Kinh doanh thương mại điện tử phát triển nóng kéo theo việc trà trộn hàng giả, hàng nhái. Nhiều ĐBQH lên tiếng và các Bộ trưởng Công thương, Tài chính cũng đã đưa ra cam kết khắc phục. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần áp dụng biện pháp “dùng công nghệ để quản lý công nghệ”; đồng thời phải xác định bản chất của vấn đề là muốn thương mại điện tử phát triển thì trước hết phải bảo vệ người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 hướng tới mục tiêu nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử (TMĐT). Theo ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, TMĐT phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với 2022, đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam 2023 đã đạt gần 61 triệu người và ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm 336 USD/năm. Hiện Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh “tiếng thơm” thì nhiều người “đi chợ mạng” cũng rất phiền lòng khi phải nhận những sản phẩm kém chất lượng, không như quảng cáo. Nhiều người cho rằng mỗi lần đặt mua hàng online là một lần bất an.
Chính lãnh đạo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cũng cho biết, khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT gia tăng liên tục, chủ yếu là do chất lượng kém so với quảng cáo, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hay khó kiểm định chất lượng hàng hóa. Năm 2023, Bộ Công thương đã yêu cầu các sàn TMĐT, các website gỡ bỏ, khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lỗ hổng quản lý thì vẫn còn đó trên “chợ mạng”. Trong phiên chất vấn Quốc hội đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận việc quản lý bán hàng online, livestream trên TMĐT là chuyện không dễ dàng. Còn ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc bán hàng online hoặc quảng cáo qua những người có ảnh hưởng còn nhiều bất cập; cũng như việc làm sao để Nhà nước nắm được doanh thu thực tế của các phiên livestream bán hàng trên mạng.
Bán hàng online là phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, ngoài kỹ năng bán hàng online, thì phía người bán cũng cần bảo đảm việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Về phía người tiêu dùng, cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như: địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế...
Đặc biệt, đối với cơ quan quản lý, cần lấy công nghệ để quản lý công nghệ. TMĐT là một lĩnh vực mới có năng lực tiến hóa số liên tục. Điều này đòi hỏi sự đầu tư và nâng cấp về công nghệ cho các cơ quan quản lý bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý. Nói cách khác, nâng cấp công nghệ để quản lý “chợ mạng” phải được coi là trọng tâm ưu tiên, đi trước. Chỉ có công nghệ mới đủ sức truy xuất nguồn gốc sản phẩm để từ đó truy vết và truy cứu trách nhiệm các bên tham gia “chợ mạng”. Công nghệ cũng sẽ cho phép kết nối, chia sẻ thông tin trong việc phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng hóa nhập lậu và chống thất thu thuế.
Trở lại với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới, có hiệu lực từ 1/7, cùng với việc bổ sung điều về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng thì Luật cũng bổ sung trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan báo chí... trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều đó hạn chế tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm khi có tranh chấp phát sinh, trong đó có giao dịch mua bán trên “chợ mạng”.
Về nguyên tắc, không có người tiêu dùng sẽ không có sản xuất kinh doanh. Đây là mối quan hệ cộng sinh cần được nhận thức thấu đáo. Tuy nhiên, trước hết thì người bán hàng trên “chợ mạng” phải trung thực, không vì lãi suất cao mà rao bán cả hàng gian hàng giả; không “trộn” hàng; nhất thiết không lừa dối, lừa đảo thì TMĐT mới phát triển lành mạnh, người “đi chợ mạng” mới yên tâm.