loại thuốc thông dụng, khẩu trang, vitamin C,…
Các túi an sinh xã hội được chuyển đến cho các hộ nghèo, cận nghèo, những công nhân, người lao động không về quê, đang ở các khu nhà trọ trên địa bàn TP HCM.
Còn đại diện Liên đoàn Lao động thành phố thì đề xuất, TP HCM vận động chủ nhà trọ miễn luôn tiền thuê nhà. Một người thuê nhà 3 triệu đồng/tháng, giờ nếu vận động giảm 50% thì người lao động vẫn phải đóng 1,5 triệu đồng. Vậy làm sao có tiền trả 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà trong điều kiện 2 tháng nay không có việc làm, phải đi nhận từng túi gạo, từng chai nước mắm để sinh sống qua ngày.
Tuy khó khăn, nhưng tiềm lực kinh tế để lo cho dân ở thành phố này chắc chắn không quá thiếu, bởi lẽ doanh nghiệp và người dân sẵn sàng bỏ sức người, tiền của để chia sẻ với người dân, người lao động đang gặp khó khăn.
Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc một công ty may ở phường Tân Thới Nhất, Quận 12 đã nuôi ăn, ở cho gần 20 công nhân ở các tỉnh không có điều kiện về quê gần hai tháng nay. Hay như bà Ngọc Hà, ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức cũng đã giảm tiền thuê nhà trọ cho người dân, người lao động.
Như vậy, chỉ cần “dân vận khéo” là doanh nghiệp và người dân chung tay với chính quyền thành phố để lo cho dân.
Tại buổi làm việc với TP HCM giữa tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ: “Chính phủ thì sẵn sàng giao cho TP HCM, cái gì người dân, doanh nghiệp, xã hội làm tốt hơn thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm. Cái gì biết mới quản, nếu không biết thì giao cho người biết quản; tránh tình trạng chỉ “hợp thức hóa” nếu không phân cấp, phân quyền”.
Do vậy, hơn lúc nào hết, lúc này thành phố cần mạnh dạn giao công tác an sinh xã hội cho chính quyền cấp cơ sở như Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên cấp phường, xã để lo cho dân, an dân lúc này là hết sức quan trọng.