Góc nhìn Đại Đoàn Kết

An toàn cho bệnh viện

Minh Thủy 12/12/2023 07:28

Chỉ trong vòng 2 tuần, nhân viên y tế Bệnh viện quận 7 (TPHCM) đã 2 lần bị hành hung trong khi thi hành nhiệm vụ. Đó là thực tế đáng báo động về tình trạng mất an toàn bệnh viện cũng như nhân viên y tế trở thành đối tượng dễ bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ.

Trước tình trạng đó, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho rằng cần thiết phải rà soát và củng cố quy trình báo động về an ninh trật tự bệnh viện. Cần liên hệ chặt chẽ với Công an địa phương để kịp thời hỗ trợ lực lượng bảo vệ bệnh viện đảm bảo an ninh, trật tự.

Đáng tiếc là không chỉ gần đây mới có việc nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân hành hung. Ngành Y tế từng nhiều lần lên án hành vi bạo lực khi coi là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần và phục vụ của nhân viên y tế nhất là trong tình huống cấp cứu người bệnh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho đội ngũ nhân viên y tế. Hành vi hành hung nhân viên y tế là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xã hội lên án và pháp luật xử lý nghiêm minh.

Công luận cũng đã nhiều lần lên tiếng về việc người nhà bệnh nhân có hành vi phạm pháp, hành hung y, bác sĩ. Những tưởng trong khuôn viên riêng biệt đặc thù của bệnh viện, nhân viên y tế được bảo đảm an toàn là lẽ đương nhiên, nhưng không phải.

Riêng trong năm 2022, tại các cơ sở y tế TPHCM đã có tới 22 vụ y, bác sĩ bị hành hung. Có vụ người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ trọng thương phải cấp cứu. Đó là chưa tính đến các vụ chửi bới, nhục mạ, gây rối tại bệnh viện.

Bất cứ thời đại nào thì thầy thuốc cũng luôn được đặt ở vị trí riêng biệt. Họ làm công việc trị bệnh cứu người. Nghề y là nghề cao quý. Thầy thuốc tận tâm là người cao quý. Hẳn chưa ai có thể quên những năm tháng đại dịch Covid-19 hoành hành. Những người thầy thuốc đã thực sự trở thành chiến sĩ trên mặt trận dập dịch. Không chỉ đối mặt với dịch, họ còn phải sinh hoạt dài ngày trong môi trường dịch bệnh, có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Đó là sự hy sinh vô bờ bến của những người chiến sĩ áo trắng. Dịch bệnh đi qua, sức khỏe của họ bị bào mòn, thậm chí có người đã mất khi không ngại ngần lao vào tâm dịch, dấn thân vào các bệnh viện chen chúc bệnh nhân để giành giật sự sống cho từng con người.

Không điều gì có thể bù đắp được những hy sinh ấy. Vậy nên cực kỳ đáng căm phẫn trước những hành động vô ơn, táng tận lương tâm khi hành hung thầy thuốc.

Đã đến lúc an toàn của bệnh viện, an toàn của nhân viên y tế phải được đặt ra một cách nghiêm túc. Không thể để bệnh viện đơn độc trước sự tấn công của bất cứ đối tượng nào. Xã hội phải xác định lại trách nhiệm của mình đối với bệnh viện cũng như đối với nhân viên ngành y.

Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), từng nhận xét: Nếu coi bạo hành y tế như một cuộc đôi co ngoài đường phố thì đó là một sai lầm, bởi thực tế nó nghiêm trọng hơn rất nhiều. Khi bạo lực y tế gia tăng cũng giống như người bệnh đang tự đẩy chất lượng y tế xuống vực.

Không thể để nhân viên y tế bất an. Y, bác sĩ sống trong tâm trạng sợ hãi, bàn tay run rẩy thì có thể cung cấp dịch vụ y tế tốt cho người bệnh hay không?

Câu trả lời là không!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An toàn cho bệnh viện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO