Văn hóa

“Trẻ hóa” nghệ thuật hàn lâm

Minh Quân 22/03/2024 07:00

Với thay đổi trong cách tiếp cận, nghệ thuật hàn lâm (opera, nhạc kịch, ballet, nhạc giao hưởng, thính phòng…) đang lan tỏa đến đối tượng người trẻ.

anhbaitren.jpg
“Solla Music - Hòa nhạc sân trường”. Ảnh: CTCC.

Lan tỏa nghệ thuật

Sau thành công của các vở diễn, từ vở ballet “Hồ thiên nga”, “Giselle” đến nhạc kịch “Những người khốn khổ”, mới đây Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam vừa cho ra mắt vở opera “Carmen”. Đây là vở Opera thuộc thế kỷ 19 của nhà soạn nhạc người Pháp Georges Bize và đã trở thành một kiệt tác vượt thời gian làm say đắm khán giả trên thế giới bằng câu chuyện hấp dẫn và âm nhạc đầy đam mê.

Tuy nhiên, với phiên bản “Việt hóa”, vở diễn đã thổi một làn gió mới bằng sự đổi mới theo tính hiện đại. Ở đó, khán giả được trải nghiệm sự hòa quyện sôi động của kiệt tác nguyên bản trong bối cảnh hiện tại ở một quán rượu của thế kỷ 21. Câu chuyện đầy kịch tính được khắc họa sống động với trang phục đầy màu sắc và vũ đạo sôi động.

NSƯT Phan Mạnh Đức - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết, nhà hát đã và đang thực hiện đúng hướng tiêu chí nghệ thuật, chúng tôi mong muốn sẽ mang đến cho khán giả cảm nhận thực sự về một tác phẩm Opera mang tầm thế giới, kỹ thuật Opera điêu luyện cùng khả năng diễn xuất của các nghệ sỹ, tạo nên một không gian đầy lãng mạn, quyến rũ và đậm chất nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng.

Không chỉ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, thời gian qua, nhiều đơn vị chuyên nghiệp cũng đã làm mới mình để có thể tiếp cận nhiều đối tượng khán giả. Đơn cử như Học viện âm nhạc Việt Nam với chương trình “Trại hè âm nhạc”, mục đích đưa âm nhạc hàn lâm đến với người trẻ. Nhà hát Tuổi trẻ với hàng loạt vở nhạc kịch như “Sóng”, “Bầy chim thiên nga”, “Tiếng gọi mùa hè”…

Đặc biệt, trong những năm qua, các loại hình nghệ thuật hàn lâm cũng đã được lan tỏa rộng rãi đến các trường học, trở thành các chương trình thường niên. Có thể kể đến vở nhạc kịch “Guise” do các học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thực hiện; chương trình nhạc kịch mang tên “Người tìm nơi sóng lặng” với sự tham gia của hơn 100 sinh viên và học sinh đến từ trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB) và 12 trường THPT có chung niềm đam mê nghệ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Mới đây nhất là chuỗi chương trình “Solla Music - Hòa nhạc sân trường” được tổ chức tại nhiều sân trường THPT trên toàn quốc, với sự hỗ trợ về chuyên môn và tham gia biểu diễn của hơn 100 nghệ sĩ/nhà giáo trong lĩnh vực âm nhạc đến từ Học viện Âm nhạc quốc gia, Dàn nhạc thính phòng Hà Nội, các trung tâm nghệ thuật uy tín và chính tập thể giáo viên, học sinh tại địa bàn.

Tạo hiệu ứng cho khán giả

Có thể nói sau một thời gian dài nghệ thuật hàn lâm bị mặc định là xa lạ, khó hiểu, giờ đây, các chương trình biểu diễn như giao hưởng, ba lê, nhạc kịch đã diễn ra thường xuyên hơn là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy thị hiếu công chúng khán giả đã có sự thay đổi. Nhưng có lẽ sâu xa của hiện tượng này chính là sự nỗ lực của những người làm nghề, dám đổi mới, dám đầu tư những tác phẩm có chất lượng. Thay vì ngồi chờ, một số nhà hát giao hưởng, thính phòng đã mạnh dạn chủ động đưa âm nhạc hàn lâm xuống đường, ra phố, về nông thôn tìm khán thính giả. Tuy nhiên, để nghệ thuật hàn lâm được phổ cập rộng rãi đến công chúng thì phải đòi hỏi cái tâm, cái tầm của những người nghệ sĩ.

Đồng hành với nhiều chương trình nghệ thuật hàn lâm, NSND Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nhìn nhận, tại Việt Nam, cách đây vài chục năm, nghệ thuật hàn lâm cũng có đối tượng khán giả của mình. Do điều kiện kinh tế, xã hội thời đó còn nhiều khó khăn, thách thức, nên sân khấu là hình thức nghệ thuật duy nhất con người có thể tiếp cận và thưởng thức. Còn ngày nay, mọi việc đã thay đổi. Con người có quá nhiều sự lựa chọn để giải trí. Người ta ngại đến những nơi như nhà hát để mà xem nghệ thuật hàn lâm chứ không phải là có nhiều thứ để lựa chọn.

Để nghệ thuật hàn lâm được lan tỏa rộng rãi hơn đến công chúng, bà Ly cho rằng, điều đầu tiên nên làm là thúc đẩy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hàn lâm từ nhà trường. Nếu khán giả chưa đến với mình, thì mình chủ động đến với khán giả. Làm sao phải tiếp cận dần nhưng không biến chất về nghệ thuật.

Theo TS âm nhạc Lê Y Linh, việc đưa nhạc hàn lâm đến với công chúng là việc khó và cần đầu tư lớn nhất về thời gian, chiến lược và cả ngân sách. Bởi có công chúng vững chắc thì mới có thể phát triển một cách lâu dài. Tiếp đó, vai trò của những người làm âm nhạc là hướng dẫn thẩm mỹ công chúng. Ngoài ra, cần quảng bá việc biểu diễn các tác phẩm Việt Nam trong những buổi hòa nhạc, mang đến cho công chúng hiểu biết về sự tồn tại của những tác phẩm ấy. Khi đã có nghệ sĩ biểu diễn, có tác phẩm, thì tất cả đều nằm trong tầm tay với.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Trẻ hóa” nghệ thuật hàn lâm