Theo chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng mới thêm 33,2 triệu mét vuông sàn nhà ở, diện tích bình quân 29,5m2/người. Như vậy, với mục tiêu nêu trên, người dân sẽ cần xấp xỉ 100.000 căn hộ.
Tại thời điểm này, ở hầu hết các thành phố, nhà ở thương mại (giá cao) tồn kho nhiều, trong khi ở xã hội (giá thấp) đang rất thiếu. Với Hà Nội, toàn thành phố mới chỉ có 5 dự án nhà ở xã hội (NOXH) được hoàn thành với khoảng 345.000m2 sàn, chỉ đạt 27,6% mục tiêu đề ra. Điều đó có nghĩa là trong vòng 2 năm nữa Hà Nội phải xây dựng thêm gần 900.000m2 sàn NOXH, đó là thách thức vô cùng lớn.
Một trong những nút thắt khiến tiến độ xây dựng NOXH chậm là do doanh nghiệp (DN) không hào hứng. Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư các dự án NOXH từ 10% lên 15 - 20%. Việc này nhận được nhiều ý kiến.
Để phát triển NOXH, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi, như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cho DN xây dựng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cả trong và ngoài dự án, cho phép sử dụng 20% diện tích đất hoặc diện tích sàn nhà ở để kinh doanh dịch vụ, thương mại. Đối với người mua, thuê mua NOXH được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức bình quân cả thời kỳ từ 4,8 - 5%/năm...
Nhiều ưu đãi, nhưng vì sao việc phát triển nhà ở lại rất chậm? Theo lý giải của đại diện Bộ Xây dựng, điều đó có nguyên nhân từ chính những quy định hiện hành. Ví dụ, việc được miễn tiền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư vẫn phải xác định tiền sử dụng đất để làm thủ tục miễn, nên phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính, thời gian, chi phí. Cùng đó, các địa phương bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội thường là nhỏ lẻ, xa trung tâm, thiếu tiện ích hạ tầng, dịch vụ... nên ở nhiều nơi đã không hấp dẫn đối tượng được hưởng chính sách.
Riêng với việc áp quy định lợi nhuận 10% dành cho chủ đầu tư dự án NOXH nhưng lại không ính các khoản chi phí hợp lệ của DN như tổ chức quảng cáo, bán hàng, quản lý... nên DN không mặn mà.
Việc Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất tăng mức lợi nhuận cho chủ đầu tư xây dựng các dự án NOXH lên 15 - 20%, thay vì 10%, xuất phát từ thực tế 1 dự án NOXH bình quân phải mất từ 3 - 5 năm để hoàn tất các thủ tục hành chính, phát sinh thêm nhiều chi phí.
Tuy nhiên, với đề xuất ấy, nhiều ý kiến lại bày tỏ lo ngại. Hiện nay giá nhà ở trên thị trường đang ở mức cao, gấp hơn 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam. Nếu tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư lên 15 - 20% thì lúc đó NOXH sẽ bị điều chỉnh tăng giá bán, người thu nhập thấp sẽ càng khó có cơ hội sở hữu nhà ở. Tính toán đơn giản, đối với nhiều người thu nhập hằng tháng chỉ đủ để chi tiêu sinh hoạt, nếu tăng 1,5 - 2 triệu đồng/m2, 1 căn hộ 40 - 50m2 sẽ chi trả thêm 100 triệu đồng.
Vì thế, nhiều người cho rằng, không nên tăng lợi nhuận (gấp 1,5 hoặc 2 lần) mà cần tìm cách giảm chi phí cho DN xây dựng xã hội. Đó là chi phí thủ tục giấy tờ, thời gian làm thủ tục cho dự án và lãi suất vay ngân hàng.
Như vậy, lợi nhuận của DN sẽ tăng lên, còn người được thụ hưởng chính sách NOXH sẽ không phải trả giá cao để bù thêm vào lợi nhuận cho DN.
NOXH là chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước. Vì thế, không nên tìm cách “tối ưu hóa lợi nhuận” ở những dự án này.