“Tôi xem phim “Cánh đồng bất tận” và thấy ấn tượng với những cảnh quay thiên nhiên miền Tây. Nghe nói có khu du lịch vốn là nơi quay bộ phim này, nên cảm thấy tò mò muốn đến thăm”, du khách tên Huy cho biết.
Đoàn Quốc Huy, 34 tuổi, là kỹ sư xây dựng ở TPHCM lái xe đưa vợ con xuống Long An tham quan khu du lịch Cánh đồng bất tận nằm trong Khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười thuộc xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa.
Nếu sản phẩm dịch vụ chỉ dựa vào sự tò mò, khuấy động trong chốc lát tính hiếu kỳ của thiên hạ mà không có giá trị thực sự, thì khi sự tò mò được giải tỏa, du khách hay khách hàng sẽ nhanh chóng mất hứng thú.
Đến nơi, anh mới biết thực ra khu bảo tồn dược liệu này có từ rất lâu, hàng chục năm trước khi bộ phim ra đời. “Nhưng đúng là tôi xem phim mới biết đến khu này và thú thực cũng bị gây tò mò bởi cái tên ăn theo bộ phim của khu du lịch”, anh Huy bày tỏ.
“Hóa ra ở đây có ba lần “ăn theo”. Từ truyện “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đến bộ phim do Nguyễn Phan Quang Bình đạo diễn và thứ ba là khu du lịch Cánh đồng bất tận”, chị Nguyễn Thị Mai, giáo viên dạy văn, vợ anh Huy nhận xét.
Khu du lịch - phim trường Cánh đồng bất tận là một ví dụ về sự “ăn theo” tác phẩm nghệ thuật khá thú vị. Nhưng có lẽ, cú “ăn theo” ngoạn mục hơn là những niêu cá kho mang danh “cá kho làng Vũ Đại” được bán với giá đến cả triệu đồng một niêu cùng những lời quảng cáo gây tò mò.
“Làng Vũ Đại” vốn là một ngôi làng hư cấu, trong truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Còn làng quê nhà văn là Đại Hoàng tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).
Trong khi ấy, có một làng Vũ Đại thật, cũng gắn bó với cuộc đời nhà văn Nam Cao: năm 1951, ông bị quân Pháp sát hại tại cánh đồng làng Vũ Đại, thuộc xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
Sau khi bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” do NSND Phạm Văn Khoa làm đạo diễn ra đời, “làng Vũ Đại” (hư cấu) vốn đã nổi tiếng càng nổi tiếng hơn.
Với đầu óc kinh doanh nhạy bén, một số người ở làng Đại Hoàng đã biến món cá khu rục truyền thống của quê hương họ thành món “cá kho làng Vũ Đại”, để nhờ vào danh tiếng của Nam Cao, của “làng Vũ Đại” mà bay xa. Ban đầu thì tò mò bởi cái danh “làng Vũ Đại”, sau lại thêm háo hức vì những lời quảng cáo “cá phải được nấu trong niêu đất, mà phải là loại niêu được nhập từ Thanh Hóa”. “Củi để kho cá cũng phải là loại củi nhãn, bởi củi nhãn có khả năng khử mùi tanh”. Nghe rất “nguy hiểm”.
Nhưng có ai chứng minh được niêu nhập từ Thanh Hóa thì cá ngon hơn, hay khả năng khử mùi tanh của cá trong nồi của củi nhãn?
Riêng tôi, nghe “kho cá trong 18-20 giờ” là thấy không ổn. Nhiều nhà dinh dưỡng học đã chỉ ra rằng thức ăn nói chung và cá nói riêng nấu quá 2 tiếng sẽ bị hao hụt đáng kể chất dinh dưỡng so với cá kho trong thời gian ngắn hơn.
Khi kho cá trong thời gian dài, nhiệt độ cao sẽ phá hủy một số vitamin và khoáng chất trong cá, khiến protein trong cá bị phân hủy thành các axit amin, làm giảm giá trị dinh dưỡng. Cá kho trong thời gian dài sẽ mất đi hương vị thơm ngon và trở nên khô cứng.
Nhưng mà thôi, lựa chọn cái gì, thấy cái gì hợp khẩu vị hay khiến bản thân thích thú hoặc thỏa mãn tò mò là quyền của mỗi người. Điều quan trọng ở đây là người dân Đại Hoàng đã rất biết cách tận dụng danh tiếng của “làng Vũ Đại” để tiếp thị sản phẩm, thứ rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường.
Trên thế giới, việc các tác phẩm văn học nghệ thuật khiến một nơi nào đó nổi tiếng hơn, sản phẩm dịch vụ nào đó bán chạy hơn rất phổ biến.
Como là hồ nước lớn thứ ba ở Ý, nằm ở vùng Lombardy, phía bắc nước Ý, nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những biệt thự sang trọng và bầu không khí lãng mạn. Tuy nhiên, ban đầu hồ cũng chỉ được biết đến ở Ý là chính. Nhưng khi tiểu thuyết “The Betrothed” (tạm dịch: Hứa hôn) của Alessandro Manzoni là một trong những tác phẩm văn học Ý nổi tiếng nhất, ra đời năm 1827, danh tiếng của hồ Como đã vượt ra khỏi biên giới đất nước hình chiếc ủng. Người ta từ khắp nơi kéo đến đây để thăm viếng những nơi được lấy làm bối cảnh cho câu chuyện tình Renzo-Lucia.
“The Betrothed” lấy bối cảnh ở vùng Milan và Lombardy ở Ý vào đầu thế kỷ 17, kể về câu chuyện tình yêu giữa Renzo Tramaglino và Lucia Mondella, hai nông dân trẻ phải đối mặt với nhiều thử thách và khó khăn do sự can thiệp của Don Rodrigo, một lãnh chúa độc ác.
“The Betrothed” được coi là một trong những tác phẩm văn học Ý quan trọng nhất và đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Trong “The Betrothed”, hồ Como là một trong những địa điểm quan trọng, nơi Renzo và Lucia gặp gỡ hay trốn chạy những kẻ truy đuổi.
Với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt mỹ và không gian lãng mạn, hồ Como thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Điểm tham quan này nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng, làn nước xanh trong và những cánh đồng xanh mướt trải dài quanh hồ cũng những câu chuyện (hư cấu) về cuộc tình của Renzo và Lucia.
Một ví dụ khác là tác phẩm “Nhật ký Anne Frank” và sau này là bảo tàng cùng tên. Anne Frank, thiếu nữ người Đức gốc Do Thái nổi tiếng với cuốn nhật ký ghi chép lại cuộc sống của gia đình cô khi họ ẩn náu trong một ngôi nhà ở Amsterdam suốt thời kỳ Đức Quốc Xã chiếm đóng Hà Lan trong Thế chiến II.
Cuốn nhật ký của Anne Frank, có tên gốc là “Het Achterhuis” (Ngôi nhà sau) được cô viết trong khoảng thời gian từ năm 1942 đến năm 1944. Trong nhật ký, Anne Frank kể về cuộc sống thường nhật, cảm xúc, suy nghĩ và ước mơ của mình trong hoàn cảnh khó khăn, khao khát tự do và cuộc sống bình thường.
Tháng 8/1944, họ bị quân Đức phát hiện và cả gia đình bị bắt giữ. Anne qua đời vì bệnh sốt phát ban tại trại tập trung Bergen-Belsen vào tháng 2 năm 1945, chỉ vài tháng trước khi trại được giải phóng.
Sau chiến tranh, nhật ký được cha của Anne, ông Otto Frank, xuất bản và trở thành một tác phẩm văn học kinh điển, được dịch sang hơn 70 thứ tiếng, kể về sự tàn khốc của chiến tranh và khát vọng sống mãnh liệt của con người.
Sau chiến tranh, Otto Frank trở lại Amsterdam và quyết định biến ngôi nhà thành bảo tàng để tưởng nhớ con gái mình và những người khác đã ẩn náu tại đây. Bảo tàng được mở cửa vào năm 1960, trưng bày các hiện vật liên quan đến cuộc sống của Anne Frank và những người ẩn náu, bao gồm nhật ký, những bức ảnh, thư từ và đồ vật cá nhân.
Trong số du khách đến thăm ngôi nhà, có rất nhiều người biết đến cô từ trước, khi đọc tác phẩm “Nhật ký Anne Frank”.
Tới ngôi nhà của gia đình Anne, du khách có thể tham quan khu vực bí mật nơi Anne từng ẩn náu, được bảo tồn nguyên vẹn như thời điểm gia đình bị bắt. Ngôi nhà Anne Frank thu hút hơn 1 triệu du khách mỗi năm.
Các ví dụ trên cho thấy dựa vào tác phẩm nghệ thuật là một cách hay để sáng tạo, quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, để sản phẩm, dịch vụ tồn tại và phát triển thì bản thân chúng phải thực sự có giá trị riêng, không chỉ nhờ danh tiếng của tác phẩm.
“Đến thăm khu Cánh đồng bất tận, ngoài thỏa mãn trí tò mò về phim trường, bối cảnh của bộ phim, gia đình tôi còn được tìm hiểu về một vùng dược liệu quý, những tập quán sinh hoạt của vùng nước nổi Đồng Tháp Mười, những câu chuyện về du kích bưng biền thời kháng chiến chống Mỹ. Trẻ con được biết thêm về cây cỏ, sông nước, hòa mình với thiên nhiên”, anh Đoàn Quốc Huy nói.
Còn với hồ Como, ngoài sự nổi tiếng của tiểu thuyết “The Betrothed”, bản thân khu vực này là một vùng danh thắng ở Ý, có giá trị cả về tự nhiên, địa mạo địa chất và kiến trúc, tự thân đã có sự hấp dẫn du khách rất lớn.
Ngoài cá kho làng Vũ Đại, ta còn thấy ở đâu đó có thêm các tên quán ăn theo truyện “Chí Phèo”, ví dụ Cháo Thị Nở ở đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội. Và không chỉ có các quán ăn theo Nam Cao. Ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội có quán phở Đường Tăng (ông chủ quán tên Vũ Văn Tăng). Giai đoạn đầu khá đông khách, cũng có thể một số người thấy lạ bởi cái tên rất “Tây Du Ký” với những con yêu quái suốt ngày đòi ăn thịt Đường Tăng để được trường sinh bất lão. Trên vài diễn đàn “review” ẩm thực, một số người từng đến quán phàn nàn về chất lượng đồ ăn, vệ sinh và cả thái độ phục vụ của nhân viên.
Nếu sản phẩm dịch vụ chỉ dựa vào sự tò mò, khuấy động trong chốc lát tính hiếu kỳ của thiên hạ mà không có giá trị thực sự, thì khi sự tò mò được giải tỏa, du khách hay khách hàng sẽ nhanh chóng mất hứng thú.